Ngày 23/9, HĐXX TAND Tp.Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Duy Toản (SN 1987, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 290 Bộ luật Hình sự.
Cùng bị truy tố với tội danh trên còn 3 bị cáo là: Trần Quốc Khánh (SN 1984, trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Phan Đình Thư (SN 1998, trú tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), Đỗ Chí Huy (SN 1993, phường Tân Thành, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Lập loạt trang web với thông tin giả mạo
Cáo trạng nêu rõ, Nguyễn Duy Toản làm việc trong lĩnh vực kiếm tiền trực tuyến qua mạng Internet. Từ tháng 12/2019, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới, nhu cầu mua các sản phẩm phòng dịch của người dân cao, Toản đã nghị ra cách lập ra các trang web đăng bán các sản phẩm phòng dịch Covid-19 gồm găng tay, khẩu trang, nước xịt khuẩn, nước rửa tay,…
Sau đó, Toản để lại thông tin liên lạc có địa chỉ tại Mỹ để người dân tin tưởng đặt hàng, chuyển tiền vào tài khoản liên kết nhưng thực tế Toản không có hàng để giao và không chuyển hàng (hình thức bán hàng Nonship), qua đó chiếm đoạt tiền khách hàng thanh toán đơn hàng trên các website do Toản và đồng bọn lập ra.
Các thông tin trên trang web đều là thông tin giả, từ thông tin người bán hàng lấy bất kỳ trên trang tìm kiếm google, đến thông tin các mặt hàng (đều lấy từ các trang thương mại điện tử của Mỹ như walmart, bestbuy.com,...) còn giá bán thì thấp hơn 20-30% giá thực tế.
Để phục vụ cho việc bán hàng Nonship, Toản đã thuê Trần Quốc Khánh và Phan Đình Thư đến làm việc cho Toản tại căn hộ 4124, tòa HH1B, khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Theo đó, Toản đã chỉ đạo Khánh và Thư mua tên miền từ các trang Godaddy, NameCheap, Dynadot,… rồi sử dụng mã nguồn (Magento)có sẵn để dựng wesite để bán hàng Nonship (không có hàng bán) rồi lập các website thương mại điện tử như: Uggone best, kidsplazas.com, miomart best, galaxymart.com, goodymart.site… để chạy quảng cáo bán các sản phẩm phòng dịch mặc dù Toản không có các sản phẩm này, sau đó liên kết với các tài khoản nhận tiền để chiếm đoạt tài sản.
Thời gian đầu, Khánh và Thư không biết, nhưng đến tháng 3/2020, khi tài khoản email của Khánh sử dụng đăng ký mua các tên miền nhận được nhiều phản hồi, khiếu nại từ phía khách hàng về việc không nhận được hàng và yêu cầu hoàn tiền.
Dù vậy, Khánh và Thư nhưng vẫn tiếp tục làm theo sự chỉ đạo của Toản và tải các mã đơn ảo lên web thể hiện hàng đã được chuyển đi nhằm che giấu việc bán hàng của Nonship.
Do các tài khoản nhận tiền của Toản bị nhiều khiếu nại, phản hồi của khách nên theo chính sách của Paypal nhằm bảo vệ người tiêu dùng đã khóa tính năng rút tiền nhanh. Toản tiếp tục liên kết với Đỗ Chí Huy và Trần Thanh Quý Quyền để sử dụng các tài khoản liên kết tiền của Huy và Quyền để hai người này rút tiền ra đưa cho Toản để hưởng chênh lệch.
Diễn biến vụ án cho thấy, Quyền không biết, Huy biết vào thời điểm tháng 6/2020, khi Huy hỏi và Toản công nhận nguồn gốc số tiền Huy rút ra là từ hoạt động Toản bán hàng Nonship thì Huy vẫn tiếp tục thỏa thuận với Toản về việc Huy rút tiền cho Toản để hưởng lợi. Theo đó, tỉ lệ chênh lệch 4-6 (Toản hưởng 6 phần, 4 phần còn lại Huy và Quyền hưởng với số tiền rút được).
Chiếm đoạt hơn 14 tỷ đồng
Bằng hình thức, thủ đoạn trên, Toản cùng đồng phạm đã thực hiện việc bán hàng Nonship, chiếm đoạt tiền mua hàng của hơn 36.000 lượt khách hàng đã thanh toán đơn hàng trên các website do Toản và đồng bọn lập ra.
Cụ thể, tổng số tiền mà Toản chiếm đoạt tương đương hơn 14 tỷ đồng. Quá trình hoạt động bán hàng Nonship, Toản đã hưởng lợi tổng số tiền là hơn 2,2 tỷ đồng.
Đối với Trần Quốc Khánh, tổng số tiền đã hỗ trợ để Toản chiếm đoạt của các khách hàng là hơn 567.000 USD (tương đương 13 tỷ đồng). Quá trình làm việc, Toản trả lương cho Khánh với tổng số tiền là 45 triệu đồng.
Đối với Phan Đình Thư, tổng số tiền Thư hỗ trợ để Toản hưởng lợi là hơn 339.000 USD (tương đương hơn 7,8 tỷ đồng). Toản thỏa thuận trả lương cho Thư với số tiền 7 triệu đồng/tháng nhưng do được Toản nuôi ăn ở, sinh hoạt nên Thư chưa nhận được lương.
Còn lại với Đỗ Chí Huy - đồng phạm chiếm đoạt của khách hàng dưới hình thức hỗ trợ Toản thanh toán trực tuyến cho các trang web dưới hình thức Nonship với số tiền hơn 35.000 USD (tương đương hơn 830 triệu đồng). Huy hưởng lợi số tiền hơn 202 triệu đồng.
Kết thúc thời gian nghị án, HĐXX nhận định, qua các chứng cứ, tài liệu cùng lời khai của các bị cáo đã có đủ căn để cấu thành hành vi phạm tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, coi thường pháp luật, xâm phạm quyền lợi và tài sản của khách hàng được pháp luật nước sở tại bảo hộ.
Trong vụ án này, các bị cáo có trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin nhưng vì lòng tham nên đã có hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản của khách hàng, bị cáo Toản đóng vai trò khởi xướng, hai bị cáo Khánh và Thư đều giúp sức đắc lực cho Toản hưởng lợi số tiền bất chính. Nhưng vai trò giúp sức của Khánh lớn hơn Thư nên Khánh nhận mức hình phạt cao hơn.
Sau khi phân tích đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và xem xét nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX quyết định xử phạt bị cáo Nguyễn Duy Toản 15 năm tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Cùng bị truy tố với tội danh trên, bị cáo Trần Quốc Khánh bị tuyên phạt 8 năm tù, bị cáo Phan Đình Thư nhận mức án 7 năm tù, Đỗ Chí Huy nhận mức án 4 năm tù.
HĐXX buộc các bị cáo hoàn nộp số tiền mà các bị cáo đã hưởng lợi bất chính trong vụ án này để sung công quỹ Nhà nước.
HĐXX cho biết, do chưa xác định được các bị hại trong vụ án, do đó khi nào xác định được sẽ xem xét xử lý tại một bản án khác theo quy định của Pháp luật.