Trong biểu lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy mới nhất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên tối đa 0,5%/năm; lãi suất các kỳ hạn từ 2-5 tháng cũng tăng lên mức kịch trần cho phép là 5%/năm. Các mức lãi suất này tăng khoảng 1 điểm % so với hồi đầu năm.
Hiện lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất của SCB là 7,3/năm nếu khách hàng gửi kỳ hạn từ 12-36 tháng; trong khi gửi online kỳ hạn từ 15-36 tháng, lãi suất cao nhất tới 7,55%/năm.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng áp dụng biểu lãi suất mới, tăng ở các kỳ hạn ngắn 1 tháng lên 4,7%/năm, 3 tháng lên 4,9%/năm, tăng khoảng 1 điểm % so với trước đó.
Lãi suất tiền gửi ngắn hạn tối đa bằng VNĐ kỳ hạn dưới 6 tháng hiện là 5%/năm, theo quyết định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), các mức lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng cũng được điều chỉnh lên từ 4,5%-4,8%/năm tùy theo khoản tiền gửi và kỳ hạn gửi, tăng tối đa khoảng 0,8 điểm % so với trước đó.
Nhiều ngân hàng thương mại khác như HDBank, VIB, SHB, ACB, Eximbank... cũng tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.
Khối các ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank chưa điều chỉnh tăng lãi suất huy động.
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới nhất, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect nhận định mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3-0,5 điểm % từ mức hiện tại vào cuối năm nay. Lãi suất tiền gửi bình quân 12 tháng ở các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm.
Trước đó, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, từ 23-9 trần lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VNĐ) đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,2%/năm lên 0,5%/năm; trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4%/năm lên 5%/năm, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm. Riêng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Nhận định về động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa qua, Kinh tế gia Brian Lee Shun Rong và Kinh tế trưởng Chua Hak Bin của Maybank IBG, đánh giá việc tăng lãi suất điều hành sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến sự phục hồi kinh tế của Việt Nam. Dự báo tăng trưởng GDP vẫn được duy trì lần lượt là 8% cho năm 2022 và 6% cho năm 2023.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2022 sau động thái tăng mạnh của tháng này. Ngân hàng Nhà nước vẫn có đủ dự trữ ngoại hối để ổn định VNĐ mà không phải tăng lãi suất thêm nữa" - các chuyên gia của Maybank IBG dự đoán.