Hãng tin Bloomberg nhận định các thị trường tài chính châu Á đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với những áp lực ngang với thời kỳ khủng hoảng tài chính. Hiện 2 đồng tiền quan trọng nhất của khu vực đang lao dốc mạnh so với đồng USD.
Do sự đối lập về mặt chính sách tiền tệ, giữa một bên là chính sách thắt chặt của Cục dự trữ liên bang Mỹ và một bên là Trung Quốc cùng Nhật Bản vẫn đang theo đuổi chính sách nới lỏng, nhân dân tệ và yên Nhật đang lao dốc mạnh. Trong khi các quốc gia châu Á khác tận dụng dự trữ ngoại hối để chống đỡ với 1 đồng bạc xanh đang mạnh lên, đà giảm của nhân dân tệ và yên mang đến điều tồi tệ cho tất cả mọi người, đe dọa vị thế là điểm đến mà các nhà đầu tư ưa mạo hiểm yêu thích.
“Nhân dân tệ và yên là những “mỏ neo” lớn. Khi chúng giảm giá, các đồng tiền khác cũng như các tài sản đầu tư khác ở châu Á đều biến động theo”, Vishnu Varathan, lãnh đạo của ngân hàng Mizuho Singapore nhận định. “Ở một vài khía cạnh, chúng ta đang hướng đến mức căng thẳng tương đương với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mức độ tiếp theo sẽ là khủng hoảng tài chính châu Á nếu như các đồng tiền tiếp tục giảm giá”.
Trung Quốc và Nhật Bản là 2 nền kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở châu Á. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của các quốc gia Đông Nam Á trong 13 năm liên tiếp. Còn Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, là nước xuất khẩu vốn và tín dụng lớn.
Đà lao dốc của 2 đồng nội tệ lớn nhất châu Á có thể gây ra 1 cuộc khủng hoảng toàn diện nếu như các quỹ ngoại ồ ạt rút vốn khỏi châu Á. Ở mức độ nhẹ hơn, sẽ xuất hiện 1 vòng luẩn quẩn bao gồm thi nhau phá giá nội tệ và sụt giảm lực cầu cũng như niềm tin tiêu dùng.
“Đối với các nước châu Á, tiền tệ là rủi ro lớn hơn so với lãi suất tăng”, Taimur Baig, chuyên gia kinh tế trưởng của DBS Group nói. “Phần lớn các nền kinh tế châu Á là phụ thuộc vào xuất khẩu và chúng ta có thể chứng kiến khủng hoảng 1997 lặp lại”.
Từ đầu năm đến nay các nhà đầu tư đã rút mạnh vốn khỏi châu Á. Từ đầu năm đến nay các quỹ đầu tư toàn cầu rút khoảng 44 tỷ USD khỏi chứng khoán Đài Loan, 20 tỷ USD khỏi chứng khoán Ấn Độ và 13,7 tỷ USD khỏi chứng khoán Hàn Quốc. Thị trường trái phiếu Indonesia mất 8,2 tỷ USD.
Trên thị trường tài chính, vị thế của Bắc Kinh và Tokyo còn lớn hơn thế. Đồng nhân dân tệ chiếm tỷ trọng hơn 25% trong các rổ tiền tệ châu Á, theo dữ liệu phân tích của BNY Mellon Investment Management. Còn yên Nhật là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ 3 thế giới, vì thế đà giảm giá tác động rất mạnh đến các nước châu Á khác.
Hôm 22/9, yên giảm xuống dưới mức 145 yên đổi 1 USD lần đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ sau khi khoảng cách giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và Nhật Bản tiếp tục nới rộng. Sau khi cơ quan quản lý can thiệp vào thị trường, yên đã hồi phục chút ít nhưng phần lớn mọi người cho rằng hành động này chỉ có thể làm chậm lại chứ không thể chặn đứng đà giảm.
Trong khi đó nhân dân tệ cũng vượt ngưỡng quan trọng 7 tệ đổi 1 USD vào đầu tháng 9, do áp lực từ chính sách diều hâu của Fed và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Thậm chí đồng tệ ở hải ngoại đã chạm xuống gần thấp nhất kể từ cú phá giá gây chấn động năm 2015.
Những ngưỡng đặc biệt ví dụ như 150 yên đổi 1 USD có thể kích hoạt cuộc khủng hoảng ở quy mô ngang với khủng hoảng tài chính châu Á 1997, theo nhà đầu tư kỳ cựu Jim O’Neill, người từng là chuyên gia kinh tế trưởng về tiền tệ tại Goldman Sachs.
Một số khác lại nhận định tốc độ giảm giá mới là điều đáng lo ngại. Nếu như yên và tệ lao dốc, các đồng tiền còn lại trong khu vực sẽ nhanh chóng gặp rắc rối, theo Aninda Mitra, chuyên gia của BNY Mellon Investment Management.
Tất nhiên, không thể phủ nhận các quốc gia trong khu vực đang ở vị thế khỏe mạnh hơn nhiều so với giai đoạn trước khủng hoảng tài chính châu Á, nhờ có dự trữ ngoại hối dồi dào hơn và vay nợ bằng USD ít hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số rủi ro nhất định.
“Những đồng tiền dễ bị tổn thương nhất là won Hàn Quốc, peso của Philippine và baht Thái, bởi đây là những nền kinh tế có cán cân vãng lai thâm hụt”, Trang Thuy Le, chiến lược gia đang làm việc tại Macquarie Capital nói. Khi nhân dân tệ và yên cùng giảm, áp lực có thể khiến nhà đầu tư đổ xô mua USD.
Dưới đây là một số sự kiện tác động mạnh đến thị trường tài chính châu Á trong tuần này:
NHTW Thái Lan công bố chính sách tiền tệ. Tháng trước, Thái Lan đã nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 3 năm trở lại đây. NHTW Mexico họp về chính sách tiền tệ vào ngày 29/9, NHTW Ấn Độ họp ngày 30/9.
Ngày 30/9, Trung Quốc công bố khảo sát kinh doanh tháng 9, là báo cáo mới nhất về sức khỏe nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trước đó là các số liệu về lợi nhuận công nghiệp.
Đây cũng là ngày công bố báo cáo việc làm của Brazil và sản lượng công nghiệp của Hàn Quốc.
Tham khảo Bloomberg