Các mẹ đỡ đầu đến thăm cháu Nguyễn Văn Bích (xã Đức Lợi). Từ ngày có các mẹ, Bích không còn cảm giác cô đơn khi mồ côi cha, mẹ lâu rồi không về nhà - Ảnh: TRẦN MAI
Chúng tôi trao đi yêu thương, mong các con đón nhận. Với tôi, lời cảm ơn lớn nhất là các con kiên định học tập, sau này có cuộc sống tốt hơn. Mồ côi đã khổ rồi, mà không cố gắng học thì còn cơ cực dài.
Bà HỒ THỊ HIỀN (chủ tich Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trà Sơn)
Bà Trần Thị Diễn nở nụ cười tươi cùng chị em và khoe bao ve chai to bự bà xin được. 12 người phụ nữ là mẹ đỡ đầu của những cô cậu bé mồ côi ở xã Đức Lợi cùng chung niềm vui. Bà Diễn nói: "Chúng tôi là mẹ đỡ đầu, nếu không lo thì ai sẽ lo cho trẻ em mồ côi đây".
Những người mẹ nhặt ve chai, nuôi heo đất
Tiếng ve chai rột rột nơi sân trường, những người phụ nữ nước da đen nhẻm đang phân loại và bỏ vào từng bao. Tiếng cười nói xôn xao cả một góc sân Trường THCS Đức Lợi. Bà Diễn nói vui rằng sẽ "làm giá" với chủ vựa ve chai để bán được nhiều tiền nhất.
Từ ngày nhận đỡ đầu em Nguyễn Văn Bích (12 tuổi, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức) mồ côi cha, mẹ bỏ đi biền biệt, các mẹ trở thành những người đi xin ve chai "chuyên nghiệp". Nghe ở đâu có đám tiệc cũng ghé lại xin. Với bà Diễn, mỗi cái lon nhặt lên từ nền đất là có thêm hy vọng để thay đổi cuộc đời của Bích.
Hành trình của những người mẹ đỡ đầu xuất phát từ yêu thương, đích đến là sẻ chia khó nhọc cùng Bích. Lý do đó đã giúp những người phụ nữ mà cuộc sống còn nhiều khó khăn dang rộng vòng tay yêu thương. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lộc (xã Đức Lợi) bảo rằng chị em khó khăn nhưng vẫn là người lớn và kiếm được tiền, còn cháu Bích ở cùng người bà già yếu, thiếu thốn cả vật chất lẫn tình thương yêu của cha mẹ.
"Bỏ mặc sao đành, Bích cũng cần sự yêu thương như bao đứa trẻ khác. Đời cháu bất hạnh không có cha mẹ thì có những bà người dưng này bên cạnh. Chúng tôi biết có làm gì cũng không bù được tình cảm từ cha mẹ ruột của cháu, nhưng sẽ cố gắng bù đắp phần nào đó", bà Lộc tâm tình.
Tấm lòng thiện lương của những người mẹ đỡ đầu ở xã Đức Lợi thật sự là cơn gió mát lành, họ không chỉ là điểm tựa cho Bích mà còn nối dài sự tử tế. Những việc làm của các mẹ đã đánh động lòng trắc ẩn của nhiều người.
Ở xã Đức Lợi, nhiều người sau khi sử dụng lon, bình phế thải không vứt đi mà gom lại để các mẹ đến lấy. Và cháu Bích từ đứa con 12 người phụ nữ nhận đỡ đầu, giờ như đứa con chung của cả cộng đồng. Ai cũng phụ các mẹ một tay chăm lo từ chính những phế phẩm bỏ đi. Bà Huỳnh Thị Lan (xã Đức Lợi) nói: "Cháu xứng đáng có được tình yêu thương, chúng tôi không giàu có nhưng sẽ cố gắng hết sức lo cho cháu đến khi trưởng thành".
Rời xã biển Đức Lợi, chúng tôi về xã biển Bình Châu (huyện Bình Sơn). Ở đây, những người mẹ đỡ đầu không chăm con bằng ve chai mà nuôi heo đất. Con heo đất giúp trẻ mồ côi được đập vỡ, tràn ra những đồng bạc lẻ. Các mẹ bảo bạc lẻ hạnh phúc hơn bạc chẵn, bởi càng nhiều đồng tiền một ngàn, hai ngàn chứng tỏ nhiều tấm lòng đang chung lại, ít nhưng dài lâu vẫn hơn nhiều rồi dừng lại.
Ở Bình Châu, xứ sở nổi tiếng với những ngư dân can trường nối đời bám biển Hoàng Sa đánh bắt và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc này, lòng tương trợ giúp nhau rất lớn. Họ có thể nghèo nhưng luôn chìa tay đỡ những người khốn khó hơn mình, và câu chuyện mẹ đỡ đầu nuôi heo đất cho con thêm một lần nữa minh chứng cho sự đoàn kết của đất và người nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Tòng (xã Bình Châu) cùng chị em xếp từng đồng bạc lẻ, vuốt thẳng tạo thành những tệp tiền, nói: "Chà, đợt này nhiều gạo cho con Hằng và những hoàn cảnh khó khăn đây".
Rồi bà Tòng nói thêm rằng các mẹ đỡ đầu ở Bình Châu lo cho con nuôi còn nhiều hơn con ruột. Các mẹ lo nhất là cháu Hằng thiếu thốn nên thường xuyên tới lui, vào tận bếp xem lu gạo, dầu, mắm… thấy thiếu lập tức mua ngay. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam xã Bình Châu, nói phong trào nuôi heo đất, làm mẹ đỡ đầu đã cũ như tình thương của mẹ dành cho con nối từ đời nay qua thế hệ nọ.
"Nhận Hằng làm con nuôi, chúng tôi xem như con ruột, thay nhau lui tới gần gũi, bảo ban con học hành. Lúc con ốm đau cũng túc trực chăm sóc. Bỏ cháu sao đành khi cháu mồ côi mẹ, cha đi biển cả tháng mới về. Nói thật, làm nghề biển nhiều lúc chị em công việc bộn bề lắm, nhưng bằng cái tâm và mọi yêu thương đến từ tấm lòng nên thu xếp dành thời gian cho Hằng", bà Nguyệt tâm tình.
Những người mẹ đỡ đầu ở xã Đức Lợi nhặt ve chai lo cho con nuôi - Ảnh: TRẦN MAI
Yêu thương nối dài
Số tiền mổ heo đất được kiểm đếm xong, các mẹ ra tiệm tạp hóa mua gạo, mắm. Chị chủ tiệm, vốn quá quen với hình ảnh này, nở nụ cười tiếp đón hỏi han tình hình của Hằng và dĩ nhiên "bán phi lợi nhuận", thậm chí còn gửi thêm chai mắm như quà riêng dành cho Hằng. Chị rất cảm kích tấm lòng của các mẹ đỡ đầu. Đó là sợi dây kết nối yêu thương của mọi người lại. Ai có gì sẽ hỗ trợ Hằng thông qua các mẹ.
Đi cùng các mẹ đến nhà Hằng, thật khó hình dung đứa bé chỉ mới 11 tuổi sống cô quạnh trong ngôi nhà chưa đến 30m2 và bên cạnh nhà là mồ mả. Hằng sống dựa vào người bà già yếu. Người bà cũng ít nói, thương cháu nhưng sức nặng của tuổi tác không cho bà có sức khỏe để kiếm tiền chăm lo.
Mỗi ngày hai bà cháu vẫn nhìn về phía biển chờ cha Hằng trở về và cầu mong trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang. Hôm nay hay tin bão Noru sắp tràn vào Biển Đông, bà cháu Hằng càng lo lắng hơn. Bà Nguyệt cũng thấu cảm và nói với bà cháu Hằng hãy an tâm, trên biển có nhiều chú bác trong làng sẽ tương trợ giúp đỡ. Tàu cá cha Hằng đi biển đã di chuyển về phía nam từ hôm qua.
"Giờ này chắc tàu đã đến Trường Sa an toàn rồi, chủ tàu vẫn nối icom liên tục với nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu thông báo. Giờ hai bà cháu thu xếp, khi có thông báo bão đổ bộ là sơ tán đến khu vực chính quyền chỉ định cho an tâm", bà Nguyệt nói rồi vỗ về Hằng. Thương con nuôi, đôi mắt bà đỏ hoe khi nghĩ về những mùa bão tố không có mẹ bên cạnh Hằng thiếu vắng sự chở che tin cậy nhất. Các mẹ đỡ đầu vì thế mà cố gắng nhiều hơn.
Hằng đón nhận hũ gạo trên tay mẹ Nguyệt và nói "Cảm ơn mẹ đã cho con gạo" khiến chúng tôi có những nỗi niềm thăm thẳm. Hôm ở xã Đức Lợi, cháu Bích cũng đón nhận yêu thương với những phần quà sách vở bước vào năm học mới, tiền ăn sáng và gạo mắm. Bích cũng nói "Con cảm ơn các mẹ".
Có lẽ lời cảm ơn ấy là niềm hạnh phúc vô bờ với những người đi trao gửi yêu thương. Điểm chung là các mẹ đón nhận lời cảm ơn của con với lời căn dặn: "Thương các mẹ thì cố gắng chăm ngoan, học giỏi". Có điều gì lớn hơn ở một người mẹ ngoài mong muốn con mình khỏe mạnh, chăm ngoan, và những người mẹ đỡ đầu cũng mong đứa con không máu mủ ruột rà của mình đón nhận hơi ấm từ các mẹ và vượt qua nghịch cảnh.
Rời miền biển lên tít tận non cao xã Trà Sơn, huyện miền núi Trà Bồng, câu chuyện của cháu Hồ Thị A Oanh (đồng bào Cor) thật sự thảm thương: cha mất, mẹ qua đời, chị lớn đang học đại học ở Huế, để lại hai chị em Oanh chơ vơ giữa núi. Lúc cô đơn nhất, những người mẹ nuôi đã đến, sự xuất hiện của họ như dòng suối mát lành với Oanh.
Từ chỗ có ý định nghỉ học, chị em Oanh đang nỗ lực học tập. Bà Hồ Thị Hiền (chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trà Sơn) luôn bên cạnh Oanh. Bà động viên hai chị em bằng mọi giá phải học hết lớp 12 và phấn đấu như người chị đầu bước vào đại học. Với mẹ Hiền, khó khăn gì của Oanh các mẹ cũng tìm cách giải quyết.
400 trẻ mồ côi có mẹ
Chọn một cuộc đi để có một cuộc đến với trẻ mồ côi. Vòng tay của những người mẹ đỡ đầu cứ thế mở rộng. Đã có gần 400 trẻ được các cấp hội phụ nữ trên toàn tỉnh Quảng Ngãi nhận đỡ đầu, trong đó có 20 cháu mồ côi do dịch bệnh COVID-19.
Bà Huỳnh Thị Sương, phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: "Những người mẹ đỡ đầu cho trẻ mồ côi từ thời điểm nhận cho đến khi các con đủ 18 tuổi. Đây là một hành trình dài, nhưng với tình yêu thương, tôi tin chắc các mẹ sẽ còn bên cạnh các con. Đây không phải là một phong trào được phát động, hơn tất cả đó là tấm lòng của những người đang làm mẹ".
TTO - Trung thu năm nay, nhiều cơ sở, đội nhóm tại TP.HCM chộn rộn các chương trình đón vầng trăng hạnh phúc cho các bạn nhỏ khó khăn, mồ côi vì dịch COVID-19.
Xem thêm: mth.96200321162902202-gnud-iougn-ma-ioh/nv.ertiout