Dinh Tham biện xưa - Ảnh tư liệu
Ngày nay, đô thị Gò Công đã phát triển nhưng dấu xưa vẫn còn dù trải nhiều thăng trầm lịch sử chiến tranh, ly loạn, đói kém...
Năm 1993, lần đầu tiên tôi đến Gò Công. Ngày đó, thị xã này không còn vai trò trung tâm tỉnh lỵ, chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện của Tiền Giang. Những ngày loanh quanh ở thị xã, tôi choáng ngợp trước những khu phố cổ kính nhỏ hẹp được chia ô như bàn cờ, những dinh thự xưa cũ đồ sộ, những mái ngói rêu phong theo dấu thời gian của một đô thị cổ kính.
Thăng trầm theo vận nước
Hơn 10 năm sau, nhiều lần tới lui tôi vẫn thấy thị xã Gò Công yên bình đến nao lòng. Nhưng thật bất ngờ, hai năm 2006-2007, đô thị cổ "lên cơn sốt" xây dựng nhà cửa, mua bán đất đai.
Hôm 27-4-2022, sau khi chính quyền tỉnh Tiền Giang công bố vào năm 2025 thị xã Gò Công sẽ trở thành thành phố, những người am hiểu cho rằng phải mất đến 137 năm đô thị cổ xưa này mới được trả lại đúng vị trí. Thạc sĩ Lê Ái Siêm (chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử Tiền Giang, cựu giám đốc Bảo tàng Tiền Giang) cho biết thị xã Gò Công ngày nay là sự hợp nhất của hai làng Thuận Tắc và Thuận Ngãi xưa (thuộc tổng Hòa Lạc Hạ, huyện Tân Hòa, phủ Tân An, tỉnh Gia Định) để trở thành "Làng thành phố" đầu tiên của xứ Nam Kỳ lục tỉnh từ thế kỷ 19.
Lần giở sử cũ, 265 năm trước, năm 1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát có được đất Lôi Lạp. Đất Lôi Lạp xưa, nay là vùng bán đảo Gò Công (thời vua Minh Mạng gọi là Khổng Tước Nguyên - gò chim Công) của tỉnh Tiền Giang, bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và huyện cù lao Tân Phú Đông giữa sông Tiền. Theo các nhà nghiên cứu về Gò Công, năm 1852 dưới thời Vua Tự Đức, huyện lỵ Tân Hòa (trấn Gia Định) đóng ở thôn Thuận Tắc, thuộc tổng Hòa Lạc Hạ (nay là thị xã Gò Công).
Thời gian này, thôn Thuận Tắc thu hút nhiều quan chức, địa chủ, nhà giàu có đến sinh sống, làm nhà cửa, cùng với người Hoa hình thành phố xá buôn bán, xây dựng chợ Gò Công nhộn nhịp, sầm uất nhất vùng. Sau năm 1862, làng Thuận Tắc trở thành trung tâm kinh tế, hành chánh của chính quyền thuộc địa và người Pháp bắt đầu quy hoạch đô thị.
Ngày 31-3-1885, Tham biện Gò Công ban hành nghị định "sáp nhập các làng các cấp trong địa hạt", quy định làng Thuận Tắc và làng Thuận Ngãi nhập thành một làng, lấy tên là Làng thành phố. Từ đó, người dân thường gọi là thành phố Gò Công, trở thành trung tâm hành chính của tỉnh Gò Công.
Thuở ấy, Làng thành phố có những khu phố nhỏ hẹp và ngắn như bàn cờ, những dãy phố mái lợp ngói âm dương, những tiệm buôn có bảng hiệu chữ Hoa liền kề. Ngoài các khu buôn bán, đô thị Gò Công lúc đó còn có những hội quán của người Hoa, công sở của chính quyền thuộc địa mang kiến trúc phương Tây, những dãy nhà phố, nhà vườn, nhà kho, lẫm lúa, lăng mộ, chợ, nhà thờ, hồ nước... tạo nên cảnh quan đặc biệt với những nét rất riêng.
Trải qua hơn trăm năm từ thời nhà Nguyễn đến thời Pháp thuộc, đô thị Gò Công xưa (gồm hai làng Thuận Tắc, Thuận Ngãi) luôn giữ vai trò trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của đất Gò Công. Sau năm 1900, khi Gò Công trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh, tỉnh lỵ Gò Công vẫn đặt tại Làng thành phố.
Trong thời gian từ năm 1913 đến trước năm 1976, đất Gò Công trải qua nhiều thăng trầm, có lúc trở thành một quận của tỉnh Mỹ Tho (1913-1924), rồi quận thuộc tỉnh Định Tường (1956-1963). Trong thời gian xáo trộn đơn vị hành chính, tháng 4-1955 chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũ thành lập quận Châu Thành của tỉnh Gò Công, quận lỵ vẫn đặt tại Làng thành phố.
Sau năm 1956, khi tỉnh Gò Công bị sáp nhập vào tỉnh Định Tường, quận Châu Thành đổi tên thành quận Gò Công. Làng thành phố vẫn là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của quận Gò Công, nhưng đổi tên thành xã Long Thuận, sau khi chính quyền sáp nhập thêm một phần đất của xã Long Chánh.
Đến năm 1965, tỉnh Gò Công được tái lập, tỉnh lỵ vẫn đặt tại xã Long Thuận. Tháng 2-1976, tỉnh Gò Công hợp nhất với tỉnh Mỹ Tho và thành phố Mỹ Tho để trở thành tỉnh Tiền Giang. Sau đó, đô thị Gò Công xưa trở thành thị xã cho đến ngày nay.
Ao Trường đua ngày nay - Ảnh: HÙNG ANH
Dấu xưa còn lại chút này
Những ngày ở thị xã Gò Công, tôi cố tìm lại những dấu tích xưa của Làng thành phố, nhưng khắp nơi chỉ nhìn thấy phố xá hào nhoáng, những cửa hàng, hiệu buôn hiện đại. Tôi hỏi thăm vài người trung niên tình cờ gặp về những đường phố xưa cũ như: Chủ sự Thiều, Chủ Phước, Pétrus Ký, Tổng Thứ, đại lộ Phạm Đăng Hưng... nhưng ai cũng lắc đầu.
Theo các nhà nghiên cứu về Gò Công, dấu tích cổ xưa của Làng thành phố nay còn lại không nhiều. Tiêu biểu nhất là dinh Tham biện (sau là dinh Tỉnh trưởng Gò Công) và ao Trường đua. Những dãy nhà phố, hiệu buôn cổ ngày nay hầu như không còn, được thay bằng những căn nhà phố hiện đại, cao tầng.
Nhà giáo ưu tú, nhà nghiên cứu về Gò Công, cụ Phan Thanh Sắc (sinh năm 1936), cho biết dinh Tham biện được người Pháp xây dựng năm 1885, toàn bộ vật liệu như gạch, ngói, sắt thép... đều chở từ Pháp quốc sang.
"Trong thời gian 100 năm, dinh Tham biện được sử dụng làm công sở của chính quyền. Đến năm 1985, Sở Tạo tác thuộc Hải quân Pháp có gửi văn bản cho chính quyền tỉnh Gò Công cũ, yêu cầu ngưng sử dụng tòa nhà vì... hết hạn sử dụng. Chính tôi là người dịch văn bản đó cho chính quyền. Từ đó đến nay, dinh Tham biện bị bỏ trống, hư hỏng xuống cấp nặng, không ai dám vào. Thật ra, theo tôi biết có thời điểm chính quyền Pháp đề nghị trùng tu dinh thự này nhưng không thành, thật tiếc", cụ Sắc cho hay.
Riêng ao Trường đua, trong tác phẩm khảo cứu Gò Công xưa và nay, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh viết như sau: "Nói trường đua cho oai chớ thực sự chỉ là một bờ đất chạy vòng tròn, chu vi khoảng 3.000 thước, bề rộng 5 thước... chính giữa có đào cái ao hình vuông mỗi phía 100 thước để chứa nước mưa cho dân chúng trong vùng sử dụng".
Theo các tài liệu về Gò Công, ao Trường đua được người Pháp cho đào cuối thế kỷ 19, dùng để trữ nước mưa. Sau khi đào ao, người Pháp cho đắp đường đất quanh ao và dựng một khán đài lớn ở đường Tổng Thứ (nay là đường Nguyễn Huệ), tổ chức đua ngựa vào các dịp lễ tết và ngày Quốc khánh Pháp 14-7, nên có tên gọi là ao Trường đua.
Nơi đây, đầu năm 1917 người Pháp đã tổ chức cuộc đua xe đạp đầu tiên ở Gò Công. Vận động viên là nhân viên giao bưu của các trạm bưu điện trong vùng. Ngày nay, ao Trường đua được chính quyền xây dựng bờ kè, xung quanh ao cải tạo thành khu công viên khang trang để người dân có nơi nghỉ ngơi hóng mát, tập thể dục sớm chiều...
Ngoài hai di tích dinh Tham biện và ao Trường đua, một vài dinh thự của các bậc quyền quý ngày xưa tại Làng thành phố nay đã trở thành công sở, nổi tiếng nhất là dinh thự của bà Tư Nói và bà Hầu Sanh...
******************
>> Kỳ tới: Nữ hào phú Gò Công
Gò Công là đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng giàu có với những tên tuổi như ông Phủ Khiêm, Huyện Đậu, Huyện Hiếu, Hội đồng Hạc, Đốc phủ Hải... Nhưng các đại gia này đều chịu lép vế trước hai nữ hào phú được cho là chiếm hai vị trí giàu nhất nhì xứ Gò Công.
TTO - Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, duyên nợ với Gò Công đã hơn 20 năm và cũng ngần ấy năm trời đi về, vậy mà xem chừng tôi vẫn chưa đi hết mọi ngóc ngách nơi đây.