Anh Lê Văn Đông và Lê Văn Vương là bạn bè lâu năm. Sau này vì hoàn cảnh nên anh Đông sống và làm việc tại quê nhà Khánh Hòa, còn anh Vương tạm cư tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Để tiện cho việc giữ liên lạc với nhau, ngoài trao đổi số điện thoại, họ còn kết bạn trên Facebook. Do mạng xã hội chưa tính phí, cũng tiện dụng nên đôi bạn thường sử dụng nó để liên lạc, trao đổi tâm tình về công việc, gia đình, cuộc sống mưu sinh.
Ngày 15-9-2022, anh Đông đang ở quê nhà thì nhận được tin nhắn của Vương hỏi mượn 6 triệu đồng để giải quyết việc cấp bách. Tin nhắn còn gửi kèm số tài khoản tại ngân hàng mà chủ nhân đúng họ tên chữ lót của người bạn thân là anh Vương. Bạn chưa từng nhờ vả, nay mới hỏi mượn tiền, chủ tài khoản lại đích danh nên anh Đông không chút phân vân, dùng tài khoản của cá nhân chuyển cho anh Vương mượn 6 triệu đồng.
Vài giờ sau, tin nhắn qua Facebook từ anh Vương tiếp tục hỏi mượn thêm 4 triệu đồng, cách nói chuyện cũng quen thuộc. Tuy nhiên, anh Đông bỗng nảy sinh nghi ngờ có gì đó bất bình thường nên chủ động gọi điện thoại lại cho bạn để kiểm tra. Qua cuộc chuyện trò, anh Đông biết được tài khoản Facebook của anh Vương đã bị kẻ gian hack, giả danh anh mượn tiền của nhiều bạn bè. Những người cảnh giác, điện thoại kiểm tra trước khi chuyển tiền thì không dính bẫy lừa. Ai cả tin, gửi tiền thì đều bị chiếm đoạt. Do Facebook vừa mới bị hack nên anh Vương chưa kịp thông báo hết cho bạn bè để cảnh giác và một số người đã bị lừa, mất tiền triệu như anh Đông.
Vì sao tội phạm lừa đảo có thể nhắn tin với văn phong y như bạn bè của mình? Lời khai của nhóm tội phạm hack Facebook bị công an bắt giữ sau đây sẽ phần nào giúp cho mọi người hiểu và rút kinh nghiệm, tránh sập bẫy lừa qua Facebook. Qua nhiều ngày kiên trì điều tra, xác minh, thu thập thông tin tài liệu, tổ công tác của Công an tỉnh Bình Phước đã phối hợp cùng Công an Quảng Trị mời làm việc với Nguyễn Đức Thủy (20 tuổi, trú xã Triệu Ái, H.Triệu Phong, Quảng Trị) và Nguyễn Xuân Quý (22 tuổi, ngụ xã Hương Toàn, H.Hương Trà, Thừa Thiên - Huế). Làm việc với cơ quan Công an, Thủy và Quý thừa nhận là thủ phạm hack Facebook để chiếm đoạt tài sản của nhiều người.
Theo đó, Thủy và Quý sử dụng đường link "hack" tạo trên mạng Internet gửi tin nhắn qua Messenger nhờ bình chọn các vấn đề ABC, kèm đường link cho nhiều người để hack tài khoản. Người nào tưởng thật, vào bình chọn, các đối tượng sẽ đánh cắp thông tin và dùng nó để chiếm đoạt Facebook. Sau khi hack được tài khoản các người dùng, Thủy và Quý nghiên cứu kỹ mục tin nhắn Messenger, xem cách thức chủ tài khoản nhắn tin với bạn bè, người thân rồi giả mạo là chủ tài khoản nhắn tin cho bạn bè, người thân của họ để mượn tiền với nhiều lý do khác nhau. Sau đó, các đối tượng yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp để chiếm đoạt.
Bằng cách thức trên, Thủy và Quý đã hack hơn 300 tài khoản Facebook của nhiều người ở các tỉnh, thành trên cả nước, chiếm đoạt tổng số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng. Cơ quan công an đã thu giữ tang vật gồm: 1 laptop, 5 điện thoại di động là phương tiện các đối tượng sử dụng để hack tài khoản Facebook, cùng 4 tài khoản ngân hàng các đối tượng dùng để nhận tiền của bị hại và nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan.
Căn cứ các vụ việc đã diễn ra, cơ quan công an khuyến cáo người dân: Tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link, trang web lạ khi chưa tìm hiểu kỹ do ai gửi cho mình, mục đích để làm gì. Khi nhận được tin nhắn mượn tiền của bạn bè qua Messenger, đừng ngại gọi điện thoại kiểm tra trước khi chuyển tiền.
Xem thêm: lmth.253731_neit-noum-ioh-koobecaf-nert-nab-ihk/caig-hnac/na-uv/nv.moc.nagnoc