Chương trình do Phòng thương mại và công nghiệp PHD phối hợp Bộ Thủy sản bang Madhya Pradesh tổ chức. Tham dự hội nghị có ông Shri Tulsiram Silawat, Bộ trưởng Bộ Thủy sản bang Madhya Pradesh, ông Shri Sagar Mehra, Cục trưởng thuộc Bộ Thủy sản Ấn Độ, đại diện một số Đại sứ quán tại Ấn Độ, Viện Đổi mới sáng tạo quốc gia (Niti Aayog), các phòng thương mại, công nghiệp, đơn vị chức năng và khoảng 200 đại biểu, doanh nghiệp thủy sản tại bang Madhya Pradesh.
Madhya Pradesh là bang nằm ở vị trí trung tâm Ấn Độ, diện tích 308 nghìn km2, dân số khoảng 82 triệu người, tiếp giáp bang Uttar Pradesh ở phía Bắc, Chhattisgarh phía đông, Maharashtra ở phía nam, Gujarat và Rajasthan ở phía tây. Đây là bang không có biển nhưng có hệ thống hồ nước ngọt, ao khá lớn với tổng diện tích 3430 km2, hệ thống sông, kênh rạch dài 17088 km. Tổng sản lượng thủy sản là 293 nghìn tấn, tạo 2,2 triệu việc làm cả trực tiếp, gián tiếp, mức tiêu thụ trung bình theo đầu người khoảng 2,76 kg thủy sản/người/năm.
Chính quyền bang mong muốn thúc đẩy lĩnh vực thủy sản để giúp nâng cao đời sống của ngư dân. Đây là bang đầu tiên của Ấn Độ ban hành chính sách thủy sản (năm 2008) với nhiều ưu đãi và hỗ trợ cho người dân, trong đó cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi (giảm 5%) cho hơn 100 nghìn ngư dân.
Đại diện Bộ Thủy sản Ấn Độ cho rằng, Madhya Pradesh nằm trong số các bang có năng suất thủy sản thấp so với bình quân cả nước do sản xuất còn nhỏ lẻ, hệ thống nuôi trồng, bảo quản thủy sản sau đánh bắt và thu hoạch còn hạn chế. Để phát triển thủy sản tại bang, đại diện Viện Đổi mới sáng tạo của Ấn Độ cho rằng, chính quyền bang cần quan tâm tăng giá trị gia tăng đối sản phẩm thủy sản, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong toàn bộ chuỗi giá trị thủy sản, tập trung và định hướng vào thị trường toàn Ấn Độ và thị trường xuất khẩu và đặc biệt là các ngân hàng cần cung cấp tín dụng dài hạn cho ngư dân để đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Duy Khánh, Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, Ấn Độ và Việt Nam là một trong các quốc gia sản xuất và xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới với điều kiện khí hậu thuận lợi, có hệ thống sông ngòi và đường bờ biển dài. Những khó khăn trong lĩnh vực thủy sản của Ấn Độ nói chung và bang Madhya Pradesh khá tương đồng với Việt Nam trước đây là cả hiện nay, đó là giá trị gia tăng chưa cao, chưa tạo được thương hiệu riêng đủ mạnh, hệ thống vận chuyển, bảo quản và chế biến cần tiếp tục được hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, Ấn Độ là nguồn cung cấp thủy sản quan trọng đối với ngành thủy sản chế biến của Việt Nam. Việt Nam nhập khẩu tôm, ngá ngừ, cá mú, cá thu, cá nục và một số loại hải sản khác từ Ấn Độ. Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu thủy sản từ Ấn Độ với kim ngạch 280 triệu USD/năm. Hai nước nói chung và bang Madhya Pradesh có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực thủy sản về thương mại, đầu tư và nghiên cứu và đào tạo trên lĩnh vực thủy sản.
Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu với Ấn Độ
Từ trước 2017 và năm 2021, trong quan hệ buôn bán với Ấn Độ, Việt Nam liên tục ở vị thế nhập siêu, với năm cao nhất lên đến 1,2 tỷ USD. Việt Nam đã chuyển sang vị thế xuất siêu được 3 năm (năm 2018 đạt 2,39 tỷ USD; năm 2019 đạt 2,14 tỷ USD và năm 2020 đạt 0,8 tỷ USD), nhưng năm 2021, do tác động lớn của đại dịch Covid-19, Việt Nam lại nhập siêu 0,69 tỷ USD.
Trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam đã chuyển sang xuất siêu, ngược chiều so với nhập siêu của cùng kỳ năm trước.
Kết quả của 8 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để cả năm có thể đạt mức xuất siêu cao hơn và kỳ vọng tiến tới mức xuất siêu của 3 năm trước đại dịch.
Kỳ vọng trên là có cơ sở, bởi nếu nhịp độ bình quân tháng trong 4 tháng cuối năm đạt bằng với tháng 8 (xuất khẩu 756 triệu USD, nhập khẩu đạt 539 triệu USD), thì trong 4 tháng cuối năm 2022, xuất khẩu sẽ đạt 3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2,2 tỷ USD; cả năm 2022, xuất khẩu đạt 8,48 tỷ USD, nhập khẩu đạt 7 tỷ USD và xuất siêu là 1,48 tỷ USD.
Kỳ vọng trên là rất tích cực, nhưng trên cơ sở xuất khẩu tăng khá cao trong 4 tháng cuối năm, còn nhập khẩu chỉ tăng nhẹ. Do vậy, cần có các giải pháp quyết liệt để khắc phục các hạn chế trong 8 tháng qua. Đối với xuất khẩu, cần khắc phục đối với những mặt hàng bị giảm, như hạt điều, chè, thức ăn chăn nuôi, than, sắt thép. Với nhập khẩu, cần kiểm soát những mặt hàng tăng cao, như thủy sản; hóa chất, sản phẩm hóa chất; vải; đá quý; kim loại quý và sản phẩm…
Hương Anh (tổng hợp)