Xuất phát từ sự hứng thú và tò mò sau khi đọc truyện tranh nước ngoài về văn hóa sưu tầm bọ, từ cuối năm 2015, Anh Kiệt bắt đầu công việc sưu tầm và làm tiêu bản bọ cánh cứng. Ở Việt Nam, bộ môn này còn khá mới mẻ, chưa phổ biến. Kiệt cho biết: “Lúc mới bắt đầu, mình gặp khó khăn ở việc tìm hiểu, vì những tư liệu về các loài bọ như thế này ở Việt Nam không có nhiều, phải tìm hiểu ở những trang và hội nhóm nước ngoài, may mắn có những người anh chơi trước chỉ lại cho mình. Khó khăn nữa là gia đình mình cũng ái ngại vì cảm thấy việc sưu tầm bọ khá lạ và nguy hiểm, nhưng khi nghe mình giải thích thì mọi người dần ủng hộ”.
Có vài mẫu ở nước ngoài, Kiệt phải nhờ bạn bè trao đổi hoặc gửi về nước. Kiệt nuôi dưỡng cho bọ sinh sản, sau khi bọ sống hết vòng đời mới lấy mẫu xác của bọ bố mẹ làm tiêu bản, còn phần ấu sẽ tặng cho bạn bè hoặc đem trả lại cho tự nhiên.
Anh Kiệt có niềm đam mê đặc biệt với bọ cánh cứng bởi sự độc đáo và đa dạng về hình dáng, chủng loại. Kiệt mong muốn gìn giữ sự đa dạng sinh học của loài bọ cánh cứng qua việc sưu tầm tiêu bản của chúng. |
Các loài bọ có kích thước khác nhau: có loài nhỏ cỡ móng tay út, có loài to bằng bàn tay… |
Bọ kẹp kìm (bìa trái) là mẫu tiêu bản đầu tiên Anh Kiệt sưu tầm được vào cuối năm 2015. |
Sau khi thu được mẫu vật, Kiệt ngâm qua dung dịch gồm cồn trắng 90 độ pha với tỷ lệ nước nhất định để đảm bảo an toàn, sau đó đem ghim kim và phơi nắng. Tùy vào kích thước của con bọ mà có khoảng thời gian ngâm dung dịch cũng như thời gian phơi nắng nhất định để không bị phân hủy xác.
Một số mẫu chỉ mất khoảng 2-3 ngày để hoàn thiện, cũng có những mẫu mất tầm một tuần, tùy theo kích thước bọ. |
Anh Kiệt chia sẻ: “Đối với mình, có rất nhiều thứ xung quanh cũng cần được bảo vệ, không chỉ là voi hay tê giác… mà có những con vật nhỏ như loài bọ cũng cần được bảo vệ. Mình mong muốn bộ môn này có sự phát triển hơn ở Việt Nam, mọi người sẽ lưu giữ những mẫu vật rồi cho sinh sản những mẫu này nhiều hơn”.
Sau 7 năm sưu tầm, Anh Kiệt sở hữu gần 200 mẫu tiêu bản bọ khác nhau, đa số là các loài bọ có tại Việt Nam như Neolucanus Baongocae, Lucanus Kraatzi Giangae… |
Bọ voi Nam Mỹ (Có tên khoa học là Megasoma Elephas) là loại bọ có kích thước lớn nhất trong bộ sưu tập của Kiệt. |
Một số mẫu bọ cùng chi, khác loài trong bộ sưu tập. |
Một mẫu bọ đã được ghim kim định hình. |
Trong quá trình ghim kim, Kiệt luôn phải cẩn thận và tỉ mỉ với mẫu. |
Bộ sưu tập bọ cánh cứng này Kiệt chỉ để lại ngắm nhìn chứ không bán. Kiệt trưng bày nó tại nhà, tại một quán cafe để nhiều người có thể chiêm ngưỡng, đồng thời cũng là cách Kiệt kết nối với những người cùng đam mê. |
Kiệt dành nhiều thời gian để nghiên cứu về loài bọ cánh cứng. Với Kiệt, được sở hữu một tiêu bản là điều anh vô cùng trân quý.
Bên cạnh đó, việc sưu tầm bọ còn truyền cảm hứng cho Anh Kiệt trong công việc thiết kế đồ họa mà anh đang theo đuổi, để từ đó anh có thể tạo ra những sản phẩm độc đáo dựa trên màu sắc đa dạng của loài.