Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công văn trả lời kiến nghị cử tri Tp.HCM về giải pháp hạn chế tín dụng đen.
Theo đó, cử tri Tp.HCM kiến nghị NHNN có nhiều biện pháp hơn nữa nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen, cho vay nặng lãi nhằm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, giữ gìn an ninh, trật tự.
Về vấn đề này, NHNN cho biết, ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó Bộ Công an là đầu mối tham mưu, triển khai các nhiệm vụ tại Chỉ thị.
Về phía NHNN, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, có trách nhiệm hoàn thiện cơ sở pháp lý, chỉ đạo điều hành, triển khai các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng (TCTD), qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”.
NHNN thông tin thêm, thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng cung ứng vốn của cả TCTD, cũng như khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân, đặc biệt là phục vụ các nhu cầu vay vốn tiêu dùng chính đáng, nhu cầu vốn của người nghèo, người thu nhập thấp.
Cụ thể như hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp: Từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó, đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp1.
Điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”). Đến ngày 24/8/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,47 triệu tỷ đồng, tăng 9,87% so với cuối năm 2021; trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, với hơn 14 triệu khách hàng, tăng 8,42% so với cuối năm 2021. Cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng với dư nợ đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng, chiếm trên 22,22% dư nợ nền kinh tế, tăng 14,99% so với cuối năm 2021.
Triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nhằm tăng khả năng tiếp cận tài chính tới mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng tới nhóm đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Phát triển mạng lưới TCTD, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân.
Đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, người không có tài sản bảo đảm, người lao động có thu nhập thấp: hiện Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã và đang triển khai 26 chương trình tín dụng chính sách (trong đó, 03 chương trình tín dụng chính sách mới theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội2). Tổng dư nợ các chương trình tín dụng tại NHCSXH đến cuối tháng 7/2022 đạt 273.458 tỷ đồng, tăng 10,28% so với cuối năm 2021, với gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD, chỉ đạo hệ thống ngân hàng quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.
Tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân.
Tiếp tục triển khai đồng bộ 9 giải pháp hạn chế 'tín dụng đen'
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân, doanh nghiệp góp phần hạn chế “tín dụng đen”, trong đó đặc biệt tập trung 9 giải pháp.
Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.
Thứ hai, khuyến khích các TCTD phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thứ ba, chỉ đạo TCTD tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn.
Thứ tư, triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ năm, triển khai giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện, chuyển đổi số ngành ngân hàng, tạo điều kiện cho các TCTD phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng an toàn, hiệu quả.
Thứ sáu, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, các đối tượng chính sách.
Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng tập trung chấn chỉnh lại hoạt động cho vay, có chính sách lãi suất phù hợp, thu nợ bảo đảm minh bạch, đúng quy định pháp luật.
Thứ tám, tăng cường công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân.
Thứ chín, tiếp tục triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng cho công nhân tại khu công nghiệp của công ty tài chính.
Tuệ Minh