Đường Cách Mạng Tháng Tám nơi có tuyến metro số 2 đi qua - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cơ bản thống nhất phương án phân luồng giao thông phục vụ thi công di dời - tái lập các công trình hạ tầng kỹ thuật (thoát nước, cấp nước, điện lực, viễn thông) thuộc dự án metro số 2 tại hai đoạn đào hở và 10 nhà ga theo như đề xuất của chủ đầu tư.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết việc khởi công di dời hạ tầng kỹ thuật cho dự án metro số 2 sẽ được thực hiện vào cuối năm nay.
Tại phương án phân luồng, Sở Giao thông vận tải TP đề nghị chủ đầu tư xây dựng kế hoạch điều phối thi công tổng thể và đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật tại từng vị trí nhà ga, đoạn đào hở. Việc này nhằm rút ngắn thời gian thực hiện, tránh tình trạng đào và tái lập nhiều lần gây bức xúc dư luận.
Dự án metro số 2 dài khoảng 11km đi qua sáu quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Đặc biệt, dọc tuyến có những vị trí thường xảy ra tình hình giao thông phức tạp như vòng xoay Công trường Dân Chủ (quận 3), ngã tư Bảy Hiền, giao lộ Trường Chinh và Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Bình)...
Do đó, Sở Giao thông vận tải TP đề nghị chủ đầu tư không triển khai thi công đồng loạt tất cả các vị trí rào chắn và có kế hoạch tổ chức phân đoạn thi công hợp lý, tránh xảy ra ùn tắc. Thời gian rào chắn để thi công tất cả các vị trí từ 22h đến 5h sáng hôm sau. Ngoài thời gian nêu trên, đơn vị liên quan phải thu dọn rào chắn và lắp đặt tấm thép có gờ tạo nhám để tạo thuận lợi cho người dân đi lại.
Đối với các vị trí băng ngang đường phải thi công, tái lập xong từng phân đoạn mới được chuyển sang phân đoạn tiếp theo. Lúc thi công phải bố trí lực lượng điều tiết 24/24 giờ, không để xảy ra ùn tắc giao thông.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng kẹt xe, Sở Giao thông vận tải TP đề nghị Công an TP và các quận nơi có dự án đi qua chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ tăng cường lực lượng điều tiết tại các vị trí, giao lộ có nguy cơ ùn tắc.
Metro số 2 có tổng mức đầu tư hơn 47.890 tỉ đồng, được phê duyệt thời gian hoàn thành năm 2026 nhưng đến nay lùi đến năm 2030. Mới đây, trong báo cáo gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM cho biết đã chỉ đạo các quận có dự án đi qua phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư trong quý 3 năm nay.
Các sở ngành phải hoàn thành di dời toàn bộ công trình hạ tầng kỹ thuật trong năm 2024 để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu chính thi công trong năm 2025.
TTO - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề nghị TP.HCM bổ sung, làm rõ một số nội dung điều chỉnh dự án metro Bến Thành - Tham Lương, trong đó có việc phát sinh chi phí do kéo dài thời hạn giải ngân, gia hạn hợp đồng vay vốn.
Xem thêm: mth.60992116103902202-tauht-yk-gnat-ah-iod-id-ed-gnoul-nahp-na-gnouhp-mch-pt-2-os-ortem/nv.ertiout