Trong cuộc làm việc vào cuối tháng 4/2023 với Ban thường vụ Thành ủy Phổ Yên, bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đã chỉ đạo trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Phổ Yên cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trong quy hoạch để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghiệp sạch tại các khu, cụm công nghiệp.
Do đó, bà Nguyễn Thanh Hải đặc biệt nhấn mạnh: "Đường lớn đã mở, Phổ Yên cần tăng tốc, tạo bứt phá hơn nữa để sớm hiện thực hóa khát vọng trở thành đô thị loại II vào năm 2025, hướng tới đô thị loại I vào năm 2030”.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố Phổ Yên sẽ tập trung cải tạo chỉnh trang đô thị, chỉnh trang kiến trúc các khu dân cư, khu đô thị, bổ sung hoàn thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị, công viên cây xanh, không gian hoạt động công cộng... đảm bảo đạt tiêu chuẩn đô thị loại II.
Theo báo cáo của UBND thành phố Phổ Yên, sau khi được công nhận là đô thị loại III (đầu năm 2022), kinh tế thành phố Phổ Yên luôn tăng trưởng ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, thu hút đầu tư đạt kết quả tốt.
Năm 2022 vừa qua, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm trên 92% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Thái Nguyên; kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 30,83 tỷ USD, chiếm cơ bản giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 345 triệu đồng/người, thu nhập bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng/năm; thu ngân sách đạt 2.500 tỷ đồng, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng đồng bộ, nhiều công trình, dự án trọng điểm được xây dựng và đưa vào hoạt động.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Phổ Yên cho biết: “Việc phát triển với tốc độ cao, bình quân trên 30% trong những năm gần đây, là sức ép rất lớn đối với nhiều vấn đề của địa phương. Bên cạnh tiếp tục phát huy những lợi thế sẵn có của địa phương thì vẫn còn một số những điểm khó, vì vậy mà chính quyền địa phương rất sát sao đến từng lĩnh vực cụ thể”.
Theo đó, Phổ Yên đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo quy hoạch chung, phân khu hay các vấn đề quy hoạch đất đai, định hướng kế hoạch sử dụng đất. Trên cơ sở nội dung này, thành phố đã và đang phát huy tốt nguồn lực của trung ương và tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ cũng như nội lực của địa phương để phát huy trọng điểm, trọng tâm.
“Với tần suất phát triển như hiện nay, địa phương cũng trú trọng đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, sinh thái như công viên, quảng trường, khu thể thao, văn hoá phục vụ cho cộng đồng dân cư trên địa bàn, đúng với định hướng phát triển đô thị văn mình, xanh, trẻ.
Phổ Yên cũng rất quan tâm đến phát triển cây xanh, ngoài các công viên tập trung cũng khuyến khích bà con đầu tư trồng cây xanh ở các khu vực công cộng để đảm bảo được tỉ lệ cây xanh trên địa bàn với những tiêu chuẩn tiêu chí của đô thị”, ông Trường cho hay.
Không những vậy, quy hoạch đô thị cũng được nhấn mạnh trong công tác phát triển nông, lâm, thủy sản của thành phố Phổ Yên qua tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các loại rừng theo quy hoạch; tạo điều kiện phát triển kinh tế đồi rừng, phát triển cây dược liệu gắn với bảo vệ và phát triển rừng gắn với trồng rừng mới hàng năm.
Phổ Yên phấn đấu giữ vững tỉ lệ độ che phủ rừng ổn định và đến năm 2025 đạt 20%. Chú trọng trồng cây lâm nghiệp phân tán tại các khu dân cư, trường học, khu đô thị và tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Từ nền tảng trên, Thành phố Phổ Yên chủ trương trong thời gian tới sẽ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế của Trung ương, của tỉnh vào điều kiện cụ thể của thị xã Phổ Yên; tiếp tục giải phóng mặt bằng, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao vào các khu, cụm công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề đã được quy hoạch, cụ thể như: khu công nghiệp Yên Bình, khu công nghiệp Nam Phổ Yên, khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình, khu nông nghiệp công nghệ cao.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới, các khu đô thị, điểm dân cư. Tiếp tục xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn mới, đầu tư nâng cấp trường lớp, học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, xóm đảm bảo đạt chuẩn theo quy định.
Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển, nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị theo tiêu chuẩn đô thị Loại II; đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là giao thông, vỉa hè, cây xanh; phát triển các điểm, khu, cụm dân cư nông thôn theo quy hoạch xây dựng, triển khai các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội có tính đầu mối, liên vùng, phục vụ chức năng đô thị để xây dựng các xã trở thành phường. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý đô thị. Đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội, phù hợp với phát triển đô thị văn minh, hiện đại...
Ngoài ra, giao thông vận tải trên địa bàn cũng được ưu tiên phát triển một cách bền vững, tạo sự liên kết hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, đồng bộ giữa các mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường thị xã, đường xã, giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, tạo sự kết nối giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ, kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh nhất là các xã phía tây của thành phố.
Đồng thời huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng mới, sửa chữa đê, kè, cống tại các vị trí trọng điểm xung yếu; Tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa phục vụ đa mục tiêu, đập dâng nước phục vụ tưới cho cây trồng, cây vụ Đông và cây trồng có giá trị kinh tế cao, vùng cây ăn quả tập trung; bảo đảm an toàn chống lũ, phát triển kinh tế - xã hội và du lịch sinh thái.