Ngày 31-8, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc tổ chức Khmer Kampuchea Krom vu cáo bịa đặt về tình hình người Khmer trong nước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định đồng bào Khmer là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, chung sống bình đẳng và hòa hợp, cùng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc suốt chiều dài lịch sử của đất nước.
Đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh vì lẽ đó các dân tộc Việt Nam đều được đối xử bình đẳng. Nhà nước Việt Nam bảo đảm và tạo điều kiện phát triển về mọi mặt nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp, đóng góp củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Đồng bào dân tộc Khmer ở nước ta sinh sống lâu đời trên vùng đất Tây Nam Bộ. Theo số liệu do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp cùng Ủy ban Dân tộc thực hiện, dân tộc Khmer có 1.319.652 người, với khoảng 330.000 hộ gia đình, sinh sống tập trung chủ yếu ở 488/691 xã, phường, thị trấn vùng Tây Nam Bộ.
Trong các địa phương vùng Tây Nam Bộ, đồng bào Khmer sinh sống tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Tây như Sóc Trăng (hơn 404.000 người), Trà Vinh (hơn 328.000 người), Kiên Giang (khoảng 238.000 người)...
Cái gọi là "bản đồ tiêu chuẩn năm 2023" mà Trung Quốc vừa công bố đã ngang nhiên thể hiện đường đứt đoạn và bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Do đó xâm phạm chủ quyền Việt Nam và vô giá trị.