Nhật Bản hiện là đối thủ của toàn cầu trong lĩnh vực laser công nghiệp - Ảnh: HAMAMATSU PHOTONICS
Vừa qua, Tập đoàn Hamamatsu Photonics mua lại Công ty NKT Photonics của Đan Mạch - một nhà sản xuất laser có "công nghệ sản xuất sợi tinh thể quang tử độc đáo cho laser USP khuếch đại và truyền dẫn sợi quang".
Với việc mua lại NKT Photonics, Hamamatsu Photonics có thêm các sản phẩm bao gồm: Laser ánh sáng trắng siêu điều khiển - được dùng làm nguồn sáng trong kính hiển vi và kiểm tra chất bán dẫn; Laser sợi quang đơn tần - được dùng để tạo ra các bẫy lạnh nguyên tử và ion trong tính toán lượng tử, cảm biến cũng như các ứng dụng khác; Laser sợi cực nhanh - hiện được sử dụng làm laser phẫu thuật trong nhãn khoa.
Giá mua lại NKT Photonics là 205 triệu euro (28,7 tỉ yên theo tỉ giá hối đoái hiện tại), theo thời báo Asia Times.
NKT Photonics hiện tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 70 triệu euro (khoảng 10 tỉ yen). Con số này tương đương với khoảng 5% tổng doanh số bán hàng hợp nhất của Hamamatsu Photonics và 15% doanh số bán dụng cụ công nghiệp laser của tập đoàn.
Mặt khác, Hamamatsu Photonics còn thành lập phòng thí nghiệm tại Viện Công nghệ Laser Fraunhofer của Đức.
Hamamatsu Photonics đang tranh thủ sự hỗ trợ của châu Âu để mở rộng dòng sản phẩm liên quan đến laser và phát triển công nghệ laser công nghiệp "có thể xử lý hầu như mọi vật liệu với độ chính xác cao nhất".
Hamamatsu Photonics có trụ sở chính tại tỉnh Shizuoka (Nhật). Tập đoàn này được biết đến nhiều nhất nhờ sự hợp tác với nhà khoa học đoạt giải Nobel Masatoshi Koshiba, dẫn đến việc xây dựng một trung tâm lớn nhất thế giới để nghiên cứu hạt nguyên tử neutrino đặt dưới lòng đất, tại tỉnh Gifu (Nhật Bản).
Các sản phẩm của tập đoàn được sử dụng trên toàn thế giới trong chẩn đoán y tế, kiểm tra chất bán dẫn và cắt lớp wafer, kiểm tra không phá hủy và tự động hóa nhà máy, vật lý năng lượng cao, kiểm tra thực phẩm, phân tích chất lượng nước và các ứng dụng khác, chưa kể những công nghệ laser thông qua NKT Photonics và Fraunhofer Institute.
Hamamatsu Photonics nhận được tài trợ cho phòng thí nghiệm mới trong Chương trình thúc đẩy và đổi mới chiến lược liên bộ do Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới của chính phủ Nhật Bản dẫn đầu. Đây là chương trình thúc đẩy R&D liên ngành từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng công nghiệp với sự hợp tác của các ngành công nghiệp, học viện và chính phủ.
Theo tạp chí Laser Focus World, trên toàn thế giới chỉ có hơn 20 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực laser xung siêu ngắn (USP). Hầu hết họ là công ty Âu Mỹ, một số ít đến từ Trung Quốc.
Với những hoạt động thâu tóm và hợp tác trên, Hamamatsu Photonics đang vươn lên hàng đầu thế giới trong lĩnh vực laser công nghiệp.
TTO - Vũ khí laser có khả năng che chắn một phần lớn lãnh thổ Nga khỏi tầm nhìn của các vệ tinh trên bầu trời.