Chiều 1-9, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết đã nắm thông tin trên mạng về việc phụ huynh tố do bị bạo lực học đường dẫn đến con mình phải bỏ nhà ra đi. Theo vị này, sở đã chỉ đạo phòng giáo dục, ngành chức năng kiểm tra để xử lý theo quy định, nhằm bảo vệ an toàn cho môi trường học đường.
Bị bạo lực học đường dẫn đến trầm cảm?
Người viết nội dung tố việc con bị bạo lực học đường là chị Nguyễn Thanh H. (trú TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Chị H. nói rõ mình chịu trách nhiệm với những gì đã thông tin.
Theo chị H., năm học 2022-2023, cháu Đ.B.K. (con chị H.) học lớp 8 tại Trường tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến (TP Buôn Ma Thuột), suốt từ đầu đến gần cuối năm học, cháu K. không hề nói gì với cha mẹ. Tuy nhiên khoảng giữa tháng 6-2023 thì K. cứ đòi chuyển trường.
"Tôi hỏi mãi cháu vẫn không hề nói việc mình bị hành hạ khi đi học. Tôi tưởng con không thích học trường cũ, muốn đổi môi trường. Tuy nhiên do gần đến cuối cấp, gia đình muốn cháu ổn định để học, thi lên lớp 10", chị H. kể.
Rồi một hôm con chị đi học nhưng không đến lớp. Cả nhà tá hỏa tìm cháu về mới biết cháu sợ đến lớp.
"Gặng hỏi cháu mới kể cứ đến lớp là bị bạn cùng lớp chọc phá, hành hạ mỗi ngày. Đáng sợ hơn, khi đọc nhật ký của con, tôi phát hiện cháu có ý định tự tử nhiều lần. Hoảng quá, tôi đưa con đến trường viết tường trình vào sổ cô giáo Trần Thị Lam - hiệu trưởng nhà trường, để có cơ sở giải quyết", chị H. nhớ lại.
Theo chị H., cháu K. viết vào sổ cô hiệu trưởng: bản thân bị bốn bạn học cùng lớp "chọc mỗi ngày", búng tai mạnh, bị nhiều người cười nhạo, bị lấy băng vệ sinh của bạn gái úp vào mặt, bị "tác động vật lý khá mạnh gần như cả ngày". Cuối bản viết tay, cháu K. viết "đừng đọc cho ai hết".
Sau đó, gia đình đã chuyển cháu K. học lớp 9 ở trường khác . Tuy nhiên, theo chị, con trai bị bạo lực ở trường nên khủng hoảng tâm lý, mất ngủ, trầm cảm, áp lực đến nay chưa chấm dứt.
"Chiều 30-8, cháu K. còn tự ý rời nhà đi, khiến cả gia đình lo lắng, đăng tin tìm kiếm khắp nơi. Đến trưa 31-8, gia đình tôi mới tìm thấy con trai ở tận huyện Đắk Mil (Đắk Nông), cách nhà 60km", chị H. kể.
Nhà trường đòi kiện ngược
Theo chị H., con chị dù khá cao to nhưng sống hướng nội, hơi nhút nhát nên dễ bị bạn bè bắt nạt.
"Việc học trò chọc phá, bắt nạt bạn cùng trang lứa là điều bình thường. Con tôi vốn ít nói, khi bị bắt nạt lại càng khép kín hơn, chịu đựng nhiều tháng trời khiến tôi không phát hiện ra. Khi biết được vì bị bạo lực học đường, cháu đã định tự tử gần 10 lần. Tôi thấy mình cũng thật có lỗi", chị H. nói.
Chị H. cho rằng gia đình chỉ mong nhà trường làm việc với các em học sinh khác để tạo môi trường an toàn cho K., thế nhưng đã không được nhà trường giải quyết thỏa đáng.
Theo chị H., sau khi làm việc, nhà trường đã phủ nhận hoàn toàn những gì cháu K. trình bày, cho rằng những lời tường trình của cháu là không có cơ sở.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Lam - hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến - phủ nhận nội dung tường trình của K. và cho biết sẽ làm đơn gửi ngành chức năng để bảo vệ uy tín nhà trường.
Theo bà Lam, trong khi nhà trường đang giải quyết thì mẹ cháu K. đăng thông tin lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng uy tín nhà trường.
"Việc bà H. đăng lên mạng xã hội như vậy làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín nên trường sẽ làm đơn gửi cơ quan công an, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Buôn Ma Thuột vào cuộc điều tra", bà Lam nói.
Những chiếc áo hồng trong trường học dần trở thành một hình ảnh tượng trưng cho nỗ lực của các học sinh "tuyên chiến" với bạo lực học đường.