Ngân hàng Nhà nước cũng tăng hàng loạt lãi suất điều hành khác như tăng lãi suất tái cấp vốn từ 4%/năm lên 5%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 5%/năm lên 6%/năm.
Trước đó, thị trường đã liên tục đồn đoán về thời điểm Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định này, có dự báo cho rằng trong quý 4, có dự báo sang năm 2023. Tuy nhiên khi quyết định này được đưa ra vào cuối ngày 22-9, thị trường không bất ngờ vì trước đó Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất liên tục năm lần trong đó có ba lần tăng với mức 0,75%.
Kinh tế Việt Nam không thể nằm ngoài sự vận động của nền kinh tế thế giới do có độ mở rất lớn. Trên thực tế không chỉ Mỹ mà hàng loạt ngân hàng trung ương nhiều quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Na Uy, Indonesia đã tăng lãi suất để ưu tiên giải quyết bài toán lạm phát và giữ giá đồng tiền, tránh đồng nội tệ bị giảm giá quá sâu, qua đó giữ ổn định nguồn vốn đầu tư.
Đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới (khoảng gần 4%), trong khi đồng JPY (Nhật Bản) mất giá tới hơn 25%, đồng peso của Philippines mất giá 13,65%, đồng euro giảm 13,49%...
Do vậy, việc Ngân hàng Nhà nước nâng trần lãi suất tiền gửi dưới sáu tháng và tăng hàng loạt lãi suất điều hành lần đầu tiên trong vòng hai năm qua ở thời điểm hiện tại theo các chuyên gia là hợp lý nhằm ứng phó với những biến động của tình hình thế giới.
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn, ngân hàng, tổ chức tài chính cũng nhận thức từ trước rằng đây là điều tất yếu phải xảy ra, nên động thái vừa qua của Ngân hàng Nhà nước không gây tâm lý sốc cho thị trường dù biên độ tăng 1% có cao hơn so với dự báo trước đó.
Liệu lãi suất có còn tăng và người dân, doanh nghiệp nên hành động thế nào để ứng phó trước diễn biến mới này?
Vì lãi suất huy động tăng sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng lên mặt bằng mới. Do vậy trong đầu tư, doanh nghiệp phải tính toán thận trọng hơn, thậm chí giảm tốc độ đầu tư, liệu cơm gắp mắm, kiểm soát chặt chẽ thu chi.
Quan trọng nhất là giảm vay nợ, tránh lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng để giảm thiểu ảnh hưởng từ biến động về lãi suất, kể cả khi Ngân hàng Nhà nước buộc phải thắt chặt tiền tệ thì doanh nghiệp cũng ít bị tác động hơn. Song song đó cần tận dụng tối đa vốn tự có, chờ đến khi thị trường thuận lợi hãy bung ra.
Trong câu chuyện biến động của tiền tệ trên thế giới, chưa đoán được điều gì sẽ xảy ra và Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thực thi các chính sách như thế nào.
Do vậy, về phía người dân cũng cần tính toán cẩn trọng khả năng trả nợ nếu lãi suất cho vay còn tiếp tục tăng. Động thái hạn chế vay nợ trước mắt có thể sẽ gây ra một số khó khăn nhất định, nhưng nếu biết điều chỉnh kịp thời sẽ giúp họ vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, lạm phát không thể cao mãi, nhất là khi các ngân hàng trung ương trên thế giới cùng hành động quyết liệt như hiện nay.
Chính vì thế, doanh nghiệp và người dân dù trước mắt phải thắt lưng buộc bụng nhưng cũng có hy vọng tràn trề rằng... qua cơn mưa trời lại sáng.
TTO - Lãi suất ngân hàng thay đổi như thế nào kể từ hôm nay (23-9) sau Quyết định số 1606/QĐ-NHNN và Quyết định số 1607/QĐ-NHNN của Ngân hàng nhà nước.
Xem thêm: mth.59510419042902202-gnas-ial-iort-aum-noc-auq/nv.ertiout