Biên kịch - đạo diễn Đào Lê Na (cầm mic) và đa phần ê kíp Đợi Kiều là những người trẻ đam mê nghệ thuật truyền thống - Ảnh: THÁI THÁI
Đợi Kiều là kịch bản của tiến sĩ Đào Lê Na và do chính cô làm đạo diễn, tiến sĩ Lê Hồng Phước chuyển thể cải lương. Đây là dự án sân khấu độc lập làm theo hướng thể nghiệm của tiến sĩ sinh năm 1986 sau các dự án liên quan đến cải lương như Tiếp bước trăm năm và Cộng đồng kể chuyện cải lương.
Gọi là cải lương thể nghiệm bởi vì tác phẩm là dự án kết hợp nhiều yếu tố mới lạ đan xen với cải lương truyền thống như múa bóng, sử dụng nhạc cụ phương Tây, ngâm thơ Kiều...
"Tôi muốn mang đến một dự án cải lương gần gũi với mọi người theo cách truyền tải của người trẻ. Thông qua vở diễn lần này, mọi người sẽ thấy các bạn trẻ yêu cải lương như thế nào. Bên cạnh đó, sẽ có thêm một hướng tiếp cận tác phẩm Truyện Kiều theo hình thức nghệ thuật mang hơi thở đương đại, nói nhiều đến vấn đề nữ quyền", Đào Lê Na chia sẻ.
Lấy hình ảnh nhân vật Thúy Kiều làm trung tâm nhưng Kiều không hề xuất hiện trực tiếp trên sân khấu mà được khắc họa gián tiếp qua hình ảnh múa bóng kết hợp ngâm thơ Kiều, cùng lời kể và góc nhìn của tuyến nhân vật nữ có liên quan đến cuộc đời của Thúy Kiều như Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên và Đạm Tiên. Trong ảnh: Diễn viên Hồng Bảo Ngọc trong vai Thúy Vân - Ảnh: THÁI THÁI
Theo đạo diễn Đào Lê Na, do là dự án thể nghiệm nên các loại nhạc thể nghiệm chỉ chiếm 1/4 thời lượng, còn lại là dàn đàn cổ với nhiều nghệ sĩ quen thuộc trong sân khấu cải lương như NSƯT Huỳnh Khải, NSƯT Toàn Thắng...
Ngoài ra, phần chuyển thể cải lương được tiến sĩ Lê Hồng Phước chăm chút đưa vọng cổ vào mỗi cảnh và đặc biệt là 20 bài bản tổ của đờn ca tài tử.
Phần múa đương đại của nghệ sĩ Lê Mai Anh góp phần thể hiện thông điệp của Đợi Kiều - Ảnh: HUỲNH VY
Gần 2 tiếng đồng hồ, khán giả được dẫn dắt qua 8 cảnh trên sân khấu. Bên cạnh phần ca diễn của 4 nhân vật nữ Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên và Đạm Tiên; các phần ngâm thơ như lời tự sự đầy ám ảnh của Thúy Kiều qua chất giọng trong trẻo luyến láy của bạn trẻ Câu Nhi để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.
Không chỉ dừng lại ở việc tạo sự mới lạ, phần kết nối này còn cho thấy được vẻ đẹp của các nhạc cụ âm nhạc Việt Nam như đàn bầu, đàn kìm, đàn tranh và sáo trúc khi được chơi nổi trên nền của các nhạc cụ phương Tây.
Đợi Kiều còn gây ấn tượng với phần trình diễn xuất sắc của các nghệ sĩ trẻ trong nhóm Humm - Ảnh: THÁI THÁI
Đợi Kiều chính là sân khấu lớn đầu tiên mà diễn viên trẻ Hồng Bảo Ngọc (quán quân Bông lúa vàng 2019) thử sức. Một mình cô độc diễn 4 nhân vật có lẽ là thử thách lớn so với một diễn viên 19 tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, phần thể hiện của cô nhận được nhiều lời khen, nhất là phần ngâm thơ có thần thái và "ngấm" vào nhân vật.
Nhân vật Hoạn Thư là vai diễn tâm lý phức tạp. Khán giả Tô Hữu Thăng (29 tuổi, huyện Bình Chánh) chia sẻ: "Xem Đợi Kiều tôi thấy tình người trong các hành động của nhân vật này, từ đó thông cảm, thấu hiểu cho một người phụ nữ phải san sẻ người chồng của mình cho người phụ nữ khác” - Ảnh: HUỲNH VY
Chia sẻ về việc lựa chọn Bảo Ngọc cho Đợi Kiều, Đào Lê Na cho biết đây là một diễn viên có giọng hát hiếm, ví như một viên ngọc quý của sân khấu cải lương:
"Tôi nghĩ rằng với giọng hát đó cần có thử thách lớn hơn ngoài khuôn khổ những cuộc thi. Đây là một dự án rất khó bởi vì để hiểu các nhân vật của Nguyễn Du không phải chuyện dễ dàng. Nếu mời các nghệ sĩ gạo cội để diễn thì khán giả chỉ dừng lại ở mức thấy họ giỏi, còn việc chọn người trẻ có ít người biết, nếu thành công bạn ấy sẽ tỏa sáng và mọi người sẽ thấy được những bạn trẻ hiện nay yêu cải lương như thế nào. Chính bạn trẻ làm cải lương cho bạn trẻ thì sẽ thu hút hơn nhiều".
Ngồi ở hàng ghế khán giả, dịch giả Quế Sơn cho biết bị hấp dẫn từ đầu buổi diễn bởi những điệu múa phía sau tấm màn và dành lời khen ngợi cho tác phẩm đã "tạo thêm những bề dày tâm lý khác cho các nhân vật" trong Truyện Kiều.
Vốn tìm hiểu và xem rất nhiều tác phẩm phái sinh từ Truyện Kiều, trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, nhà văn - nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận định Đợi Kiều rất gần với những điều khán giả chờ đợi ở một tác phẩm lấy cảm hứng từ Truyện Kiều và cảm thấy rất hãnh diện với tác phẩm của người học trò cũ.
"Ý tưởng đổi mới cải lương của Đào Lê Na độc đáo và mới lạ nhưng vẫn gắn bó với bản sắc của nghệ thuật cải lương, làm cho nó trở nên đậm đà dù có đổi mới, có cách tân. Từ những người hiểu Truyện Kiều đến những người còn xa lạ với Truyện Kiều như xích lại gần nhau hơn", nhà văn Nhật Chiêu nói.
Đợi Kiều tiếp tục công diễn vào 20h hôm nay 25-9 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.
Theo Bảo Ngọc, nhân vật Đạm Tiên khó diễn nhất bởi vì đây là một hồn ma cần có sự nhẹ nhàng trong cách diễn và ca - Ảnh: THÁI THÁI
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây Truyện Kiều trở thành cảm hứng sáng tác cho nhiều MV ca nhạc, kịch, múa và phim ảnh. Đa số các tác phẩm này khi phát hành đều để lại ấn tượng cho khán giả khi tái hiện lại một cách mới mẻ tác phẩm lớn trong kho tàng văn học Việt Nam.