Liên tục các vụ án mạng “vì tình yêu” xảy ra thời gian gần đây gây bàng hoàng dư luận. Cả nạn nhân và hung thủ đều phải nhận cho mình cái kết "đắng", người thì bị tước đoạt mạng sống, người thì đối mặt với tù tội hoặc tự sát ngay sau khi gây tội ác.
Có thể kể đến vụ án chồng dùng dao chặt lìa hai tay vợ ở Đồng Nai; vụ án người đàn ông đâm 14 nhát dao vào một phụ nữ ở phố Hàng Bài, Hà Nội; chặn đường đâm chết thanh niên trên phố Láng Hạ, Hà Nội, hay chở xác người tình trên xe ô tô đến cơ quan công an đầu thú,…. Điểm chung trong những vụ án này là ghen tuông, thù hận vượt tầm kiểm soát, các đối tượng nam sau khi gây án thì tự sát, thể hiện tâm lý đường cùng không lối thoát.
Lý giải những bi kịch tình yêu đôi lứa đang để lại nhiều suy nghĩ, lo âu cho xã hội, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, trước hết, pháp luật và cộng đồng phải “đồng thanh lên tiếng”, lên án mạnh mẽ những cách hành xử bạo lực, bởi bạo lực là vi phạm pháp luật.
Không thỏa hiệp việc “lấy ác trị ác”
Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, dù có ý kiến này, ý kiến khác bênh vực thủ phạm, rằng người đó bị kích động, bị dồn nén cảm xúc tiêu cực, bị đối xử tệ bạc, nhưng không vì thế chúng ta thoả hiệp với việc “lấy ác trị ác”. Trong cuộc sống, bài toán nào cũng có một số lời giải, cách giải khác nhau, đó là “chấp nhận”, “cải thiện” và “buông bỏ”.
“Trong rất nhiều vụ việc, kẻ giết người, kẻ hành hung người khác, vốn ban đầu là “người bị hại”, ví dụ, người chồng bị vợ “cắm sừng”, người đàn ông bị người tình bỏ rơi.... Sự việc không như ý muốn xảy ra, khiến anh ta bị sốc, nhưng rồi do không làm chủ được cảm xúc bản thân, trút giận lên người đã mang lại nỗi đau cho mình, thế là tự nhiên từ một người đáng thương, trở thành tội phạm” - Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn phân tích.
Giải thích về nguyên nhân xảy ra tình trạng này, ông Đinh Đoàn cho rằng, với mức độ tàn độc ngày càng gia tăng mà chỉ vì “đạo đức xã hội xuống cấp” thì chung chung, mang tính “vơ đũa cả nắm” và không rõ nghĩa.
Trước tiên, theo chuyên gia Đinh Đoàn, lý do chính là ý thức cá nhân của mỗi người. Cùng sống trong môi trường xã hội như nhau, có hoàn cảnh như nhau, nhưng mỗi người có cách hành xử khác nhau. Thứ hai, thủ phạm gây bạo lực vốn tính nóng nảy, lại ít được rèn luyện cách kiểm soát cảm xúc, nhất là chưa được học cách đối mặt với những khủng hoảng tâm lý.
Về nguyên nhân khách quan, có thể nói, cuộc sống bon chen, ganh đua, khắc nghiệt khiến cho tâm lý con người lúc nào cũng “phừng phừng khí thế”, giống như thùng thuốc súng, chỉ chờ có dịp là phát nổ.
Trong một số vụ án nêu trên, có rất nhiều vụ án nữ nạn nhân có lối sống không tích cực (có chồng vẫn yêu đương bên ngoài, hay yêu người có gia đình,…). Theo chuyên gia Đinh Đoàn, mặc dù kẻ phạm tội sẽ bị pháp luật xử lý, xã hội lên án nhưng không có nghĩa là “nạn nhân vô can”. Trong một số trường hợp, nạn nhân cũng phải chịu một phần trách nhiệm vì những gì xảy ra, cũng bị dư luận xã hội lên án. Lối sống không nghiêm túc, buông thả, những mối quan hệ ngoài luồng phức tạp, thái độ thách thức, kích động, cách ứng xử không khéo léo khi vụ việc xảy ra, thiếu tinh thần cầu thị, nhận lỗi… đã khiến nạn nhân gặp nạn.
“Hãy nhớ, yêu đương là lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm, một trong những yêu cầu của tình yêu là lòng chung thuỷ, một trong những nỗi đau rất lớn của cả nam lẫn nữ là bị người chồng hay vợ phản bội, vì vậy “ đòn ghen cũng là đòn đau nhất”. Khi yêu nhau, người ta có thể “cởi áo trao nhau”, nhưng khi ghét nhau, người ta lại “lấy đá ném vỡ đầu nhau ra” (lời của một bài hát “Yêu nhau, ghét nhau”. Đừng đùa với lửa, đừng đùa cợt với chuyện tình cảm!” - Chuyên gia Đinh Đoàn phân tích.
Để giải tỏa, hạn chế các hành vi cực đoan, theo vị chuyên gia này, chúng ta phải học cách nhìn nhận rằng “mọi thứ trên đời đều có thể xảy ra”, để khi có chuyện, dù lớn đến đâu xảy ra, ta không bị “sốc”. Trên đời, có yêu thì cũng sẽ có “không yêu nữa”, có “chung thuỷ” thì cũng có thể có “phản bội”, có “thật thà” thì cũng có “dối trá”. Thứ hai, luôn luôn ý thức được rằng, khi đã yêu, đã kết hôn, chúng ta có được những khoảng thời gian hạnh phúc, nhưng cũng chấp nhận mất đi một số quyền tự do, một số hạn chế.
Điều cuối cùng, theo chuyên gia Đinh Đoàn, đừng quên phố biến kiến thức pháp luật đến mỗi người dân, để không ai còn nghĩ “nếu ai đó phản bội tôi thì người đó có quyền tước đoạt cuộc sống của người khác”.
Mâu thuẫn tình cảm đẩy người ta đến sự mù quáng
Đồng tình với quan điểm của chuyên gia Đinh Đoàn, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành cho rằng, xảy ra những vấn đề này không nằm trong vấn đề đạo đức. Bởi, nói đến vấn đề đạo đức, lối sống thì rất rộng và chạm đến rất nhiều vấn đề khác. Con người đó, chỉ vài tiếng trước, họ cũng có rất nhiều hành vi, suy nghĩ tốt. Chỉ khi họ vướng vào mâu thuẫn tình cảm với người họ yêu thương nhất, họ lại mất đi sự sáng suốt như thường lệ, để cơn nóng giận, mất kiểm soát, giận dữ, tuyệt vọng dẫn dắt tư duy. Bởi, trong mâu thuẫn tình cảm người ta hay có suy nghĩ "nếu không có nhau thì cũng không có ai".
Chuyên gia Hà Thành cũng cho rằng, những vụ án này có ảnh hưởng xấu nhất định tới xã hội. Bởi, bạo lực sẽ làm gia tăng thêm bạo lực.
“Một khi đã được lan truyền bạo lực, chỉ cần đi qua nhận thức của người khác, chỉ cần người ta nghe, đọc, nhìn… bằng tất cả các cơ quan cảm nhận thông tin. Khi bộ lọc thông tin đó xử lý ngay lập tức một số người thì tỏ ra sợ hãi, né tránh nhưng cũng có thể cổ súy cho gia tăng bạo lực xã hội” - chuyên gia tâm lý Hà Thành phân tích.
Nữ chuyên gia này cho rằng, việc chúng ta giải quyết được căng thẳng và đối thoại được trong mâu thuẫn là một khía cạnh quan trọng. Vì những người trong cuộc đôi khi suy nghĩ đơn giản, không ước tính được mâu thuẫn leo thang đến đâu.
Người ta không nghĩ yêu nhau đến thế, có lúc lại xuống tay sát hại chính người mình yêu. Nhưng sự nhất mực yêu thương, nhất mực bế tắc người ta cũng có thể dẫn đến thù hận mạnh mẽ, thúc đẩy con người phạm tội chỉ trong giây lát so với một cuộc tình kéo dài nhiều năm. Vì vậy, chuyên gia tâm lý Hà Thành khuyến cáo, có rất nhiều cách để xử lý mâu thuẫn không cần phải làm theo cách cực đoan đó, trong đó có đối thoại giữa hai bên./.