Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy đồng bộ làm động lực phát triển TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trên cương vị mới, lần đầu tiên Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp dành cho Tuổi Trẻ cuộc đối thoại thẳng thắn về những điều người dân quan tâm về Thủ Đức - TP trong TP.HCM.
Chưa có gì thay đổi
* Suốt hai tháng sau khi nhận nhiệm vụ, ông đã làm việc với Đảng bộ 34 phường, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân từ các bí thư khu phố. Người dân đã nói với ông những gì?
- Đến các phường, tôi hỏi các Đảng bộ là tâm trạng của cán bộ và người dân thế nào sau 20 tháng TP Thủ Đức đi vào hoạt động. Các bí thư khu phố nói với tôi rằng tâm trạng của người dân đã bớt hào hứng, một số người có sự hoài nghi về mô hình mới khi TP Thủ Đức vẫn chưa có gì thay đổi so với trước.
TP Thủ Đức thành lập với mục tiêu trở thành "cực tăng trưởng kinh tế mới" cho TP.HCM - khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng hiểu "cực tăng trưởng" là gì và thực sự họ không quan tâm nhiều đến việc đó.
Ở đây, người dân quan tâm từ quận lên TP thì con đường phải bớt kẹt xe, phải có nước sạch, rác phải được thu gom chuyên nghiệp hơn với công nghệ hiện đại.
Nhưng hiện nay, điều họ thấy là giải quyết thủ tục hành chính chậm hơn, đi xa hơn, còn lại TP vẫn không có gì thay đổi.
Dù vậy, các cán bộ được hỏi cũng cho tôi biết rằng người dân vẫn tin tưởng chờ đợi vào các cấp lãnh đạo sẽ có động thái, với những đề xuất về cơ chế, chính sách để phát triển TP Thủ Đức trong tương lai.
* Trước những tâm tư nguyện vọng của người dân, ông có suy nghĩ gì?
- Câu hỏi này làm tôi trăn trở. Tôi thấy được những đòi hỏi cao của nhân dân với TP mới. Họ vẫn rất tin tưởng và kỳ vọng vào sự chuyển mình của một mô hình TP mới chưa có tiền lệ.
Tôi thấy được trách nhiệm của mình trong việc phải tiếp tục cùng tập thể Ban thường vụ Thành ủy, Ban chấp hành Đảng bộ của TP.HCM và TP Thủ Đức nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội, Chính phủ các chính sách đặc thù cho TP này.
Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp
Quyết tâm của tôi là chậm nhất trong quý 1-2023, tất cả những danh mục dịch vụ công trực tuyến phải được đưa vào vận hành. Làm sao để người dân không phải đi xa, đi lại nhiều và họ ngồi ở nhà vẫn làm được các thủ tục hành chính.
Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp
Chọn làm đường thay vì xây trụ sở
* Vậy hướng đi trước mắt của địa phương là gì để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, để người dân tiếp tục tin tưởng và ủng hộ?
- Để người dân tin tưởng thì chính quyền phải làm tốt, tôi cho rằng điều cốt yếu là công tác phục vụ người dân phải nâng cao hiệu quả. Quyết tâm của tôi là từ đây đến cuối năm, chậm nhất là trong quý 1-2023, tất cả danh mục dịch vụ công trực tuyến phải được đưa vào vận hành, có bố trí nơi hướng dẫn cụ thể.
Làm sao để người dân không phải đi xa, đi lại nhiều, ngồi ở nhà vẫn làm được các thủ tục hành chính. Vấn đề ở đây là phải chuẩn bị hệ sinh thái công nghệ cho thật tốt.
Trong thời gian tới, TP Thủ Đức cũng sẽ làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai để mở thêm các chi nhánh giải quyết thủ tục đất đai ở các nơi vì địa bàn TP Thủ Đức rất lớn.
Một điều mà tôi cho rằng rất quan trọng là các cán bộ công chức phải nêu gương trong lao động, làm tốt công tác vận động nhân dân bằng chính chức năng phục vụ của mình, từ đó mới được nhân dân ủng hộ.
Trong những lần đi đến các phường làm việc, một số nơi xin sửa sang lại trụ sở, tôi nói với họ quan điểm nhất quán của mình rằng nếu chọn làm trụ sở hay làm đường, tôi chọn làm đường.
Trong điều kiện TP đang thiếu nguồn lực, cán bộ phải chấp nhận thắt lưng buộc bụng. Không thể để trụ sở cán bộ khang trang nhưng đường sá xuống cấp, nắng bụi mưa lầy được. Và khi người dân đi đường không bị vấp té, họ sẽ tin tưởng mình.
* TP với 1,2 triệu dân này cũng chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện, phải có những thẩm quyền như một đơn vị hành chính cấp tỉnh mới phát triển đột phá, khơi thông được nguồn lực, phải không thưa ông?
- Tôi cho rằng cơ chế chính sách chưa hẳn là khó khăn lớn nhất mà chỉ là một trong những yếu tố quan trọng. Ví dụ việc sắp xếp, tổ chức vận hành bộ máy cần khoa học, phát huy hết được tư duy sáng tạo của cán bộ, công chức, người lao động.
Bên cạnh đó vấn đề quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông, giải quyết tình trạng triều cường và biến đổi khí hậu... phải được tập trung thực hiện. Cũng như vấn đề biên chế, không thể đòi hỏi (thêm) biên chế trong khi bộ máy chưa được tổ chức hiệu quả.
Thực tế nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 cũng chỉ mới là quyết định sắp xếp các đơn vị hành chính, chứ chưa phải là một mô hình tổ chức chính quyền địa phương TP trực thuộc TP. Hiện nay TP Thủ Đức vẫn đang kiện toàn bộ máy hoạt động sao cho hiệu quả.
Tuy nhiên trong quyết định có nêu dựa trên chức năng, nhiệm vụ của mình, Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức.
Việc này hai năm qua Thủ Đức đã rất nỗ lực nhưng do dịch COVID-19, toàn hệ thống phải tập trung chống dịch nên bị gián đoạn.
Tuy vậy cá nhân tôi cho rằng không quá quan trọng việc đề xuất trung ương ban hành một cơ chế đặc thù tương đương cấp tỉnh cho TP Thủ Đức.
Việc cần thiết lúc này là nghiên cứu sâu, kỹ để đề xuất một cơ chế chính sách mới phù hợp với TP Thủ Đức bởi mô hình của TP Thủ Đức hiện nay là chưa có tiền lệ.
Việc này vừa thí điểm cho TP Thủ Đức vừa rút kinh nghiệm cho các địa phương khi thành lập TP trực thuộc TP trực thuộc trung ương.
Hệ thống giao thông đồng bộ tạo động lực TP Thủ Đức (TP.HCM) phát triển nhanh chóng - Ảnh: HỮU HẠNH
Cần chính sách "chưa có tiền lệ"
* Ông có nhắc tới việc sẽ đề xuất một cơ chế chính sách mới phù hợp với TP Thủ Đức mà chưa có tiền lệ. Vậy cơ chế, chính sách đó là gì, thưa ông?
- Tôi đã đề xuất Ban thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức có văn bản gửi TP.HCM đưa ra một số kiến nghị ban hành cơ chế, chính sách phát triển TP Thủ Đức. Trong đó, phải dựa vào các yếu tố dân số, địa chính trị và nền kinh tế để xây dựng bộ máy.
Phải chăng bộ máy của TP.HCM có những sở gì thì ở một số lĩnh vực quan trọng của TP Thủ Đức cũng nên có những phòng đó. Thay vì TP.HCM cử các sở, ngành xuống hỗ trợ thì nên cho TP Thủ Đức một cơ chế thành lập các phòng chuyên môn để tự làm. Đội ngũ cán bộ TP Thủ Đức có trình độ học vấn rất cao, chuyên môn sâu, tôi tin rằng có thể đáp ứng được yêu cầu.
Song song đó tôi cho rằng TP.HCM phải thực hiện việc phân cấp ủy quyền một số chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cho TP Thủ Đức. Chẳng hạn như cho phép Thủ Đức được giữ lại toàn bộ số tiền thu được từ nguồn thu sử dụng đất và toàn bộ số vượt thu đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng thu từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh.
Bởi có một thực tế là hiện nay, nhu cầu về nguồn lực đầu tư phát triển của TP Thủ Đức rất lớn, trong khi nguồn ngân sách cấp cho TP Thủ Đức chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, TP Thủ Đức cần được thí điểm thành lập các đơn vị trực thuộc UBND TP.
Một vấn đề quan trọng cần phải nhấn mạnh là trong nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức, phải có quy định để TP Thủ Đức tiếp tục kiến nghị những cơ chế đặc thù khi vận hành trong tương lai. Bởi đây là mô hình chưa từng có tiền lệ khi TP Thủ Đức trực thuộc TP.HCM trực thuộc trung ương.
Chắc chắn rằng trong quá trình vận hành sẽ có thể phát sinh nhiều vấn đề cần tiếp tục đề xuất các cơ chế tháo gỡ.
* Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông cho rằng phải xây dựng TP Thủ Đức trong tổng thể vùng miền Đông Nam Bộ. Theo đó, trung ương phải có cơ chế chỉ huy vùng, lúc đó TP Thủ Đức mới có cơ chế được hưởng quy chế vùng. Cụ thể vấn đề này là như thế nào, thưa ông?
- Điều này là một trong hai mong muốn của các đảng viên, cán bộ và người dân Thủ Đức gửi đến lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp.
Có thể thấy rằng từ vị trí địa lý, TP Thủ Đức hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên và xã hội của một đô thị trung tâm kết nối với các đô thị xung quanh. TP Thủ Đức giáp với Dĩ An (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai) và TP tương lai là Long Thành (Đồng Nai).
TP Thủ Đức cũng có cảng biển Cát Lái, địa bàn còn tiếp cận thuận lợi với sân bay quốc tế Long Thành và nhiều tuyến giao thông quan trọng khác. Và nếu TP Thủ Đức liên kết nguồn lực với các địa phương sẽ thúc đẩy được thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nhưng muốn làm được như vậy, tôi cho rằng trung ương phải có quy chế vùng để liên kết các cực tăng trưởng. Lúc đó, TP Thủ Đức sẽ có cơ hội được hưởng quy chế vùng, tiếp nhận trực tiếp các nguồn đầu tư của trung ương cho vùng.
Bên cạnh đó quy chế này sẽ giúp việc phát triển hạ tầng giữa các đô thị đồng bộ hơn, cùng có những chính sách để ứng phó với biến đổi khí hậu lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.
Đồ họa: TUẤN ANH
* Ông Vũ Văn Đức (ngụ đường 38, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức):
Mong giải quyết chuyện ngập
Nhiều năm qua, người dân ngụ ở đường 38 thường sống trong cảnh ngập nước tứ phía. Cuộc sống sinh hoạt, đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn và ngày càng nặng hơn. Chỉ cần một cơn mưa vừa là con đường này thành... sông. Xe cộ đi vào chết máy liên tục, phải luồn lách qua nhiều con hẻm mới đi ra được đường chính.
Người dân cũng gọi điện, báo cáo liên tục lên phường và tới cả quận, nhưng bao năm rồi ngập vẫn hoàn ngập. Lời hứa làm cống rãnh và đường sá mãi không thành hiện thực. Tôi chỉ mong chính quyền quan tâm về hệ thống chống ngập và mỗi khi người dân phản ảnh cần có động thái ghi nhận, xử lý kịp thời.
CHÂU TUẤN
* TS Nguyễn Thị Thiện Trí (Trường đại học Luật TP.HCM):
Nên có luật chung về chính quyền đô thị
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên trên địa bàn TP Thủ Đức tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt và làm việc - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong bối cảnh trung ương chưa sẵn sàng trong việc trao quyền tự quyết mang tính hệ thống cho địa phương, việc TP.HCM xin cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức là giải pháp hữu dụng.
Tuy nhiên, cơ chế đặc thù không phải là giải pháp cho một đô thị phát triển như đáng lẽ nó phải thế. Với Thủ Đức, một đô thị hình mẫu của các đô thị mới trong tương lai, việc chọn hướng đi này lại càng cho thấy sự luẩn quẩn của mô hình cũ.
Thủ Đức nếu theo con đường này liệu có khởi sắc hơn không hay lại cứ loay hoay trong cái vòng "cơ chế xin cơ chế đặc thù" mà hơn 20 năm nay hầu hết đô thị Việt Nam đã và đang đối mặt.
Thiết nghĩ, thay vì các đô thị cứ xin cơ chế đặc thù nên đặt vấn đề ban hành một luật chung về chính quyền đô thị, áp dụng không chỉ có Thủ Đức mà tất cả đô thị nói chung.
Khi mỗi đô thị hiện đều được trung ương cho một vài cơ chế đặc thù riêng, nhỏ lẻ nên gom và khái quát hóa các cơ chế đặc thù thành một luật chung, với nội dung chủ đạo là hình thành nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa trung ương và các đô thị sao cho các đô thị có thể tự vận hành và quản trị hiệu quả mà không cần xin thêm cơ chế đặc thù.
Với cơ chế đặc thù, Thủ Đức vẫn sẽ có thể phát triển, nhưng điều quan trọng là vai trò "cú hích" và vai trò tiền lệ của Thủ Đức cần được phát huy trong bối cảnh pháp luật chính quyền đô thị đang cần được đổi mới về cơ bản.
Bởi nếu không phải là Thủ Đức thì không có đô thị nào làm được và không phải lúc này thì phải chờ thêm rất lâu nữa mới có một luật về chính quyền đô thị.
T.LONG
* TS Thái Thị Tuyết Dung (Trường đại học Kinh tế - luật, Đại học Quốc gia TP.HCM):
Cần nghị quyết về cơ chế đặc thù
Với pháp luật hiện hành, TP Thủ Đức khó mà phát triển như kỳ vọng nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù.
Do vậy, cần ban hành một nghị quyết riêng của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ Đức, không nên lồng ghép vào việc sửa đổi nghị quyết số 54 của Quốc hội về phát triển TP.HCM.
Bởi lẽ nghị quyết này sẽ chi tiết nhiều hơn các nội dung thí điểm, và có thể sẽ phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần nên ban hành độc lập phù hợp hơn.
Nghị quyết sẽ ghi nhận Thủ Đức có chức năng là TP vệ tinh của siêu đô thị TP.HCM. Trong tương lai, cần ban hành luật về chính quyền đô thị để từng địa phương "lên đô thị" không phải thực hiện thủ tục xin cơ chế đặc thù, trung ương không phải giải quyết từng trường hợp đơn lẻ.
Mặt khác, UBND TP.HCM cần ban hành một quyết định riêng phân cấp, ủy quyền cho UBND và chủ tịch UBND TP Thủ Đức, tránh các văn bản riêng lẻ gây khó khăn cho tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình áp dụng pháp luật.
Cho phép Thủ Đức thí điểm thành lập các trung tâm sự nghiệp công lập tự chủ tài chính như trung tâm phát triển quỹ đất, trung tâm quản lý hạ tầng đô thị... để quản lý toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn và địa phương sẽ thành lập một trung tâm để quản lý.
Khi đó, tất cả vấn đề hạ tầng được tập trung về một đầu mối, thay vì việc duy tu, bảo dưỡng đường do Sở Giao thông vận tải phụ trách, lĩnh vực công viên cây xanh, thoát nước do Sở Xây dựng, rồi xử lý rác thải do Sở Tài nguyên và Môi trường... như hiện nay.
Cùng với đó, khẩn trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể TP Thủ Đức để tạo những lợi thế về không gian phát triển mới.
Trên nền tảng đó, Thủ Đức mới kêu gọi, xúc tiến đầu tư, thực hiện bồi thường, thu hồi đất để lập ra các dự án quy mô lớn, tạo sức hút đầu tư, giá trị gia tăng mới.
Với những khu vực đã quy hoạch, TP phải tiếp tục đầu tư, đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh...
Người dân làm thủ tục hành chánh tại khu vực 3, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
* PGS.TS Tô Văn Hòa (phó hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội):
Chủ động xác định số lượng biên chế
Có thể nói TP Thủ Đức đang như một người khổng lồ chưa thoát ra khỏi không gian thể chế chật hẹp dành cho những người tí hon trước đó, hệ quả là chân tay bị bó buộc mà không thể phát huy được khả năng của mình.
Sự suy giảm biên chế một cách bắt buộc là bất cập rất lớn trong tổ chức và hoạt động của TP Thủ Đức. T
hủ Đức giờ đây là phép cộng của ba quận, với diện tích, quy mô, mật độ dân số, khối lượng công việc không thay đổi, nếu không nói là có xu hướng tăng lên do số phường giảm đi.
Để giải quyết những vướng mắc của Thủ Đức cần những biện pháp táo bạo, đột phá. Trong đó tăng sự chủ động của chính quyền Thủ Đức trong việc xác định số lượng biên chế, tổ chức cho bộ máy chính quyền.
Đành rằng việc tinh giản bộ máy hành chính theo hướng gọn hơn để chuyên nghiệp hơn luôn là một chủ trương đúng để xây dựng một nền hành chính hiện đại song việc áp dụng chủ trương này vào bối cảnh của Thủ Đức thời điểm mới thành lập như lúc này không phù hợp.
Để bảo đảm sự chủ động của TP không vượt quá sự kiểm soát, các cơ quan ở trung ương có thể ấn định trực tiếp khung trần số lượng biên chế cho Thủ Đức. Bên cạnh đó, Thủ Đức cũng cần cơ chế đặc thù trong việc trả lương, bảo đảm thu nhập để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của bộ máy công vụ, thu hút người tài làm việc cho chính quyền TP.
Trong tương lai khi công nghệ số được áp dụng hiệu quả trong quản trị TP, mục tiêu tinh giản biên chế vẫn có thể đặt ra, song phải phù hợp với trình độ, yêu cầu phát triển của TP.
Mặt khác, cần sớm xây dựng cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho Thủ Đức.
Cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền cần xác định được các lĩnh vực cụ thể có thể giao cho Thủ Đức chủ động thực hiện, trên cơ sở tính chất của từng lĩnh vực mà xác định phương thức phân quyền, phân cấp hay ủy quyền cho phù hợp.
Trong đó, cần nghiên cứu mạnh dạn áp dụng cơ chế phân quyền trực tiếp cho TP để phát huy vai trò của HĐND, giảm tải trách nhiệm đối với lĩnh vực tương ứng cho chính quyền TP.HCM.
TIẾN LONG ghi
TTO - Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp nói công tác phục vụ người dân tại TP Thủ Đức có phần chậm hơn, chưa có nhiều cơ chế đặc thù. Nhiều chuyên gia cho rằng cần xác định TP Thủ Đức là đô thị vệ tinh của TP.HCM để có quyền tự chủ.