Ảnh minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
Tôi không hề biết người đầu tiên đã gọi mẹ tôi là bà Bắc. Chỉ hay, ai cũng gọi mẹ như vậy và đó đã như thể là tên của mẹ. Một cái tên đặc sệt vùng miền không chỉ nơi giọng nói, cách ăn mặc mà ở tất cả.
Các bạn tôi mỗi khi nhắc đến mẹ vẫn hay kể về mái tóc vấn, hàm răng nhuộm đen, những từ ngữ địa phương mẹ dùng. Cách gọi mẹ cũng ám chỉ sang cả các con, cháu trong nhà, giả như tôi luôn được kêu là: "Út bà Bắc".
Ngày còn mẹ, nghe ai réo tên mình như vậy cứ thấy thinh thích là. Và, khi mẹ không còn được gọi như vậy lòng sao mà rưng rức? Cứ muốn thầm thì với chỉ riêng mình, một mình: "Út nhớ bà Bắc quá, mẹ ơi!".
1. Không chỉ nơi cái tên được thiên hạ đặt cho. Dường như dưới mắt mọi người mẹ tôi là một phụ nữ rất đặc biệt. Mẹ đẹp, đã hẳn. Một nét đẹp sang trọng, nền nã dù gốc gác là người nhà quê. Thì, quê ngoại là một vùng chiêm trũng ngoài đó mà.
Mẹ có khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa và dáng người cân đối. Những người hàng xóm của chúng tôi vẫn nhớ đến bà Bắc của những Giáng sinh, Phục sinh mặc áo dài, vấn khăn nhung đen, thong thả đến nhà thờ. Đó là bộ trang phục mẹ vẫn diện vào những dịp lễ trọng.
Còn ngày thường bà Bắc mặc những chiếc áo dài giản dị, búi tóc đơn sơ vẫn đẹp quá chừng. Và, chắc là đẹp hơn và hay nhất ở cái nết vui vẻ và tính cởi mở.
Mẹ hay cười mà chết thật, tiếng cười của mẹ chả có một tí gì là nhẹ nhàng và dịu dàng hết cả. Mới lớn giọng và ồn ĩ làm sao! Nghe cứ rổn rảng, rổn rảng... Rất ư là khỏe khoắn, sảng khoái và thật sự ấn tượng.
Bởi, có được tiếng cười như thế nên mới dễ dàng biết bao khi nhận ra sự hiện diện của bà Bắc. Mẹ ở trong nhà thì tiếng cười của mẹ vang ngập khắp cùng: nơi buồng ngủ, đường luồn, gian bếp nhỏ...
Mẹ ra ngoài quán thì tiếng cười cũng ở đấy mà thỏa thích tràn lan. Nơi sát cái tủ thuốc, ở bên thùng kem khi mẹ bán mấy bì chuối ướp lạnh cho bọn trẻ con: "Rõ hay cho mẹ của chúng mày. Người đâu cười đấy mà cái cười... mới lạ!".
Ngày trước, bố tôi vẫn luôn ca cẩm như thế về mẹ. Mà ca cẩm cũng là phải thôi. Này nhé! Tối đến, mẹ ngồi chuyện trò với mấy người hàng xóm ở khoảng hè phía trước nhà. Không hề nghe rõ tiếng một ai, ngoại trừ giọng bà Bắc mà chẳng nghe gì, chỉ nghe có mỗi tiếng cười. Cứ bật ra khanh khách, khanh khách..., rất rộn vui.
Nghe, áng chừng như là có chuyện gì hay ho lắm vậy, thú vị lắm vậy. Ngồi học bài ở mãi nhà trong mà tiếng cười của mẹ cũng tuồn vào đến tận nơi. Mới thật tài! Gặp lúc tâm trạng thoải mái, tôi vui vẻ cười hùa theo. Gặp lúc đang có chuyện buồn bực, tiếng cười của bà Bắc làm cho khuây khỏa...
...Tiếng cười của mẹ ư! Đâu thể mất đi vì hãy còn đẫm ngập hết nơi này. Căng chật trong tôi, nỗi nhớ mẹ chưa bao giờ nhòa phai nhưng không hề bi lụy.
2. Vào mùa hè, tiết trời nắng nóng, khó chịu nên ngày nào mẹ cũng ra biển. Bà Bắc không biết bơi, chỉ tập tành trên bãi và ngâm mình ở ngay sát bờ. Biển đông người lắm những sớm mai nhưng kiếm mẹ không hề khó. Cứ lần theo tiếng cười mà tìm đến là gặp ngay bà Bắc ấy mà.
Chiều nào mẹ cũng đi nhà thờ và tan lễ, chẳng mấy khi chịu về nhà ngay mà còn nấn ná ở lại để gặp gỡ người này, hỏi han người nọ, chuyện trò với người kia. Mẹ ở đâu tiếng cười ở đấy: bậc tam cấp, chỗ nhà xứ, hang đá Đức Mẹ, vườn hoa...
Thủa nhỏ rồi hồi đương còn là thiếu nữ tôi yếu đuối lắm cơ! Bà nội bảo rằng đẻ mót nên thế. Bởi hay ốm nên chuyện mẹ nuôi tôi hết nhà thương công đến nhà thương tư, rồi hết bệnh viện trong tỉnh đến bệnh viện ở Sài Gòn, cứ gọi là thường xuyên.
Và rất hay nhé! Nuôi tôi ở đâu thì hết cả mọi người ở đấy đều thích mê tiếng cười của bà Bắc. Từ ông bác sĩ đến cô y tá, từ chị hộ lý đến chú bảo vệ, từ người đang điều trị đến người nhà bệnh nhân. Tôi có ý nghĩ tất cả thương quý, gần gũi với mẹ nhờ tiếng cười.
3. Khi mẹ đã không còn, thi thoảng, nơi một góc phố hay giữa chợ tôi bắt ngẩn người, thẫn thờ, dõi theo một dáng người một giọng nói hơi hơi giống mẹ. Chứ tiếng cười của mẹ ư! Đâu thể mất đi vì hãy còn đẫm ngập hết nơi này. Căng chật trong tôi, nỗi nhớ mẹ chưa bao giờ nhòa phai nhưng không hề bi lụy. Và thường dậy lên mãnh liệt và da diết hơn, khi sắp đến ngày giỗ mẹ.
Bà Bắc đi xa mới đó mà đã tròn hai mươi năm. Nhanh thật! Mẹ mất khi rằm tháng tám đã đi qua nhưng mùa Trung thu thì như thể hãy còn nấn níu. Như tiếng cười mẹ, có hồi rời rạc vọng về trong những giấc mơ tôi. Có khi giòn tan, đập dồn, khua khoáng lên cuộc sống tôi đang rất phẳng buồn đơn điệu. Cho tôi nhớ lại mẹ đã sống cả đời dẫu nhiều tai ương, khổ đau và vất vả nhưng luôn biết giữ gìn, vun vén lòng tin, niềm vui. Và chợt tự trách tôi sao nỡ vứt bỏ, lãng quên.
Hà cớ gì mà phí phạm, phải không bà Bắc?
TTO - Chồng qua đời vì bạo bệnh, dù sức khỏe yếu, chị Dương Thị Truyền (thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận) một thân một mình gồng gánh chăm lo gia đình, nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn.
Xem thêm: mth.31695140152902202-tat-oig-oab-auhc-em-auc-iouc-gneit/nv.ertiout