Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự Nguyễn Đình Hoàn Vũ (39 tuổi, trú tại phường Tam Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để điều tra hành vi Hủy hoại tài sản.
Nguyễn Đình Hoàn Vũ là người gây ra vụ hỏa hoạn tại căn hộ chung cư tái định cư NOCT (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm).
Làm việc với cơ quan công an, Nguyễn Đình Hoàn Vũ khai nhận có quan hệ tình cảm với chị N.T.L. (41 tuổi, chủ căn hộ bị cháy). Tháng 4/2022, Vũ từ Đồng Nai ra Hà Nội sống với chị L. tại căn hộ này. Tuy nhiên, trong thời gian sống chung, giữa 2 người nảy sinh mâu thuẫn.
Tối 25/9, trước thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn, chị L. đi chơi. Vũ gọi điện thoại nhưng chị này nói không về. Tức giận, Vũ đã gọi điện thoại dọa đốt nhà chị L. Theo đối tượng, ban đầu, anh ta dự định đốt tủ quần áo và quay clip gửi cho bạn gái với hy vọng chị này sẽ lo lắng mà quay về.
Tuy nhiên, khi đốt tủ quần áo, ngọn lửa bùng phát nhanh và lan ra cả phòng ngủ. Vũ sợ hãi chạy ra ngoài hô hoán và gọi cứu hỏa.
Tiếp nhận tin báo về vụ hỏa hoạn, Công an Hà Nội đã điều động 7 xe chuyên dụng từ các khu vực lân cận cùng hàng chục cảnh sát tới hiện trường dập lửa và hướng dẫn người dân từ các tầng di chuyển xuống đất để thoát nạn.
Tới khoảng 23h15, đám cháy được dập tắt, không gây thương vong.
Trao đổi với Zing, luật sư, tiến sĩ Nguyễn Thành Tô (Tạ Quang Huy & cộng sự, TP.HCM) cho rằng hành vi của Vũ đã phạm phải có thể bị xử phạt theo điều 178 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Luật sư Tô cho biết: "Tùy vào giá trị tài sản bị thiệt hại sau vụ cháy sẽ có các mức xử phạt khác nhau. Trường hợp giá trị tài sản thiệt hại dưới 2 triệu đồng sẽ chỉ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phá hoại tài sản. Điều này có nghĩa là mức độ xử lý không phụ thuộc hoàn toàn vào giá trị tài sản là bao nhiêu".
Khung hình phạt thấp nhất theo điều luật này là bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu giá trị thiệt hại về tài sản từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
Trường hợp giá trị tài sản bị thiệt hại dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp dưới đây, thì vẫn bị xử phạt: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là di vật, cổ vật.
Khung hình phạt thứ 2 cho tội này bị phạt tù 2-7 năm nếu người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 50-200 triệu đồng; Tài sản là bảo vật quốc gia; Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Để che giấu tội phạm khác; Vì lý do công vụ của người bị hại; Tái phạm nguy hiểm.
Khung hình phạt thứ 3, phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù 5-10 năm.
Khung hình phạt nặng nhất cho tội này có thể bị xử phạt 10-20 năm tù nếu phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Theo luật sư Tô, người có hành vi phá hoại tài sản của người khác ngoài bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại với tài sản mà hình đã phá hủy.
Tuệ Minh (tổng hợp)