Cuộc họp ngày 22-9 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - Ảnh: AP
Cuộc họp của Hội đồng Bảo an diễn ra sau một loạt diễn biến nổi bật về chiến sự tại Ukraine trong tuần này, theo Hãng tin AP.
Một trong số đó là việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành sắc lệnh động viên một phần nhằm huy động thêm 300.000 binh sĩ.
Đồng thời ông Putin cho biết đất nước được trang bị vũ khí hạt nhân của ông sẽ "sử dụng tất cả phương tiện sẵn có" để tự vệ nếu lãnh thổ bị đe dọa.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken coi phát biểu của ông Putin là "đặc biệt đe dọa" trong bối cảnh các vùng lãnh thổ của Ukraine do Nga kiểm soát đang tiến hành trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga.
Các nước phương Tây đã lên án các cuộc trưng cầu đó và ông Blinken cảnh báo Matxcơva có thể bằng cách này coi bất kỳ nỗ lực nào giành lại quyền kiểm soát những khu vực đó là một cuộc tấn công vào "lãnh thổ Nga".
"Mọi thành viên hội đồng nên gửi thông điệp rõ ràng rằng những mối đe dọa hạt nhân liều lĩnh này phải dừng lại ngay lập tức", ông Blinken phát biểu tại cuộc họp.
"Hãy nói với Tổng thống Putin dừng sự kinh hoàng mà ông ấy đã bắt đầu. Hãy bảo ông ấy ngừng đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của phần còn lại của thế giới, bao gồm cả người dân của ông ấy", ngoại trưởng Mỹ nói thêm.
Ông Blinken cho rằng Nga cần phải đối mặt với sự chỉ trích và cô lập hơn nữa vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Đồng thời, ông kêu gọi các nước khác tham gia cùng Mỹ trong việc lên án mạnh mẽ chiến dịch quân sự này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov không đề cập đến năng lực hạt nhân hay lệnh động viên mới của Nga trong suốt bài phát biểu của mình tại Hội đồng Bảo an.
Thay vào đó, ông Lavrov lặp lại các cáo buộc về việc Kiev đàn áp những người nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine, một trong những lý do Matxcơva đưa ra khi mở chiến dịch quân sự hồi tháng 2-2022. Ông cũng nói rằng sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine là mối đe dọa đối với Nga.
Ông Lavrov chỉ xuất hiện ngay trước khi tới lượt ông phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an, và rời đi ngay sau đó.
Cuộc họp ngày 22-9 là khoảnh khắc hiếm hoi để các nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine và Nga xuất hiện trong cùng một căn phòng, đặc biệt khi bản thân ông Lavrov đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.
TTO - Từ hôm nay 23-9, bốn vùng do Nga kiểm soát ở Ukraine bắt đầu tổ chức trưng cầu ý dân về việc sáp nhập Nga. Sự việc diễn ra giữa lúc Matxcơva quyết định thay đổi quy mô cuộc chiến mà theo họ là với cả phương Tây chứ không riêng Kiev.
Xem thêm: mth.39444519032902202-nahn-tah-aod-ed-iom-cac-gnugn-agn-iog-uek-coun-cac-cuig-cuht-ym/nv.ertiout