Toàn cảnh hội thảo “Ung thư và miễn dịch” do Bệnh viện K phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam tổ chức ngày 30-9 - Ảnh: D.LIỄU
Đây là chia sẻ của PGS.TS Phạm Văn Bình - phó giám đốc Bệnh viện K tại hội thảo "Ung thư và miễn dịch" do Bệnh viện K phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam tổ chức ngày 30-9.
Xu hướng mắc bệnh ung thư gia tăng
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có gần 20 triệu trường hợp mắc ung thư mới và trên 10 triệu ca tử vong vì căn bệnh này, trong đó 2/3 là ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam năm 2018 có 165 ngàn trường hợp mắc mới ung thư, đến năm 2020 ghi nhận 182 ngàn người mắc và tử vong là 122.690 trường hợp. Hiện nay, Việt Nam có hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư.
Xu hướng mắc bệnh không ngừng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm chẩn đoán và điều trị nhưng nhiều bệnh nhân ung thư vẫn đến ở giai đoạn muộn, việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Ông Bình cho hay tùy từng loại bệnh ung thư. Ở giai đoạn sớm của bệnh có thể điều trị bằng phẫu thuật triệt căn và 60% bệnh nhân ung thư có thể can thiệp ngoại khoa. Trong số ca mắc ung thư mới, 1/3 trong số đó nếu biết phòng bệnh có thể không mắc ung thư; 1/3 nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hẳn; 1/3 bệnh nhân còn lại phát hiện bệnh ở giai đoạn tiến triển.
Cũng theo ông Bình, nghiên cứu về sự phát sinh cũng như ca mới mắc cho thấy, yếu tố về mặt dịch tễ học, địa dư là yếu tố khiến tỉ lệ mắc các loại ung thư có khác biệt giữa các quốc gia, vùng miền.
"Việt Nam nằm trong nhóm nước đang phát triển, mô hình bệnh tật nói chung, ung thư nói riêng có đặc điểm khác với các nước phát triển. Tỉ lệ mắc ung thư còn liên quan đến tỉ lệ tiêm vắc xin (HPV với ung thư cổ tử cung, vắc xin viêm gan B, C với ung thư gan…). Ngoài ra còn do thói quen, lối sống. Với từng loại bệnh, ung thư có thay đổi về chủng tộc, địa lý đặc biệt chế đô ăn, môi trường sống.
Hiện có nhiều biện pháp điều trị ung thư nhưng việc phát hiện và sàng lọc sớm vẫn là phương pháp rất quan trọng, giúp 1/3 số bệnh nhân có cơ hội được điều trị sớm, hiệu quả cao hơn", ông Bình nói.
Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư
Theo ông Bình, ung thư là vấn đề thách thức đối với nhân loại. Hiện nay, để mang lại hiệu quả tối ưu trong điều trị các bệnh lý ung thư, các chuyên gia vẫn khẳng định phải kết hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, miễn dịch… Nếu chỉ áp dụng một phương pháp riêng lẻ thì rất khó đạt được kết quả tối ưu trong điều trị ung thư.
Trong số các phương pháp kết hợp trên, miễn dịch đang là phương pháp có nhiều hứa hẹn trong tương lai đối với bệnh nhân ung thư. Đây là hướng mở ra cánh cửa mới trong điều trị ung thư.
PGS.TS Phạm Văn Bình - phó giám đốc Bệnh viện K - chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo - Ảnh: D.LIỄU
Bệnh viện K đã áp dụng điều trị miễn dịch cho nhiều loại ung thư như ung thư vú, đại trực tràng, phổi, ung thư tiền liệt tuyến… và một số lĩnh vực thần kinh, nhi khoa.
"Hiểu rõ về cơ chế miễn dịch trong điều trị ung thư giúp người thầy thuốc cá thể hóa trên từng trường hợp cụ thể, hiểu rõ bản chất các đột biến gene, các thay đổi ức chế, dấu ấn miễn dịch, mở ra cánh cửa mới trong điều trị ung thư.
Hiệu quả bước đầu khi áp dụng phương pháp này trong điều trị bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K cho thấy nhiều triển vọng, tỉ lệ cao bệnh nhân sống lâu hơn cũng như tỉ lệ tái phát, di căn giảm", ông Bình cho hay.
Hội thảo "Ung thư và miễn dịch" với sự tham gia của gần 500 chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Ả Rập, Pakistan…Tại hội thảo, các chuyên gia cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ nhằm cung cấp các kiến thức, các kết quả tích cực của liệu pháp miễn dịch trong nhiều loại ung thư đơn trị hoặc phối hợp.
TTO - Bệnh viện K thông tin ung thư tuyến giáp có xu hướng ngày càng trẻ hóa, không ít trường hợp người dưới 30 tuổi đã phát hiện mắc bệnh này. Hiện bệnh viện đã ứng dụng phẫu thuật robot cắt tuyến giáp, đảm bảo hiệu quả và thẩm mỹ cho người bệnh.