Ngày 29-9, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử, tuyên phạt Quách Văn Hải (30 tuổi) 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng tội danh, tòa tuyên các bị cáo khác gồm Trần Hữu Sỹ (35 tuổi) và Trịnh Hải Nam (20 tuổi) mỗi người 10 năm tù, Đỗ Văn Chung (35 tuổi) 6 năm tù.
Các bị cáo tại tòa ngày 29-9. Ảnh: UYÊN TRANG |
Theo cáo trạng, nhóm bị cáo cư trú tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình - khu vực trồng và có nhiều người buôn bán hoa lan, nên am hiểu về loại cây này.
Biết lan đột biến có giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với lan thường, các bị cáo lập nhiều trang Facebook để quảng cáo có lan đột biến. Nhóm này tải các video, hình ảnh cây mẹ và lan đột biến gen thật từ mạng xã hội để đăng tải; đồng thời chụp ảnh các cây lan thường rồi nói đó là lan đột biến.
Mỗi khi có người hỏi mua, nhóm bị cáo viết giấy bảo hành đến khi cây con ra hoa, "nếu sai cây, sai hoa, sẽ thu mua theo đúng giá lan đột biến trên thị trường".
Tuy nhiên, quá trình giao dịch, các bị cáo dùng nhiều sim rác điện thoại để liên lạc với người mua và mượn tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ khách. Nhóm còn thuê, mượn địa chỉ để làm vườn, nói dối đây là nhà mình, kinh doanh chung với nhiều người.
Cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 9-2020 đến tháng 2-2021, bốn bị cáo đã lừa bán 37 cây lan đột biến dỏm cho bảy khách hàng, chiếm đoạt hơn 2,5 tỉ đồng.
Tính trung bình, mỗi cây có giá khoảng 68 triệu đồng, trong khi kết quả giám định tài sản cho thấy các cây lan này thực tế chỉ có giá 15.000 - 42.000 đồng/cây.
Trong số này, cây lan đắt nhất mà nhóm bị cáo bán cho một khách hàng với giá 87 triệu đồng, trong khi giá trị thực tế theo kết luận giám định chỉ là 42.000 đồng.
Tháng 3-2021, sau khi thực hiện được nhiều phi vụ, lo sợ bị phát hiện, nhóm bị cáo khóa tài khoản Facebook liên quan việc bán lan.
Tại tòa, các bị cáo khai phạm tội do hám lợi. Quách Văn Hải cho hay, để biết chính xác cây lan có phải loại đột biến hay không thì phải đợi hoa hoặc phải trực tiếp chăm sóc nuôi trồng cây mẹ, sau đó tách cây con từ cây mẹ ra để lấy giống cây lan đột biến gen.
Với các cây lan khi còn nhỏ, chưa ra hoa, sẽ có một số đặc điểm khá tương đồng, nếu không có kinh nghiệm sẽ khó phân biệt lan thường với lan đột biến gen. Đây chính là “kẽ hở” để các bị cáo lợi dụng.
Đáng chú ý, trong vụ án này, người bị lừa nhiều nhất là người đàn ông trú tỉnh Tuyên Quang. Người này mua tới 21 cây lan của nhóm bị cáo với giá 624 triệu đồng. Đến nay, người đàn ông mới được bồi thường 200 triệu đồng, tiếp tục yêu cầu trả hơn 400 triệu đồng còn lại.