Các chuyên gia đầu ngành khí tượng thủy văn thảo luận về bão số 4 trong đêm 27-9 - Ảnh: C.TUỆ
Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, bão Noru hình thành trên vùng biển phía đông Philippines, mạnh cấp siêu bão (cấp 16) trước khi đổ bộ vào Philippines ngày 25-9.
Sáng 26-9, bão suy giảm cường độ xuống cấp 12, giật cấp 15 và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 của Việt Nam.
Sáng 27-9, khi di chuyển tới khu vực phía Nam của quần đảo Hoàng Sa, bão mạnh lên cấp 14-15, giật trên cấp 17.
Khoảng thời gian 3h - 5h sáng 28-9, bão đổ bộ vào khu vực giữa Đà Nẵng - Quảng Nam.
"Như vậy với bão số 4, dự báo về hướng di chuyển, thời gian đổ bộ, khu vực đổ bộ là chính xác, với cường độ khi đổ bộ nhỏ hơn 1-2 cấp so với dự báo ban đầu" - Tổng cục Khí tượng thủy văn khẳng định và nhấn mạnh dự báo quỹ đạo và thời điểm bão ảnh hưởng trên đất liền phù hợp với thực tế.
Ảnh mây vệ tinh bão số 4 khi đổ bộ vào Đà Nẵng - Quảng Nam lúc 4h sáng 28-9 - Ảnh: NCHMF
Đối với cường độ bão, Tổng cục Khí tượng thủy văn khẳng định đây là một cơn bão có sự thay đổi rất nhanh, liên tục về cường độ, kể cả khi ở ngoài Philippines và trên Biển Đông. Có thời điểm khi ở ngoài Philippines, bão tăng 8 cấp trong vòng 24 tiếng.
Cường độ bão trên Biển Đông cũng thay đổi liên tục. Từ 5h - 12h ngày 26-9 bão mạnh cấp 12, từ 14h ngày 26-9 đến 5h ngày 27-9 bão mạnh cấp 14, giật cấp 16 và từ 8h - 23h ngày 27-9 bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17.
Các trung tâm dự báo bão quốc tế gồm Mỹ, Bắc Kinh, Hong Kong dự báo trên biển cường độ bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17, khi đổ bộ cấp 15-16, giật trên cấp 17; còn Nhật Bản dự báo khi đổ bộ cấp 14-15. Các dự báo của Mỹ, Bắc Kinh, Hong Kong luôn mạnh hơn Việt Nam 2-3 cấp; dự báo của Nhật mạnh hơn 1 cấp trên biển, mạnh hơn 2 cấp khi đổ bộ.
Dự báo của Việt Nam, khi bão ở ngoài Philippines, bão cấp 13-14 trên biển, cấp 12-13 khi vào gần bờ do có tác động của ma sát, địa hình.
Khi bão cách bờ biển Quảng Nam 100km, dựa trên quan trắc radar thời tiết, Việt Nam cập nhật đánh giá cường độ bão khi vào bờ cấp 11-12, giật cấp 14.
"So với diễn biến thực tế, dự báo quốc tế cao hơn 2-3 cấp khi trên Biển Đông, hơn 3-4 cấp khi đổ bộ vào đất liền. Dự báo của Việt Nam sát nhất, chính xác khi trên Biển Đông, thấp hơn 1-2 cấp khi bão vào đất liền" - Tổng cục Khí tượng thủy văn khẳng định.
Mưa lớn mở rộng ra phía Bắc
Về diễn biến tiếp theo của bão số 4, Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đang ở trên khu vực nam Lào.
Dự báo từ trưa và chiều ngày 28-9 không còn ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn trong ngày 28-9 ở khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Từ ngày 28 đến 30-9, ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hòa Bình có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa dự báo Quảng Bình, Hà Tĩnh 200-250mmn, có nơi trên 350mm; Nghệ An, Thanh Hóa 150-200mm, có nơi trên 300mm; khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hòa Bình 100-150mm.
Các sông ở Quảng Trị, sông Thu Bồn (Quảng Nam) lên mức báo động (BĐ)1 - BĐ2; sông Vu Gia (Quảng Nam) lên trên BĐ2; các sông ở Kon Tum lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, đặc biệt lưu ý các huyện Hướng Hóa, Đăk Rông (Quảng Trị), Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Kon Plong, Đắk Glei, Đắk Tô (Kon Tum).
TTO - Khác với TP Hội An nhà cửa yên ổn sau bão, nhiều hộ dân xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) bàng hoàng rơi nước mắt sau khi đi tránh bão số 4 trở về thì thấy ngôi nhà mình chỉ còn là đống hoang tàn.