Ông muốn gửi gắm niềm tin, mong đợi về sự quyết tâm tạo ra động lực phát triển mới của TP.HCM thời gian tới.
Sự gửi gắm đặt ra một câu hỏi lớn: TP.HCM làm gì để viết thêm những "thiên anh hùng ca" về phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng vai trò đầu tàu, động lực phát triển của toàn vùng và cả nước?
Lời cảnh báo đầu tàu TP.HCM đang suy giảm động lực phát triển, trì trệ trong hoạt động bộ máy và có nguy cơ bị tụt hậu so với các "toa tàu" đang ầm ầm bứt phá được gióng lên tại nhiều cuộc họp, hội nghị.
Chính trong buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng một lần nữa đề cập những điểm nghẽn mấu chốt khiến TP.HCM không phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình. Phá dỡ, khơi thông các điểm nghẽn là cách duy nhất để TP.HCM lấy lại vị thế phát triển.
Về điểm nghẽn cơ chế, chính sách cũng như sự yếu kém, thiếu thốn trong kết nối hạ tầng, Tổng bí thư khẳng định tạo điều kiện tốt nhất có thể để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững. TP.HCM đang tổng kết và đề xuất các nghị quyết về cơ chế, chính sách mới với sự ủng hộ từ Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.
Điểm nghẽn hạ tầng cũng bắt đầu được tháo gỡ với việc thông qua chủ trương đầu tư các dự án giao thông quan trọng kết nối TP.HCM với toàn vùng và cả nước. TP.HCM và cả vùng kinh tế phía Nam đang cần sự quan tâm, ủng hộ nhiều hơn thế nữa.
Tuy nhiên, cần nhận diện rõ khó khăn về cơ chế, chính sách không chỉ nằm ở điểm nghẽn "cơ chế đặc thù", nó còn ở thực tế các bộ, ngành trung ương chưa kịp thời hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của TP.HCM.
Thường trực Ban Bí thư ví von thực tế này như "tiếng tôi vang rừng núi sao không ai trả lời" trong bài Chiếc khăn piêu. Bài học nhiều cơ chế đặc thù cho TP.HCM trong nghị quyết 54 đưa ra nhưng không thực hiện được do phải xin ý kiến cơ quan trung ương vẫn còn đó.
Cũng cần sòng phẳng mà nói một thành phố năng động, kinh tế tư nhân phát triển, dư dôi năng lực sáng tạo, đổi mới như TP.HCM, chỉ cần các cơ quan, sở ngành và cán bộ, công chức làm đúng chức trách, sớm giải quyết hồ sơ, thủ tục cũng đủ để tạo nên động lực phát triển vượt trội so với nhiều địa phương khác.
Điểm nghẽn về cải cách hành chính còn hạn chế, hay chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công) đứng ở mức trung bình thấp thể hiện sự trì trệ của bộ máy, chứ không thể đổ lỗi hết cho vướng mắc về luật, cơ chế, chính sách. Khai thông tắc nghẽn này là trách nhiệm của TP.HCM.
Dỡ phá sự quan liêu, đùn đẩy trách nhiệm, nhũng nhiễu và tạo một nền hành chính chuyên nghiệp, cạnh tranh là nhiệm vụ lớn, quan trọng không kém so với việc đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá. Có cơ chế, chính sách mà bộ máy vẫn ì ạch, trì trệ thì cơ chế, chính sách đó cũng không thể tạo sự đột phá phát triển.
Sự ủng hộ quyết liệt từ trung ương trong việc thí điểm cơ chế, chính sách mới và mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho TP.HCM, cùng sự hợp tác, hỗ trợ sâu sát của các bộ, ngành, cộng với nội lực đổi mới, chấn chỉnh bộ máy công quyền mới mong tạo động lực tổng hòa để TP.HCM viết thêm nhiều "thiên anh hùng ca".
TTO - Ngày 23-9, tại TP.HCM, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã đến thăm, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy, cán bộ chủ chốt của TP.HCM. Tuổi Trẻ Online đăng toàn bộ bài phát biểu của Tổng bí thư.
Xem thêm: mth.64942437052902202-ac-gnuh-hna-neiht-meht-teiv-mchpt-ed/nv.ertiout