Người dân Berlin hiện không có đủ nhà để thuê, và việc này đã gây ra hệ quả sâu sắc ở một thành phố có tới 84% hộ gia đình phải thuê nhà.
Sau khi bị chủ nhà đuổi ra khỏi căn hộ ở Berlin vào mùa hè năm 2022, Fabian Missbrenner, nghiên cứu sinh tiến sĩ 33 tuổi đến từ vùng Tây Bắc nước Đức đã gửi hàng chục yêu cầu đến các sàn giao dịch bất động sản nhưng không có kết quả.
Missbrenner từng tham gia các buổi đi xem nhà, nơi 50 người chen chúc tranh nhau thuê một căn hộ nhỏ. Vì vậy việc tìm một nơi ở là một trải nghiệm “rất căng thẳng”, anh nói.
Chính quyền Berlin đã áp dụng chính sách nhằm hạn chế áp lực lên những người cần nhà thuê ở thủ đô nước này: giới hạn tăng tiền thuê nhà.
Đây là nỗ lực ngắn hạn nhằm áp đặt trần tiền thuê nhà và quyền của người thuê tương đối mạnh mẽ, giúp đảm bảo chỗ ở rộng rãi và giá rẻ cho một số người thuê nhà lâu năm, dài hạn.
Tuy nhiên, họ đã thất bại trong việc ngăn chặn chi phí tăng cao và sự cạnh tranh khốc liệt giữa những người mới đến và những người buộc phải di chuyển theo công việc.
Thủ đô Berlin, nơi từng được thị trường nhà đất tự hào là "thành phố nghèo nhưng quyến rũ", từ lâu đã coi mình là thiên đường cho giới văn nghệ sĩ và những người cấp tiến, những người bị thu hút một phần do tình trạng dư thừa nhà ở giá rẻ sau khi bức tường Berlin sụp đổ và dân số giảm bớt thay vì tăng trưởng.
Xu hướng đó đã đảo ngược trong thập kỷ qua, khi thành phố chứng kiến làn sóng người mới đến, từ dân công nghệ đến nhân viên y tế cùng làn sóng người tị nạn, bao gồm cả Ukraine.
Dân số Berlin tăng từ khoảng 3,4 triệu người năm 2012 lên 3,8 triệu người vào năm 2022. Và theo Công ty kiểm toán Deloitte, việc xây dựng nhà không đủ khiến chi phí cho thuê tăng gấp đôi từ năm 2018-2021, từ mức trung bình 7,30 euro/m2 lên đến 14,30 euro/m2.
Ở một số khu vực, chẳng hạn các khu thời trang Friedrichshain và Kreuzberg, giá thuê trung bình thậm chí tăng gấp 3.
Ông Konstantin Kholodilin, chuyên gia về nhà ở tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức, cho biết gần đây giá bán nhà ở Đức giảm nhưng không giúp giảm bớt tình trạng thuê đang rất căng thẳng.
“Dân số ngày càng tăng và điều này đồng nghĩa với việc nó đang đẩy nhu cầu về nhà ở tăng cao và giá thuê nhà ngày càng tăng", ông nói.
Giống như ở nhiều thành phố toàn cầu ở châu Âu, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý để thoát cảnh tranh giành nhà thuê, chỉ có giải pháp xây dựng nhiều nhà hơn, bao gồm cả nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, chính phủ liên bang không đạt được mục tiêu xây dựng 400.000 ngôi nhà mới mỗi năm. Năm 2022, chỉ có 295.000 ngôi nhà được xây dựng.
Theo ông Reiner Braun của Empirica, một công ty tư vấn bất động sản, sự thiếu hụt đó ngày càng trở nên tồi tệ khi lạm phát và lãi suất cao hơn đẩy chi phí xây dựng lên cao.
Chi phí xây dựng tăng nhanh và hiện đã tăng gấp đôi so với lạm phát.
Đà giảm giá bất động sản tại Đức đã gây sức ép ngày càng lớn lên các công ty bất động sản nhưng không hỗ trợ được thị trường nhà đất đang gặp khó khăn.