Nội dung Công điện nêu rõ:
Bão Noru (cơn bão số 4) với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật cấp 17. Dự báo sau khi vào Biển Đông, bão có thể vẫn duy trì sức gió rất mạnh cấp 13-14, giật cấp 16 (khi đến Nam quần đảo Hoàng Sa), khi vào gần bờ có thể vẫn mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo từ ngày 26/9 bão gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển giữa và bắc Biển Đông, chiều tối ngày 27/9 bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây mưa lớn tập trung ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên.
Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25/9/2022 và phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân đối với bão Noru; lãnh đạo Bộ yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó với bão Noru, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn về người, tài sản; tập trung các nội dung sau:
1. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền địa phương về ứng phó với bão Noru; bảo đảm thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” và chủ động tiến công.
2. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng kịp thời sơ tán người dân khỏi những nơi xung yếu, nguy hiểm, đặc biệt là ở khu vực ven biển, những nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; khuyến cáo người dân hạn chế và có thể cấm di chuyển ở vùng bị ảnh hưởng bởi mưa, bão trong trường hợp nguy hiểm; triển khai phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản cho Nhân dân, hành động theo đúng phương châm “lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”.
3. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; kịp thời triển khai các phương án, kế hoạch ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; gắn công tác bảo đảm an toàn trong bão lũ của Nhân dân với công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở mọi địa bàn, nhất là các địa bàn sơ tán, địa bàn tránh trú bão, lũ tập trung và địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống địa bàn để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống bão tại cơ sở.
4. Chủ động bố trí lực lượng, rà soát trang thiết bị phương tiện, vật tư, nguồn lực,… để đề xuất Bộ trang cấp kịp thời, phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do bão Noru gây ra. Triển khai các phương án phòng, chống bão, mưa lũ trong chính cơ quan, đơn vị Công an; bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và an toàn cơ sở hạ tầng kỹ thuật của lực lượng Công an nhân dân. Chủ động về trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và duy trì hoạt động thường xuyên của Công an các đơn vị, địa phương; nhu cầu sinh hoạt tại các cơ sở giam giữ do Bộ Công an, Công an các địa phương quản lý, nhất là tại các địa bàn dự báo có mưa lớn, bị chia cắt, xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập, lụt.
5. Bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, điều tiết giao thông; giám sát, quản lý chặt các điểm xung yếu và các tuyến giao thông nguy hiểm, nhất là tại các điểm ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông khi chưa đảm bảo an toàn; phân luồng, hướng dẫn giao thông phục vụ lưu thông hàng hóa, di chuyển của người dân và trong trường hợp cần chi viện cho các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa bão.
6. Phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an cấp cơ sở trong ứng phó với bão, mưa lũ, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phòng tránh bão, mưa lũ; di dời, sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm; chủ động, xung kích tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; giúp nhân dân khắc phục hậu quả, thiệt hại do mưa, bão; phòng ngừa, giải quyết tốt các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở. Thông qua công tác nắm hộ, nắm người ở địa bàn ven biển, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng (Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư,…) liên hệ, hướng dẫn các phương tiện đánh bắt hải sản, ngư dân đang ở vùng mưa bão khẩn trương tránh trú bão an toàn.
7. Các đơn vị chức năng của Bộ sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để kịp thời hỗ trợ, chi viện cho địa phương khi có yêu cầu; có phương án bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành trong ứng phó với bão, mưa lũ, tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Phát huy mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với các ngành, các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống mưa bão, thiên tai.
8. Phối hợp với các đơn vị chức năng, cơ quan báo chí đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến bão, mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó của các cấp, các ngành và lực lượng Công an nhân dân; thông tin về hình ảnh, hoạt động của Công an các đơn vị, địa phương trong phòng, chống bão số 4. Tổ chức trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống bão, mưa lũ.
Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả triển khai ứng phó với bão số 4, mưa lũ về Văn phòng Bộ - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ. Thông tin liên hệ, số điện thoại: 069.2341042 hoặc 0913.555.323; Fax: 069.2341044./.
Xem thêm: 57133=DImetI?lmth.42-hnah-ueid-oad-ihc/neik-us-cut-nit/nv.vog.nagnocob