Sinh viên theo học tại Trường Du lịch và Khách sạn Saigontourist - Ảnh: THẢO TRẦN
Dù đang là sinh viên khoa quan hệ công chúng và truyền thông Trường ĐH Văn Lang, nhưng hơn 2 tháng qua, Lê Hoàng Ngọc Tuyền bắt đầu theo đuổi thêm những khóa học về pha chế tại một cơ sở dạy nghề ở quận Tân Bình (TP.HCM). Khóa học hiện tại của bạn kéo dài trong 4 tháng.
Phòng xa
Xác định từ đầu học kỳ này sẽ luyện thêm một nghề mới, Tuyền chủ động sắp xếp lịch học chính khóa ở trường đại học sao cho có nhiều buổi trống mỗi tuần để đến trung tâm luyện tập với giảng viên các công thức, phương pháp pha chế. Tuyền cũng được học thêm cách tính toán những chi phí, cách quản lý và điều hành sao cho hiệu quả nhất nếu tự mở một quán riêng.
Tuyền chia sẻ bạn học thêm một nghề là vì muốn có thêm một "nghề tay trái" để kiếm việc làm khi còn là sinh viên và trong những năm đầu sau tốt nghiệp. Bạn phân tích mặc dù có không ít cơ hội việc làm ngành quan hệ công chúng nhưng mức lương dành cho sinh viên chưa có kinh nghiệm chỉ khoảng 3 triệu đồng. Đối với nghề pha chế, mức lương cơ bản Tuyền có thể nhận được cao hơn hẳn, từ 4 - 5,5 triệu đồng, chưa tính phí phục vụ theo mỗi lượt khách.
Tương tự, Lê Tiến Phát dù đang theo học ngành truyền thông đa phương tiện nhưng cũng sắp hoàn thành khóa học pha chế của mình tại một trung tâm dạy nghề ở quận Tân Bình. Phát cho rằng trong thời buổi hội nhập, nếu biết thêm một chuyên môn sẽ mở ra thêm rất nhiều cơ hội mới. Đặc biệt khi có những rủi ro bất ngờ như COVID-19, sở hữu thêm một "tay nghề" nữa cũng giúp bạn có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Hiện giờ định hướng của Phát là ra trường sẽ mở một quán cà phê. Quán sẽ mang dấu ấn cá nhân, được Phát tự làm thương hiệu bằng những kiến thức truyền thông đa phương tiện học được. "Mình ấp ủ dự định đem cả hai đam mê là truyền thông và pha chế vào trong công việc tương lai" - Phát tâm sự.
Xu hướng đa nhiệm
Ông Nguyễn Phúc Hưng - giám đốc Trung tâm dạy nghề pha chế Taste Masterclass - cho biết sau cột mốc dịch COVID-19, ông nhận thấy số lượng học viên tại trung tâm đang là sinh viên đại học tăng lên đáng kể, có lúc lên tới khoảng 1/4 đến 1/3 số người học mỗi khóa.
Qua những buổi nói chuyện, ông nhận thấy dần có một xu hướng "mở" hơn về mặt tư duy của các bạn trẻ. Nếu trước đây phần nhiều nghĩ rằng họ phải cố gắng làm sao có thể đạt những điểm số tốt trên đại học, xem đó như một mục tiêu duy nhất, thì hiện nay họ tập trung vào phát triển kỹ năng, đặc biệt là những thứ có thể sử dụng để trực tiếp kiếm thêm thu nhập.
"Có bạn tâm sự không nhất thiết sẽ áp dụng những gì học được từ khóa pha chế ngay lập tức nhưng xem đó là một nghề để dự phòng những lúc bất trắc. Các bạn cũng thoải mái hơn với những dự định nghề nghiệp của mình, ít người còn quan niệm chỉ khư khư làm một nghề suốt đời" - ông Hưng nói.
Theo ông Võ Đỗ Thắng - giám đốc Trung tâm Quản trị đào tạo và an ninh mạng Athena, những khóa từ 3-9 tháng về quản trị mạng, an toàn thông tin của trung tâm hiện ghi nhận ngày càng nhiều học viên là sinh viên đại học xuất thân từ những ngành "tréo ngoe". Ví dụ có bạn học quản trị kinh doanh, có bạn học về công nghệ sinh học, hay thậm có bạn học nông nghiệp... tại các trường đại học ở TP.HCM.
Ông Thắng cho hay bên cạnh một số bạn học để có thêm một "món nghề" hoặc bổ trợ cho chuyên ngành chính, nhiều học viên chọn học để "tìm lối ra". Có một thực tế là không ít sinh viên "chọn đại" ngành ở đại học, trong đó không ít ngành các bạn chưa tìm hiểu kỹ hoặc không yêu thích.
Nhiều bạn không chọn cách chuyển ngành hay thi lại mà vẫn học tiếp chuyên ngành đại học này, sau đó tìm đến những khóa ngắn hạn để có thêm cơ hội nghề nghiệp khác vì không thích làm chuyên ngành chính.
Theo một chuyên gia của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), đa nhiệm sẽ là một trong những xu hướng lao động nổi bật sau COVID-19. Khi các công ty cắt giảm lao động, những người được giữ lại sẽ phải biết làm nhiều công việc hơn, tương tự những người phải rời đi cũng sẽ cần nhiều kỹ năng để có được những công việc mới, có thể bao gồm những những đầu việc hoàn toàn khác so với trước đây.
"Nhu cầu đa nhiệm của thị trường đã tác động ngược trở lại đến nhiều bạn trẻ, khiến các bạn phải nỗ lực hơn khi còn là sinh viên để tích lũy cho mình nhiều kỹ năng cho không chỉ một nghề nghiệp duy nhất sau này" - chuyên gia này nói.
Học nghề trước khi du học
Bà Võ Thị Mỹ Vân - hiệu trưởng Trường Du lịch và Khách sạn Saigontourist - cho biết bên cạnh những sinh viên đại học học thêm nghề, còn có không ít những bạn trẻ học nghề như một công cụ hỗ trợ khi đi du học.
Một số bạn theo học các khóa nghề bếp, làm bánh hay pha chế trong khoảng 3 tháng để có tay nghề và đạt được chứng chỉ trước ngày xuất ngoại. Với hành trang này, các bạn sẽ có thể dễ được nhận vào làm thêm ở các nhà hàng, quán bar trong thời gian học đại học ở nước ngoài.
"Gần như tháng nào trường chúng tôi cũng có khóa học cho đối tượng sinh viên du học này" - bà Vân nói.
Nghề phụ sẽ là nghề... phụ
Phạm Gia Hưng - sinh viên năm cuối chuyên ngành viễn thông Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - đã sắm sửa máy ảnh "xịn" để đi học nhiếp ảnh tại một studio ở TP.HCM. Hưng cho rằng trong những điều kiện bình thường, nghề phụ vẫn sẽ là... nghề phụ.
"Ngành viễn thông mình đang theo vẫn sẽ là công việc chính, có nhiều cơ hội phát triển hơn và mình phải tập trung hết sức. Nhiếp ảnh sẽ là nghề tay trái, vừa có thêm thu nhập vừa thỏa mãn được đam mê" - Hưng nói.
Đại học có phải là con đường duy nhất để thành công? Học sinh và phụ huynh luôn phải trăn trở trong việc lựa chọn giữa học đại học và học nghề. Vậy tại sao nên chọn học nghề và tại sao nên chọn Trường Cao đẳng Du lịch Cần thơ để học nghề?
Xem thêm: mth.51540159032902202-iart-yat-ehgn-meht-coh-neiv-hnis-ihk/nv.ertiout