500 doanh nghiệp đóng góp 18,4% doanh thu khu vực tư nhân trong nước
Số liệu được Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư) đưa ra trong Báo cáo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) năm 2023 vừa công bố.
Báo cáo VPE500 do Viện Chiến lược phát triển phối hợp với Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) thực hiện, với sự tài trợ của Viện Konrad-Adenaeur-Stiftung Vietnam (Đức).
Báo cáo này ghi nhận đến cuối năm 2021 cả nước có 694.200 doanh nghiệp tư nhân trong nước, thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản và tạo ra 57,8% doanh thu thuần của các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam.
Cũng theo báo cáo VPE500, trong giai đoạn 2019-2021, nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất dù chỉ chiếm 0,075% số lượng nhưng đã đóng góp 12% lao động, chiếm 28% tổng tài sản và đóng góp 18,4% doanh thu của các doanh nghiệp tư nhân trên cả nước.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Quốc Trường - Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - nhận định nhóm doanh nghiệp VPE500 đang được kỳ vọng như một lực lượng dẫn dắt và tạo ảnh hưởng trên thị trường.
Kết quả hoạt động và tính cạnh tranh của nhóm VPE500 có thể định hình mô hình kinh doanh và tăng trưởng, cũng như có tính quyết định trong các vấn đề chiến lược như cải tiến công nghệ, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế (Viện Chiến lược phát triển), đại diện nhóm nghiên cứu VPE500 - cho biết nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước tập trung nhiều ở hai vùng Đồng bằng Sông Hồng, Đông Nam Bộ, trong đó TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên chiếm khoảng 50-52%.
Các ngành tập trung nhiều doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn là công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại, xây dựng.
Báo cáo VPE500 cũng chỉ ra rằng nhóm doanh nghiệp này không chỉ có quy mô lớn hơn, mà tăng trưởng quy mô cũng nhanh hơn các nhóm doanh nghiệp tư nhân còn lại.
Cùng với đó, các doanh nghiệp VPE500 có tốc độ tăng năng suất lao động bình quân cao nhất khoảng 9,3%/năm, tăng tài sản 18%/năm và tăng doanh thu 11,9%/năm.
Tuy nhiên, năng suất lao động của doanh nghiệp VPE500 chưa tăng nhanh như quy mô, cho thấy nhóm này đang phát triển dựa trên mở rộng sản xuất hơn là theo chiều sâu.
'Chèn lấn' doanh nghiệp tư nhân trong nước
Trao đổi với Tuổi trẻ Online, ông Thắng cho hay hoạt động của doanh nghiệp VPE500 có tác động lan tỏa về đầu tư tới các doanh nghiệp tư nhân trong nước với mức độ tác động lớn hơn của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.
Mỗi 1% vốn đầu tư tăng thêm của VPE500 làm tăng đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước thêm 0,45% trong năm đầu tiên và tăng thêm 0,26% tổng năm tiếp theo.
Điều này cho thấy đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân lớn thúc đẩy nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn với vai trò là nhà cung cấp hoặc doanh nghiệp vệ tinh của VPE500, ông Thắng nhấn mạnh.
Ngược lại, ông cũng khẳng định có hiện tượng chèn lấn đầu tư đến từ doanh nghiệp FDI cùng ngành và ở hạ nguồn với doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Theo đó, mỗi 1% vốn đầu tư tăng thêm của doanh nghiệp FDI làm giảm 0,32% vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước trong năm hiện tại và giảm thêm 0,16% trong năm tiếp theo.
"Bên cạnh đó, cũng có bằng chứng về hiệu ứng "chèn lấn thị trường" của VPE500 và doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Nếu doanh thu của VPE500 tăng 1% sẽ làm giảm doanh thu của doanh nghiệp tư nhân 0,11% trong năm tiếp theo và tác động cạnh tranh này", ông Thắng cho biết thêm.
VPE500 đầu tư mạnh cho đổi mới sáng tạo, tự động hóa
Theo báo cáo VPE500 năm 2023, nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn có sự vượt trội so với doanh nghiệp tư nhân còn lại và các loại hình doanh nghiệp khác về tỉ lệ thực hiện đổi mới sáng tạo, tự động hóa.
Trong 500 doanh nghiệp này khoảng 43% có hoạt động nghiên cứu và phát triển năm 2020, gấp gần 3 lần khu vực doanh nghiệp nhà nước; gấp 4 lần tỉ lệ của doanh nghiệp FDI và gần 27 lần tỉ lệ doanh nghiệp tư nhân nói chung.
Và có tới 44% doanh nghiệp có hệ thống tự động hóa, cao gấp 20 lần tỉ lệ của doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Sau khi rung chuông ra mắt trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ), cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast đã có phiên giao dịch đầu tiên đầy kịch tính và thành công khi tăng giá hơn 68%, vốn hóa vươn lên mốc 85,2 tỉ USD - cao hơn Ford, General Motors...