Người dân Hội An đổ bao cát ngăn sóng đánh hư hại công trình ven biển - Ảnh: B.D.
Tại cuộc họp ứng phó với bão Noru (bão số 4) chiều 25-9, ông Trần Hồng Thái - tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường - nhấn mạnh đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển rất nhanh.
Các đài quốc tế đều dự báo bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền từ chiều tối mai 27-9 ở khu vực Thừa Thiên Huế - Bình Định.
Cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4
Ông Thái cho biết Mỹ dự báo cường độ khi gần bờ bão mạnh cấp 17, Nhật Bản dự báo cấp 13, Hong Kong cấp 14, Trung Quốc cấp 15.
"Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo ở Biển Đông, bão chủ yếu đi theo hướng tây với tốc độ 20 - 30km/h. Khoảng từ chiều và đêm 27-9, bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Trung Bộ", ông Thái nói.
Ông cũng cho biết cường độ bão khi đi qua vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa cấp 13 - 14, giật cấp 16. Khi vào gần bờ các tỉnh Trung Bộ, cường độ bão duy trì ở khoảng cấp 13, khi ảnh hưởng đến đất liền ở khoảng cấp 12 - 13, giật cấp 14.
"Với dự báo hiện tại, bão khả năng đổ bộ vào TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, do đó Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Đối với các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Kon Tum cảnh báo cấp 3", ông Thái cho biết và cảnh báo khu vực ven biển Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi nước dâng từ 0,8 - 1,2m, kịch bản cực đoan nước dâng có thể cao 1,4 - 1,8m.
Ông Phạm Đức Luận - phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - cho biết các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận rà soát phương án sơ tán hơn 213.000 hộ với 868.000 người.
Trong đó các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.300 hộ/368.800 người tùy theo diễn biến của bão.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết TP đã xây dựng các phương án ứng phó với bão theo cấp độ bão đổ bộ để các địa phương triển khai.
"Các địa phương tổ chức hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, kiểm tra hồ đập, cắt tỉa cây xanh. Đồng thời kiểm tra công trình xây dựng, đặc biệt là các cần cẩu xây dựng để đảm bảo an toàn cho công nhân, người dân.
Đà Nẵng đã có phương án cho học sinh nghỉ học, đồng thời sẵn sàng thuốc men, lương thực, thực phẩm nếu bão đổ bộ vào TP", ông Chinh nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết tỉnh đã có kế hoạch di dời 182.000 dân nếu bão mạnh, còn siêu mạnh sẽ phải di dời hơn 400.000 dân trong vùng nguy hiểm.
"Đối với khách du lịch, tỉnh đã chỉ đạo tất cả du khách phải di chuyển đến nơi an toàn. Đối với huyện miền núi, tỉnh đã chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm dự trữ một tháng nếu mưa bão gây chia cắt", ông Bửu nói thêm.
Thiếu tướng Lã Đại Phong - phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - cho biết đã chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn các tỉnh thuộc quân khu 3, 4, 5 và các đơn vị chuẩn bị triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với mưa lũ.
Tổng số lực lượng huy động là hơn 260.000 cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ và trên 3.000 phương tiện các loại ứng phó bão.
Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên - phó chánh văn phòng Bộ Công an - cho biết các đơn vị nằm trên tuyến bão đổ bộ đã sẵn sàng 100% quân số.
"Đối với các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, vùng ven biển các tỉnh đã trực tiếp đi tuyên truyền vận động, hỗ trợ bà con ứng phó với bão.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã huy động 43.000 cán bộ, chiến sĩ trực 24/24 giờ cho đến kết thúc bão, đồng thời sẵn sàng hơn 20.000 phương tiện phòng chống bão.
Hơn 1.100 điểm xung yếu về giao thông đã được bố trí hơn 4.000 cảnh sát giao thông", đại tá Nguyên cho biết thêm.
Dừng hoãn các cuộc họp không cần thiết
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, có tám địa phương có nguy cơ cấp 4, cấp 3 và các địa phương đã kích hoạt kịch bản ứng phó.
Ông Hiệp lưu ý các địa phương hướng dẫn tàu thuyền ngoài xa chạy lên hướng bắc hoặc xuống phía nam, đừng chạy vào bờ quá nhiều hoặc chạy tất cả vào bờ.
"Với cấp độ giật cấp 13 - 14, khi ở sát bờ thì tàu cá ở ven bờ cũng đắm chìm hết", ông Hiệp nói.
Ngoài việc cấm biển, ông Hiệp cũng đề nghị xem xét cấm đường ở những khu vực bão đổ bộ. Những khu vực này khi có mưa lớn, quốc lộ, đường sắt gần như bị ngập lụt.
Ví dụ cấm từ Quảng Bình không cho xe đi vào phía Nam, từ Ninh Thuận không cho xe chạy ra các tỉnh bên ngoài. Đồng thời cấm người dân ra đường trong thời gian bão sắp và khi bão đổ bộ để tránh thiệt hại về người.
Tùy diễn biến bão, các tỉnh quyết định cho học sinh nghỉ học. Cần chủ động, sẵn sàng trang bị phương tiện, lực lượng tại chỗ, trong đó phải có lương thực thực phẩm, thuốc men... tối thiểu đủ dùng trong bảy ngày.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành - trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - nhấn mạnh theo dự báo bão Noru di chuyển nhanh, có cường độ rất mạnh, gió giật có thể tới cấp 17.
Theo Phó thủ tướng, gió mạnh cấp 13 đã gây tốc mái, bay nhà cấp 4, rất dễ thiệt hại đến tính mạng người dân, do đó các bộ, ngành, đặc biệt là địa phương phải chủ động rà soát sơ tán dân, kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú. "Tuyệt đối không được chủ quan mất cảnh giác".
Phó thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung cao công tác ứng phó.
"Có thể tạm dừng, hoãn một số cuộc họp không thực sự cần thiết để tập trung lãnh đạo chỉ đạo và có kế hoạch cụ thể vì đây là "siêu bão", cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4".
Ngày 25-9, Thủ tướng có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung ứng phó với bão, lũ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chủ động phối hợp với địa phương chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, tàu thuyền, hoạt động thủy sản, hệ thống điện, bảo đảm an toàn đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền vận tải hoạt động trên biển, vùng cửa sông, trên sông, đặc biệt lưu ý những khu vực đã từng xảy ra các sự cố tàu vận tải khi có bão, lũ.
Không chủ quan với bão đầu mùa
Người dân ven biển TP Tam Kỳ, Quảng Nam gia cố lại nhà cửa chuẩn bị đón "siêu bão" - Ảnh: LÊ TRUNG
Ngày 25-9 có rất nhiều tàu thuyền vào trú bão tại âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
Đơn vị quản lý cảng cá này cho biết tính đến trưa 25-9 có hơn 700 tàu thuyền các loại đã tìm được nơi đậu an toàn trong cảng. Theo ghi nhận, hầu hết các tàu chạy vào cảng đều là tàu ngoại tỉnh và các ghe nhỏ của ngư dân Đà Nẵng.
Đứng chèn lốp xe vào dọc bên mạn tàu, ông Nguyễn Văn Cường (ngư dân quận Thanh Khê) cho biết qua bộ đàm nghe thông tin bão lần này cực mạnh nên tàu rút ngắn hành trình tranh thủ chạy về đất liền.
"Rút kinh nghiệm mấy đợt bão trước vào sau neo đậu khó lại không lên được hàng nên lần này chúng tôi vào ngay khi có tin báo bão. Thu lưới xong anh em bạn tàu chia nhau tiền về nhà cả rồi", ông Cường nói.
Một số tàu cá lớn của Đà Nẵng đã tìm đến neo đậu hai bên bờ sông Hàn. Theo kinh nghiệm của các ngư dân, để tránh khả năng xảy ra va đập do dồn ứ tàu thì các tàu Đà Nẵng vào bờ trước, thông thuộc luồng lạch thường chọn lên sông Hàn để đảm bảo an toàn hơn khi đón bão, cũng nhường chỗ cho tàu đến sau.
Tại Quảng Nam, trong ngày 25-9 người dân ven biển đã hối hả chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào nơi trú ẩn.
Tại vệt biển Cửa Đại dọc đường Lạc Long Quân (Hội An), hàng trăm lao động được các nhà hàng thuê mướn khiêng dọn đồ đạc, đổ cát vào bao tải để tạo bờ bao chắn sóng.
Chủ một cửa hàng kinh doanh hải sản trên đường Lạc Long Quân cho biết từ sáng 25-9 toàn bộ hoạt động kinh doanh được tạm ngưng để chống bão.
Dọc ven biển, việc chạy bão cũng diễn ra cấp tập. Xe múc cát được huy động để cẩu cát vào túi lớn dựng thành bờ bao chống sạt lở.
Nhà hàng, resort được chủ huy động công nhân đắp bờ bao bằng các bao tải cát dựng sát chân nhà. Hệ thống cửa kính cũng được dùng băng keo khổ lớn dán gia cường.
Chiều 25-9, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An cho biết đã đề nghị UBND TP Hội An chỉ đạo các phường có giải pháp cấp bách xử lý đối với 45 di tích (nhà cổ) xuống cấp nghiêm trọng, trong số này có 13 di tích xuống cấp không thể khắc phục.
"Trước mắt để hạn chế rủi ro trong bão Noru, chúng tôi đề nghị các phường yêu cầu dân không ở lại trong các ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Một số công trình sẽ được Nhà nước gia cố, số còn lại sẽ đề nghị chủ nhà cổ tự chống đỡ qua mưa bão" - ông Phạm Phú Ngọc, giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An, nói.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam, đến ngày 25-9, tất cả các mực nước tại các trạm thủy văn đều ở mức dưới báo động 1.
Các đơn vị quản lý các hồ thủy lợi, hồ thủy điện đã chủ động có phương án phòng tránh khi tình huống bão đổ bộ đối với 17 hồ chứa vừa và lớn có hai hồ tích đạt 100%.
T.TRUNG - T.B.DŨNG - L.TRUNG
TTO - Rạng sáng 26-9, sau khi quét qua đảo Luzon (Philippines), bão Noru đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 4 năm 2022.
Xem thêm: mth.9110357062902202-neil-tad-ned-gnouh-hna-uron-oab-iam-ueihc/nv.ertiout