Người già đến đây được ăn, ở, thuốc thang miễn phí. Lúc khỏe cùng nhau làm vườn lấy thực phẩm tự cung tự cấp. Tiếng về một “thiên đường” cho người già lỡ bước được người dân xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) và các vùng lân cận truyền tai nhau nên người già nối gót nhau tìm về đây.
Không cần trình bày hoàn cảnh, báo cáo hay ra mắt ai, họ cần thì tới, khi nào muốn thì cứ tự nhiên rời đi.
Sau 6 năm ở lại Thiên Đường Xanh, giờ đã có nhà riêng nhưng mỗi ngày, bà Tám Hoa (trái) vẫn vào phụ việc, dọn dẹp LAM NGỌC |
Bến trú tuổi già
Năm 2009, ông Phạm Văn Công (62 tuổi, Q.1, TP.HCM) mua một mảnh đất hơn 2 ha nằm sâu trong rừng Mã Đà (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) làm trang trại, đặt tên là: Thiên Đường Xanh (TĐX). Ông muốn nơi này sẽ nuôi dưỡng những người già neo đơn, khó khăn, bệnh tật hay đơn giản là đang cần một chỗ ở tạm.
Ngay từ khi chỉ mới là mảnh đất trống cùng một mái nhà tôn xiêu vẹo, trang trại đã đón “vị khách” đầu tiên là ông Phạm Văn Long (64 tuổi, người gốc Sài Gòn). Ông Long là họa sĩ, không vợ, không con. Ông tình nguyện lên khai hoang xây dựng nơi này với hy vọng sẽ nhanh chóng đón thêm những người già khác về cùng ở.
Ông Long bắt tay cùng với công nhân giẫy cỏ trồng chôm chôm, sầu riêng, xoài. Cạnh khu nhà ở, họ phát hoang làm vườn hoa, trồng rau, làm chuồng chim… để tạo cảnh quan. “Người già chợt buồn, chợt vui, có hoa, có tiếng chim cho vui mắt, vui tai để lúc bệnh, lúc mệt nhìn cho khuây khỏa”, ông Long chia sẻ.
Không kêu gọi ủng hộ
Ông Công - người xây dựng trang trại TĐX, chia sẻ trang trại là mảnh đất chung cho người già vui, lao động khi về già chứ không chủ tâm làm từ thiện theo kiểu kêu gọi ủng hộ.
Ai tới thăm, muốn cho tiền người già thì trực tiếp đưa họ. Ở trang trại chỉ nuôi ăn, ở, thuốc men. Người già tự chăm sóc lẫn nhau. Khi cần hỗ trợ thì nhờ bà con địa phương tới giúp.
“Ngoài sinh hoạt phí cho người già do tôi bỏ ra, ở đây tuyệt đối không có quỹ từ thiện hay nguồn tiền chung nào. Hằng tháng, từ người nằm liệt đến người còn sức đi lại tôi đều cân nhắc gửi “lương” từ 1,5 - 5 triệu đồng/tháng. Để người già cảm nhận đây là nhà của họ, tôi đã làm giấy hiến tặng mảnh đất này. Ở đây, hiện tại tôi chỉ là quản gia không công”, ông Công tâm sự.
Sau hơn một năm miệt mài, TĐX dần thành hình, nối gót ông Long đến năm 2010 có thêm ông Sáu (72 tuổi, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Đẹp) rồi ông Ba, vợ chồng ông bà Tư, bà Tám… cũng lên đây xin ở.
Mọi thứ dần tươm tất hơn, khu vườn rau củ, khu nuôi gà và cả chuồng heo rừng lai từ từ đi vào nền nếp. Ở đây, người già cũng làm nông. Sản phẩm nuôi, trồng được chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu ăn uống của họ. Trang trại thường xẻ thịt heo rừng lai, ngoài ra còn có gà, rau, củ tự trồng nên bữa cơm ở trang trại không bao giờ thiếu thốn. Phần dư thì chia sẻ cho bà con lân cận chứ tuyệt đối không bán.
“Ăn thịt mãi cũng ngán nên thỉnh thoảng chúng tôi thèm con cá biển, miếng đậu hũ thì lấy tiền chợ hằng tháng do ông Công cấp đi mua. Được ăn rau do tự tay mình trồng, heo gà mình nuôi, chúng tôi cảm thấy mình còn giá trị trên đời, không phải người ăn bám. Chưa kể, lao động cũng khiến tôi khỏe ra”, ông Sáu cho hay.
Đều đặn 10 năm nay, tháng nào ông Công cũng gửi tiền chợ để người già trong trang trại thuốc thang, chi trả sinh hoạt phí. Để đỡ chi phí hằng tháng cho ông Công, trừ những người nằm liệt, sức khỏe yếu không lao động được, còn lại đều tự giác tham gia chăn nuôi, trồng cây, làm vườn để có đồ ăn, thức uống tự phục vụ bản thân. Bây giờ ở đây có khoảng hơn 100 con heo, gà, rau dư ăn không cần mua thêm.
TĐX không có hộ lý hay người giúp việc mà người già tự chăm nhau, người khỏe chăm người yếu. Họ tự giúp nhau tắm rửa, cơm nước nên ăn ở, sinh hoạt tùy theo ý mình. Có lẽ cũng vì thế mà họ khỏe ra.
Bà Tám Diệp (phải) là dân địa phương yêu mến Thiên Đường Xanh nên thường tới lui, giúp chăm sóc người già |
Lá nát đùm nhau
Hiện tại, TĐX có 2 khu nhà ăn được lợp lá dừa mát mẻ, 3 khu nhà ở có nhà vệ sinh trong phòng để tiện cho người già sinh hoạt và 2 chòi mát… Với cơ sở vật chất này cùng lúc có thể tiếp nhận hơn chục người già.
Bà Tám Diệp (dân địa phương ngụ đường Bình Chánh, ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý) xác nhận, từ ngày TĐX đón người già, bà con xã Phú Lý ai cũng yêu mến. Có thời gian là họ rủ nhau vào trang trại chơi, trò chuyện với người già, phụ chăm sóc, quét dọn.
“Hơn 10 năm nay từ ngày thành lập, TĐX ban ngày không bao giờ đóng cửa, bất cứ người già nào không còn nơi để đi, không có gì để ăn, bệnh không có thuốc uống, chân không đi được thì lết vào, có người chăm nom, thuốc thang, tắm rửa”, bà Diệp cho hay.
Từng ở TĐX hơn 6 năm, bà Đặng Thị Hoa (Tám Hoa, 73 tuổi) và chồng là ông Đặng Văn Cớm (78 tuổi, ấp Lý Lịch 1) giờ đã có nhà và chuyển ra ngoài sống nhưng vẫn nặng lòng với trang trại.
Bà Hoa kể: “Năm 2010, gia đình tôi từ Bà Rịa-Vũng Tàu dời lên Vĩnh Cửu với hai bàn tay trắng. Mảnh đất 300 m2 chỉ dựng tạm bợ căn chòi lá ọp ẹp. Nghe nói TĐX do ông Phạm Văn Công mở cửa cho người già vào ở. Hai vợ chồng bà cũng mạnh dạn vào”.
Sống ở Thiên Đường Xanh “khỏe hẳn ra”
Năm 2015, bác sĩ yêu cầu ông Sáu cắt hai lá phổi vì nhiều năm hút thuốc nên phổi đã hư, phim X-quang chụp hai lá phổi trắng xóa. Chạy chữa hay về nhà dưỡng bệnh đều… không có tiền. Ở TĐX, ông được ăn ở miễn phí lại được nhận lương 4 triệu đồng/tháng, có tiền gửi về cho vợ nuôi đứa con trai hơn 50 tuổi đang nằm thực vật. Vì vậy, ông quyết định “khi nào không thở được nữa thì chết ở đây cũng được”.
Vậy mà tới nay, sau hơn 7 năm, ông Sáu vẫn khỏe, mỗi bữa đều đặn 2 - 3 chén cơm, lại không bệnh vặt.
Tại đây, do sức khỏe còn tốt nên mỗi ngày bà lo cơm nước, tắm rửa cho những người già yếu hơn mình. Khi có bà Hoa, căn bếp của TĐX lúc nào cũng sạch sẽ, củi chất thành hàng ngay ngắn. Những người già, nằm liệt cũng được tắm rửa tinh tươm.
Khi được chính quyền xây cho ngôi nhà tình nghĩa, vợ chồng bà Hoa chuyển về nhà. Nhưng đã thành thói quen, mỗi ngày ông bà đều dành thời gian rảnh thay nhau vào TĐX quét dọn. Ông Cớm còn vừa trồng hơn 100 cây so đũa để tới tết, người già có thêm món rau cho bữa ăn thêm phong phú.
Người già vào đây mỗi người một cảnh nên rất thương nhau. Ai giúp được việc gì là giúp không câu nệ.
Bữa ăn tươm tất ở Thiên Đường Xanh do chính những người già ở đây chuẩn bị |
Cách đây vài tháng, ông Ba Gai (xin ăn lâu năm ở chợ Phú Lý) trở bệnh. Khi xe ôm chở tới cửa trang trại, ông đã không còn đi được mà phải lết bằng mông. Lúc này, ông Sáu dìu ông Gai vào nhà tắm rửa, bà Hoa nấu vội nồi cháo, ông Công lo chạy vạy thuốc thang.
Có lúc, tưởng chừng ông Gai không qua khỏi, những người ở TĐX định rằng nếu không liên hệ được người nhà thì sẽ báo chính quyền để đứng ra lo ma chay cho ông Gai như người nhà. May thay, sau vài tháng ở lại TĐX thuốc thang, ăn uống đầy đủ, ông Gai đã hồi phục sức khỏe và rời TĐX để tiếp tục mưu sinh…