Một phân cảnh thuộc vở "Bóng ma trong nhà hát" - Ảnh: TIME OUT
Ánh đèn chùm nổi tiếng của sân khấu nhạc kịch Broadway đang chuẩn bị phủ bóng tối xuống tác phẩm của nhà soạn nhạc người Anh Andrew Lloyd Webber, theo báo Financial Times.
Vở nhạc kịch này huy động tới 130 diễn viên, nhân viên và dàn nhạc, 230 bộ trang phục và bộ đèn chùm nổi tiếng được tạo thành từ 6.000 hạt pha lê.
Nhạc kịch đã trở thành trụ cột của nhà hát Broadway (thuộc khu Midtown Manhattan, thành phố New York, Mỹ) kể từ thế kỷ XIX. Tuy nhiên, hiện nay việc kinh doanh những vở nhạc kịch lớn đòi hỏi lượng khán giả khổng lồ và giá vé cao, là một canh bạc khá lớn cho nhà hát trong bối cảnh lạm phát.
Kể từ năm 1988 đến đầu tháng 9-2022, Bóng ma trong nhà hát đã thu hút 20 triệu người xem trên sân khấu Broadway, thu về 1,3 tỉ USD.
Tuy nhiên, "cỗ máy kiếm tiền" này có thể đột ngột bị hỏng.
"Bóng ma" đã xuất hiện trở lại trên sân khấu Broadway sau đại dịch, với khoản tài trợ 10 triệu USD từ quỹ của Chính phủ Mỹ để hồi sinh các nhà hát.
Nhạc kịch vốn là một ví dụ điển hình về "căn bệnh tốn kém" trong nghệ thuật biểu diễn, điều này được nhà kinh tế học William Baumol xác định vào năm 1966.
Trong thời buổi lạm phát, khi mỗi buổi biểu diễn vắng bớt số lượng người xem, cộng với lương tăng và các chi phí khác đều tăng, dẫn đến những khoản lỗ vượt sức chịu đựng của nhà hát.
Một phân cảnh thuộc vở "Bóng ma trong nhà hát"
Ông Cameron Mackintosh - nhà sản xuất vở nhạc kịch Bóng ma trong nhà hát - ước tính chi phí hằng tuần để đưa "Bóng ma" lên sân khấu Broadway đã tăng từ khoảng 850.000 USD trước đại dịch lên gần 950.000 USD và còn có thể gia tăng hơn nữa trong tương lai.
Tình hình ngày càng khó khăn, bởi các buổi biểu diễn vở nhạc kịch lâu đời ở các thành phố như London và New York có xu hướng ngày càng phụ thuộc vào khách du lịch. Trong khi khách du lịch đến New York lại giảm kể từ đại dịch COVID-19 đến nay, đặc biệt là khách châu Á.
Khi nhu cầu xem giảm, vé phải giảm giá để hút khách, sẽ dẫn đến việc vở nhạc kịch giảm doanh thu. Năm nay, khán giả của "Bóng ma" chỉ chiếm 71% sức chứa của sân khấu Broadway.
Thông báo vở nhạc kịch ngừng biểu diễn vào tháng 2-2023 sẽ làm tấm vé có vẻ "nóng hơn" khi thời hạn đến gần.
Đây có lẽ sẽ không phải là lần cuối cùng New York nhìn thấy "người đàn ông đeo mặt nạ" đáng yêu của vở nhạc kịch.
'The Phantom of The Opera'
"Bóng ma" có thể được hồi sinh trong tương lai, có lẽ ở một hình thức khả thi hơn. Nó sẽ tiếp tục lưu diễn vòng quanh thế giới ở các thành phố từ Sydney (Úc) đến Vienna (Áo). Nếu khách du lịch không đến với "Bóng ma" ở nhà hát Broadway, nó sẽ đến với họ.
"Nhạc kịch Broadway chưa chết, nhưng mọi thứ sẽ khó khăn hơn. Sẽ có nhiều áp lực xảy ra hơn, khi có dàn diễn viên và dàn nhạc nhỏ hơn", ông Matthew Rousu, một người hâm mộ nhạc kịch và là giáo sư kinh tế tại Đại học Susquehanna, nói.
Tương lai của những vở nhạc kịch hoành tráng ở quy mô The Phantom of the Opera (Bóng ma trong nhà hát) hay Les Misérables (Những người khốn khổ) sẽ đi về đâu giữa thời buổi lạm phát gia tăng?
The Phantom of the Opera (Bóng ma trong nhà hát) của nhà soạn nhạc Andrew Lloyd Webber, là một trong những tác phẩm giải trí thành công nhất mọi thời đại.
Vở nhạc kịch đã biểu diễn cho 145 triệu người xem ở 41 quốc gia, kể từ năm 1986.
Bóng ma trong nhà hát được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1986 tại nhà hát Her Majesty's Theatre của hệ thống nhà hát West End, London và giành giải Laurence Olivier cho nhạc kịch hay nhất của năm đó. Hai năm sau (1988), vở nhạc kịch ra mắt khán giả Broadway ở New York.
Đến nay vở nhạc kịch đã biểu diễn trên toàn thế giới, bằng 15 ngôn ngữ khác nhau: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Đan Mạch, Ba Lan, Thụy Điển, Castilian của Tây Ban Nha, Hungary, Hà Lan, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Mexico, Estonia và Nga.
Vở nhạc kịch Bóng ma trong nhà hát đã giành hơn 70 giải thưởng sân khấu lớn.
TTO - Người dân các nước EU, kể cả Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch..., đều đang quay cuồng với giá sinh hoạt tăng chóng mặt mỗi ngày, lạm phát tăng cao và viễn cảnh một mùa đông giá buốt vì thiếu hụt năng lượng.