Ngày 30/9, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với chủ đề "Những định hướng chính sách lớn về đảm bảo quyền của người sử dụng đất".
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai Đại học Luật nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đất đai cần quan tâm đúng mức đến việc bảo về quyền sử dụng đất cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Theo đó, bà Nga cho rằng đồng bảo dân tộc thiểu số là đối tượng cần được chú ý tới nhất, trong đó vấn đề quan trọng là việc quy hoạch sử dụng đất.
“Hiện nay hầu hết quỹ đất đều đã có chủ. Ngay như việc nhà nước lấy đất của để sử dụng vào mục đích vì lợi ích quốc gia, công cộng và vì lợi ích của các nhà đầu tư thì việc trích ra lợi nhuận để bồi thường cho đồng bào dân tộc thiểu số đã rất khó khăn.
Vậy thì việc nhà nước lấy đất của các đối tượng khác để điều chuyển cho đồng bảo dân tộc thiểu số sẽ càng khó khăn nếu như quỹ đất này không được tính toán ngay trong quy hoạch ban đầu. Và khi đó quyền cũng chỉ dừng lại ở trên trang giấy mà không thể đảm bảo được trên thực tế”, PGS.TS Nguyễn Thị Nga nhận định.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng cần giải quyết vấn đề do lịch sử để lại, cụ thể là nguồn đất của các nông lâm trường, các trang trại, xí nghiệp quốc doanh ở các giai đoạn trước được nhà nước giao khoán đất cho các hộ gia đình nhưng chưa có cơ chế để giải quyết cụ thể.
Theo đó, nếu đối tượng được giao sử dụng đất để phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo dự án 327 của Chính phủ bằng nguồn vốn ngân sách thì vấn đề quyền sử dụng đất phải trả về cho Nhà nước và ở địa phương phải có cơ chế để kiểm soát, quản lý một cách chặt chẽ để không diễn ra tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số lấn chiếm, sử dụng một cách lâu dài ổn định trên phần đất đó.
“Trong thực tế, tôi có hỗ trợ thực hiện 3 dự án ở tỉnh Sơn La, trong đó có những dự án mà trong tổng số gần 650ha đất có đến hơn 200ha đất mà các hộ gia đình đồng bảo dân tộc thiểu số lấn chiếm, sử dụng trái phép không rất khó để giải quyết vì thực tế cũng không có quỹ đất để điều chuyển họ đến chỗ khác”, bà Nga nêu vấn đề.
Do đó, bà Nga nhấn mạnh cần có một “cuộc cách mạng” để giải quyết các vấn đề lịch sử để lịch.
Đối tượng thứ hai cần quan tâm trong vấn đề đảm bảo quyền sử dụng đất được bà Nga nêu là đất sản xuất cho hộ gia đình mà chủ yếu là đất trồng lúa.
“Quy định hiện nay thu hồi đất sẽ được bồi thường bằng đất hoặc bằng tiền tuy nhiên dường như bồi thường đất bằng đất là không có, đó là một quy định trên giấy vì thực tế làm gì còn quỹ đất nông nghiệp để bồi thường.
Thế nên hầu như là bồi thường bằng tiền. Nhưng như chúng ta biết bồi thường bằng tiền thì rất rẻ, không tương xứng với giá trị đất. Bởi người ta không giao dịch đất nông nghiệp thì lấy đâu ra bảng so sánh giá thực tế trên thị trường để làm mức tối thiểu trong bồi thường mà lại quay lại sử dụng mức giá đất mà tỉnh đã ban hành”, bà Nga nêu thực tế.
Do đó, chuyên gia này tiếp tục nhấn mạnh phải có quy hoạch tốt, nếu đã quy hoạch đất để sản xuất nông nghiệp thì phải có chính sách bảo vệ quyền sử dụng đất của người dân ở mức độ nhất định, phải giữ đất để người nông dân sản xuất.
Đặc biệt bà Nga cho rằng rất cần thiết phải quan tâm đến một chủ thể, đó là các doanh nghiệp đang sử dụng đất.
“Hiện nay xuất hiện thêm khái niệm đất có mục đích sử dụng hỗn hợp. Ở đây, chúng ta cần phân định rất rõ câu chuyện này nếu không sẽ dẫn đến việc nhà nước thất thoát, lợi dụng đất có mục đích công cộng, phát triển kinh tế xã hội để phát triển các dự án vì lợi nhuận đơn thuần của doanh nghiệp”, theo đó bà Nga cho rằng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn chưa làm rõ được vấn đề này.
Do đó, bà Nga cho rằng không thể thu hồi đất của tất cả người dân bằng mệnh lệnh hành chính mà cần có sự tách bạch rõ ràng từ mục đích sử dụng đất. Nếu dự án nào thực sự vì mục đích công cộng, vì quốc phòng an ninh thì nhà nước phải thu hồi bằng cơ chế hành chính.
Còn đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và ngay cả các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ về mặt tài chính thì cần thỏa thuận với đối tượng bị thu hồi đất theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng nhấn mạnh việc đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư trong việc thu hồi đất.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp sau khi đã đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng trên đất nhưng sau đó địa phương thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất khiến doanh nghiệp bị thu hồi phần đất đang sử dụng và gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích đầu tư, kinh doanh.
Bên cạnh đó, là vấn đề quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay cũng đang có nhiều vướng mắc.
Theo bà Nga, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quan tâm bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước cũng như của các nhà đầu tư.
Để khắc phục tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Thị Nga cho rằng trước hết cần làm tốt khâu quy hoạch ngay từ đầu trong đó nghiên cứu dành quỹ đất ổn định, lâu dài cho việc phát triển các hoạt động kinh doanh, đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng bị thu hồi đất do thay đổi quy hoạch.
“Đối với các doanh nghiệp mà bị thu hồi đất vì bị thay đổi quy hoạch, làm dự án phát triển, khu công nghiệp thì những đối tượng đó cần được ưu tiên tiếp tục sử dụng phần đất đó nếu doanh nghiệp có đủ năng lực, có nhu cầu và sẵn sàng chuyển đổi mục đích đầu tư thay vì mời gọi chủ thể khác vào sử dụng phần đất đó”, bà Nga đề xuất.