Các cuộc biểu tình ở Iran vẫn tiếp tục lan rộng sau cái chết của một phụ nữ người Kurd, tên Mahsa Amini, 22 tuổi ở Iran bị cảnh sát đạo đức Iran bắt giữ.
Cô gái này bị bắt vào ngày 13-9 vì bị cáo buộc đội khăn trùm đầu Hồi giáo quá lỏng lẻo. Vài giờ sau khi bị bắt, cô hôn mê và phải đưa vào viện. Ngày 16-9, cô gái này qua đời.
Chính phủ Iran đã tiến hành nhiều biện pháp để hạ nhiệt các cuộc biểu tình cũng như trả đũa các bên mà họ cho là kích động tình trạng bất ổn ở Iran.
Tấn công lực lượng ly khai người Kurd ở Iraq
Ngày 26-9, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã tấn công bằng máy bay không người lái và pháo binh nhằm vào nơi mà Tehran gọi là căn cứ của lực lượng ly khai người Kurd ở miền bắc Iraq, theo hãng thông tấn Tasnim của Iran.
Lực lượng Iran đã tấn công khu vực Sidikan ở miền bắc Iraq thuộc vùng tự trị của người Kurd.
Đây là vụ tấn công qua biên giới thứ hai kể từ ngày 24-9. Vụ việc xảy ra vào thời điểm Iran đang chứng kiến các cuộc biểu tình về cái chết cô Amini.
Đại diện của một trong những nhóm ly khai ở Iraq là mục tiêu của cuộc tấn công cho biết không có thương vong.
Ông Atta Nasir - thành viên của đảng Komala, một đảng đối lập người Kurd sống lưu vong từ Iran, nói với hãng tin AP: “Hôm nay tổng cộng ba lần Cộng hòa Hồi giáo (Iran) đã ném bom vào sườn núi Halgurd, nơi lực lượng của chúng tôi đóng quân”.
Ông cho biết mỗi cuộc tấn công kéo dài từ 2 đến 3 giờ bằng hỏa lực pháo binh và pháo phản lực Katyusha.
“Rất may, chúng tôi không có bất kỳ thiệt hại nào về người cho đến thời điểm hiện tại” - ông nói.
Trước đó, vào ngày 24-9, Lực lượng Vệ binh Iran cho biết họ đã tấn công và gây thiệt hại nghiêm trọng cho các căn cứ và trại huấn luyện của các nhóm ly khai người Kurd ở miền bắc Iraq.
Hãng thông tấn Tasnim ngày 26-9 cho biết các cuộc tấn công của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran là để đáp lại việc phe ly khai hỗ trợ cho các cuộc biểu tình ở Iran, cũng như nỗ lực buôn lậu vũ khí của phe ly khai.
Đáp lại các tuyên bố của Iran, ông Nasir nói: “Chúng tôi đã hỗ trợ hết mình đối với các yêu cầu người dân. Chúng tôi đã ủng hộ những cuộc biểu tình này và sẽ tiếp tục ủng hộ bằng mọi cách có thể”.
Ông cho biết các thành viên của đảng Komala không tham gia trực tiếp vào các cuộc biểu tình nhưng thể hiện sự ủng hộ đối với người thân của họ đang biểu tình ở Iran.
Năm ngoái, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã tấn công tương tự vào nơi mà họ gọi là căn cứ của “các nhóm khủng bố” ở miền bắc Iraq.
Hiện chưa có bình luận gì từ phía chính phủ Iraq.
Iran và Iraq có quan hệ chính trị và quân sự chặt chẽ. Tehran đã hỗ trợ quân sự cho Baghdad trong cuộc chiến kéo dài nhiều năm chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan.
Trong khi đó, ngày 26-9 hàng trăm phụ nữ đã biểu tình ở miền bắc Syria, khu vực do người Kurd kiểm soát, để thể hiện sự phẫn nộ trước cái chết của cô Amini.
Những người biểu tình giơ cao những bức ảnh của Amini khi họ diễu hành qua một con phố ở thành phố Qamishli, đông bắc Syria. Một số phụ nữ đã cắt tóc và đốt khăn trùm đầu để bày tỏ sự phẫn nộ.
Phụ nữ đốt khăn trùm đầu trong cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của một phụ nữ 22 tuổi người Kurd ở Iran, tại thành phố Qamishli, đông bắc Syria ngày 26-9. Ảnh: REUTERS |
Sự chỉ trích từ phương Tây
Ngày 26-9, Iran đã phải đối mặt nhiều chỉ trích quốc tế hơn sau khi nước này cáo buộc Mỹ lợi dụng tình hình bất ổn ở Iran để gây bất lợi cho Tehran, theo hãng tin Reuters.
Iran cáo buộc Mỹ đang hỗ trợ những "phần tử gây bạo loạn".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran - ông Nasser Kanaani nói: “Washington luôn cố gắng làm suy yếu sự ổn định và an ninh của Iran mặc dù đã không thành công”.
Tuần trước, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cảnh sát đạo đức Iran vì cáo buộc lạm dụng phụ nữ, đồng thời tuyên bố đơn vị này phải chịu trách nhiệm về cái chết của cô Amini.
Ngày 26-9, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết Canada sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người chịu trách nhiệm về cái chết của cô Amini, bao gồm cảnh sát đạo đức Iran và ban lãnh đạo của họ.
Cũng trong ngày 26-9, Đức đã triệu tập đại sứ Iran tại Berlin để thúc giục Tehran cho phép các cuộc biểu tình hòa bình.
Khi được hỏi về khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Tehran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết: “Đức sẽ xem xét tất cả các lựa chọn” với các quốc gia Liên minh châu Âu khác.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ lần này là cuộc biểu tình lớn nhất ở Iran kể năm 2019.
Theo đài truyền hình nhà nước Iran, ít nhất 41 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kể từ ngày 17-9.