Theo kế hoạch, chủ trương dùng ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn sẽ được thực hiện từ năm học 2023 - 2024 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại hội thảo, ông Phạm Ngọc Thưởng tiết lộ phương án trích ngân sách mua sách giáo khoa (SGK) đưa vào thư viện trường học đã được Bộ GD-ĐT làm việc với Bộ Tài chính, sau khi thống nhất sẽ trình Chính phủ xem xét.
Theo đó, sẽ đầu tư một lần 3.500 tỉ đồng để đáp ứng khoảng 70% nhu cầu về SGK của học sinh cả nước. Sau đó, mỗi năm sẽ bổ sung khoảng 20%.
Triển khai từ năm học 2023 - 2024
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn nghiên cứu, tính toán và đề xuất nhiều phương án khác nhau, trong đó có phương án trích ngân sách mua đủ 100% nhu cầu hoặc 70% nhu cầu. Nhưng sau đó đã lựa chọn phương án đáp ứng 70% nhu cầu.
Số còn lại thuộc bộ phận người dân có điều kiện kinh tế ổn định, có thể tự mua sách cho con học.
Phương án được Bộ GD-ĐT thống nhất với Bộ Tài chính để trình lên Chính phủ. Trước đó, Chính phủ đã thống nhất giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua SGK phổ thông cho học sinh mượn sử dụng và triển khai ngay trong năm học 2022 - 2023.
Nhưng tại hội thảo trên, ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết không kịp thực hiện trong năm học này nên sẽ cố gắng để triển khai từ năm học 2023 - 2024.
Trao đổi ngoài phạm vi hội thảo về chủ trương trích ngân sách để mua SGK cho học sinh, thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng ở địa phương nào cũng có người có điều kiện khá giả, người có thu nhập trung bình và người nghèo.
Nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền mua hai bộ SGK cho con học (một bộ để ở trường, một bộ để ở nhà). Trong khi đó, lại có nhiều phụ huynh khó khăn với giá SGK mới quá cao. Vì thế, không nên áp dụng một giải pháp "cào bằng".
Ngân sách có thể dùng mua SGK cung cấp vào thư viện các nhà trường đáp ứng nhu cầu mượn sách của một bộ phận người nghèo không có tiền mua sách. Ngoài ra, các địa phương, nhà trường cũng cần chủ động có các hình thức quyên góp, vận động khác để có sách trong thư viện, đa dạng loại sách cho học sinh.
"Không nên khống chế doanh nghiệp làm sách đẹp, nhưng nên khuyến khích có thêm các bộ sách giá rẻ hơn phù hợp với túi tiền của người có thu nhập thấp. Ngân sách nhà nước có thể mua các bộ sách giá rẻ hơn đưa vào thư viện", thầy Khang bày tỏ.
Có quan điểm tương đồng, bà Lê Thị Hương, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị, cho rằng ngân sách nhà nước dùng mua sách chỉ nên hỗ trợ các trường miền núi, vùng khó khăn, bộ phận học sinh nghèo chứ không nên áp dụng chung cho tất cả học sinh sẽ lãng phí.
Theo bà Hương, nếu lựa chọn cách "chống lãng phí" thì ngành GD-ĐT phải khảo sát để tính toán nhu cầu thực sự cần của từng địa phương, từ đó có kế hoạch phân bổ ngân sách chi cho SGK chứ không thể chia đều gói ngân sách cho việc này.
Học sinh tham khảo sách giáo khoa trưng bày tại buổi hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa Việt Nam và các nước, sáng 29-9 - Ảnh: HÀ QUÂN
"Sách Việt Nam rẻ hơn nhiều nước"
Phát biểu tại buổi trưng bày sách bên lề hội thảo, ông Phạm Ngọc Thưởng nhận định "giá sách của ta quá rẻ so với các nước trong khu vực", khi so sánh SGK mới xuất bản (theo chương trình giáo dục phổ thông 2018) với SGK các nước trong khu vực và thế giới.
Ông Thưởng cũng cho rằng khi đã xã hội hóa làm SGK thì trách nhiệm của các nhà xuất bản phải giải trình, giải thích rõ cho xã hội về quy trình, chất lượng, các yếu tố cấu thành giá sách chứ không nên để bộ phải đứng ra giải thích thay như thời gian qua.
Ông Ngô Trần Ái, Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam, thì so sánh một cuốn truyện ngoài thị trường giá cao hơn một cuốn SGK cùng khổ, có độ dày, chất lượng giấy tương tự.
So với SGK các nước, giá sách của Việt Nam cũng thấp hơn. Ví dụ cùng số trang, in bốn màu tương tự, giá một cuốn của các nước trong khối ASEAN từ 100.000 - 200.000 đồng, còn của Nhật Bản, Hàn Quốc từ 200.000 - 300.000 đồng...
Tuy nhiên, vấn đề "giá sách" làm nóng dư luận thời gian qua không chỉ băn khoăn về các yếu tố cấu thành giá SGK xã hội hóa mà đề cập đến sự phù hợp giữa điều kiện kinh tế - xã hội, mức chi trả của người dân Việt Nam, nhất là bộ phận người nghèo ở các vùng đặc thù.
Nhiều nước trong khu vực và thế giới, học sinh không phải mua SGK mà sách cung ứng về các trường học cho phép học sinh mượn sử dụng.
SGK, sách tham khảo trong các tủ sách tại lớp học và thư viện trường rất đa dạng để giáo viên và học sinh có thể lựa chọn tùy theo môn học, tiết học để sử dụng như tài liệu bổ trợ. Điều này rất khác với việc ở Việt Nam, người dân phải bỏ tiền mua sách.
Tư liệu: VĨNH HÀ- Đồ họa: TUẤN ANH
Cần thực nghiệm, phản biện nội bộ nhiều hơn
Trao đổi về SGK mới (theo chương trình giáo dục phổ thông 2018), ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, thừa nhận những vấn đề còn nổi cộm, được dư luận đề cập cần phải được xem xét nghiêm túc để rút kinh nghiệm.
Ông Thành cho rằng tới đây, mong muốn các đơn vị biên soạn tăng thêm thời gian thực nghiệm, trong đó chú trọng thực nghiệm với các đối tượng học sinh khác nhau, vùng miền khác nhau.
Trong quá trình biên soạn, nhóm tác giả cần trao đổi nhiều hơn, chú trọng việc phản biện nội bộ để có sự thống nhất.
Giá sách giáo khoa Việt Nam qua các thời kỳ
Từ năm 1976, ngân sách nhà nước cấp kinh phí cho các lớp vỡ lòng, trường phổ thông và bổ túc văn hóa tập trung để tổ chức tủ SGK dùng chung cho học sinh mượn học tập. Sau này khi ngân sách nhà nước khó chi trả, việc phát hành sách được điều chỉnh theo hướng vừa bán lẻ cho học sinh dùng bên cạnh đó củng cố kho SGK trong thư viện.
Những năm 1990, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam - đơn vị độc quyền xuất bản SGK - được vay số tiền lớn của Ngân hàng Thế giới để tăng cường cho khâu làm bản thảo, in ấn, phát hành và trong 10 năm đầu không phải trả lãi, 30 năm tiếp theo chỉ phải trả lãi suất 0,06%/tháng.
Với ưu đãi này, giá SGK ở thập niên 1990 cho tới trước đợt thay sách lần thứ 4 (theo chương trình giáo dục phổ thông 2018) ở mức thấp.
Ở giai đoạn xã hội hóa SGK, những bất cập từ giá sách trở nên nóng bỏng khi nó được định giá gấp 3 - 4 lần so với giá cũ. Trong khi đa số người dân phải mua sách bằng tiền túi vì hệ thống thư viện trường học ở nhiều địa phương hoạt động không hiệu quả và cũng không có nguồn kinh phí mua SGK mới cho học sinh thuê, mượn.
Học sinh thích sách mới, phụ huynh hoài niệm
Sắp tới sẽ tính phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần, lâu dài - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại buổi trưng bày sách giáo khoa (SGK) Việt Nam và các nước trong khuôn khổ hội thảo, nhiều học sinh thích thú với những cuốn SGK các nước. Trong khi đó, nhiều phụ huynh lại muốn tìm lại ký ức với những cuốn SGK của Việt Nam qua các thời kỳ.
SGK Việt Nam tại buổi trưng bày xuất bản ở nhiều thời kỳ, gắn với các mốc thời gian thay sách là 1956, 1976, 2002, 2020. Phần lớn các cuốn sách thời kỳ trước năm 2000 đều có khổ nhỏ, giấy đen và in đen trắng, ít hình ảnh.
Tuy nhiên những cái tên như "Học vần" hay "Học tính" ở lớp 1 dễ "gây thương nhớ" đối với nhiều người từng có tuổi thơ gắn với thời kỳ này. Nhiều bài tập đọc trong các cuốn học vần giàu cảm xúc, dễ đi vào lòng người so với sách hiện hành.
Nhưng với dụng ý của người tổ chức, có thể thấy rõ sự khác biệt lớn giữa SGK các thời kỳ trước với SGK của chương trình giáo dục phổ thông mới về hình thức (khổ sách, giấy, màu sắc, trình bày kênh hình, kênh chữ).
Sách mới của Việt Nam với hình thức đẹp "đỡ tủi thân" hơn so với những cuốn SGK của Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Mỹ, Anh... trưng bày tại đây.
Một thú vị khác là trưng bày cũng cho thấy các nước có nhiều môn học "lạ" so với Việt Nam, như sách "Kim chỉ nam đời sống" cho học sinh tiểu học Hàn Quốc, "Khoa học về cuộc sống và Trái đất", "Văn học và Triết học" cho học sinh THPT của Pháp...
Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Độ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng trưng bày SGK Việt Nam và các nước cũng để phụ huynh, học sinh và người dân có sự so sánh để thấy Việt Nam cố gắng tiệm cận với cách biên soạn, xuất bản SGK với các nước trong khu vực.
Cụ thể về nội dung, hình thức, cả về khổ sách, độ dày, kênh hình, kênh chữ. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng xu thế biên soạn SGK sau khi xã hội hóa khâu biên soạn, xuất bản đi đúng hướng thế giới.
Tuy nhiên có một vấn đề khác biệt giữa Việt Nam và thế giới và khu vực đã không được lãnh đạo bộ nhắc đến. Đó là cách sử dụng sách trong các nhà trường, cách dạy học của nhiều nước rất khác Việt Nam. Học sinh các nước không phải mua và mang những cuốn sách dày vài trăm trang đến trường hằng ngày.
Sách có trong thư viện, tủ sách ở mỗi lớp để thầy, trò sử dụng tham khảo, học tập theo yêu cầu của giáo viên trong các tiết dạy. Giáo viên dạy theo bài giảng thiết kế của mình và tuân thủ theo chương trình chứ không sử dụng SGK như "giáo án" để cố dạy đúng, dạy đủ, tuần tự như sách trình bày.
Khác biệt đó khiến cho học sinh không bị áp lực, quá tải và xảy ra vô vàn bất cập như thực trạng ở Việt Nam.
TTO - Ngày 29-9, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết đang đề xuất phương án trích ngân sách mua sách giáo khoa đáp ứng 70% nhu cầu học sinh.