Tiếp cận bằng năng lực và chất lượng sản phẩm
Là một trong những doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp điện tử, gần đây, một số doanh nghiệp FDI lớn đã tìm đến Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang để đặt hàng.
Ông Trần Bá Linh, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang, chia sẻ với Nhân dân: “Một số doanh nghiệp FDI đã tới công ty chúng tôi đánh giá cũng như kiểm tra, kiểm soát chất lượng đạt chất lượng và bắt đầu đặt hàng. Chúng tôi cũng cung cấp cho phía họ chứng nhận để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, logistics cũng là lĩnh vực đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng với các đối tác FDI.
Ông Mai Trần Thuật, Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions, Bee Logistics Group, chia sẻ, khi các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam. Đặc biệt, cùng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, các doanh nghiệp của EU đầu tư vào Việt Nam rất nhiều. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp logistics có thêm việc làm và doanh thu trong giai đoạn Covid-19.
“Bản thân các doanh nghiệp như Bee Logistics cũng đi trước đón đầu, hợp tác với các hãng lớn để làm thầu phụ cho họ, để gia tăng sự hiện diện của doanh nghiệp logistics Việt Nam với các doanh nghiệp của châu Âu”, ông Thuật nói. Việc tham gia các chuỗi cung ứng với doanh nghiệp nước ngoài được đánh giá là bước đi khôn ngoan của doanh nghiệp nội địa trong bối cảnh cả nguồn vốn và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam chưa thể đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp FDI.
Cùng với sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia về Việt Nam thì rất nhiều “ông lớn” trong ngành sản xuất, dịch vụ như Samsung, Panasonic, LG, Bosch, Marsk… Việt Nam đang tiếp tục tìm kiếm nhà cung cấp thiết bị phụ trợ tại Việt Nam. Điều đáng mừng các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đáp ứng tiêu chuẩn của những ông lớn này để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Riêng với lĩnh vực công nghiệp, theo đánh giá của Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, hiện Việt Nam chưa có doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt mang tính lan tỏa trong ngành công nghiệp. Tuy vậy, đến nay đã ghi nhận khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Cụ thể, trong ngành dệt may da giày: 64% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 3% cung cấp cho doanh nghiệp FDI), 9% xuất khẩu và 27% cung cấp cho cả hai thị trường; điện tử có 44% doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 22% cung cấp hoàn toàn cho FDI), 16% cung cấp cho thị trường xuất khẩu và 40% số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của ngành cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu…
Trao đổi với Công thương, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam Mary Tarnowka cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang chủ động gia tăng sử dụng nguồn cung ứng từ doanh nghiệp Việt Nam. Trong số 500 công ty Hoa Kỳ được khảo sát ý kiến, có đến 40% chọn và tính toán chọn doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam để bổ sung vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hỗ trợ tăng cường kết nối doanh nghiệp
Mặc dù các tập đoàn sản xuất lớn của thế giới hoạt động tại Việt Nam đang đẩy mạnh việc tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ để tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, hiện nay khả năng đáp ứng của doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế bởi những yêu cầu để tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp sản xuất đầu cuối rất khắt khe.
Bà Phạm Thị Quỳnh Hương, Công ty Source Of ASIA chia sẻ, nhà đầu tư nước ngoài sẽ yêu cầu cao về chất lượng và giá thành. Nếu như giá thành của doanh nghiệp không cạnh tranh được với các thị trường khác thì cũng rất khó để tiến sâu vào chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam đòi hỏi các yêu cầu về chứng chỉ mà chưa chắc doanh nghiệp Việt đã đáp ứng được ngay lập tức.
Nhận thấy hạn chế hiện nay trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt đang ngày càng cải thiện bằng việc đầu tư máy móc, quản trị cũng như cải tiến quy trình làm việc, nâng cao chất lượng sản phẩm, linh kiện. Tuy vậy quá trình này của doanh nghiệp lại đang vấp phải không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện Tp.Hồ Chí Minh, nêu thực trạng, nguồn lực của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa lớn. Mặc dù một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư nguồn lực, song số lượng vẫn quá ít so với nhu cầu của nền kinh tế hiện nay. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, nhà nước cần ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ, vì hiện nay những chính sách đối với ngành công nghiệp hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở cấp độ Nghị định, Thông tư.
Đồng thời, có thêm những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cụ thể như ưu đãi về thuế, ưu đãi tín dụng, hay các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Đặc biệt, nhà nước cần có quỹ đầu tư để phục vụ cho phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong thời gian 5 năm đầu tiên sau khi thành lập doanh nghiệp. Có các chính sách ưu đãi, khuyến khích hơn với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ áp dụng các kỹ thuật mới, có tính cạnh tranh hay có năng lực đáp ứng tốt với yêu cầu của thị trường.
Hiện Bộ Công Thương đã và đang tích cực hợp tác với cơ quan Chính phủ các nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh… ), các tổ chức quốc tế và một số tập đoàn đa quốc gia lớn (điển hình như Samsung) triển khai các dự án hợp tác nhằm cải tiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và tăng cường kết nối doanh nghiệp nội địa với các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Hương Anh (tổng hợp)