45 năm trước, huyện Duyên Hải (Đồng Nai) về với TP.HCM, rồi lấy lại tên Cần Giờ, từ đó rừng Sác đã được hồi sinh mạnh mẽ, trở thành lá phổi của TP.HCM.
Cần Giờ - "của để dành" nay trở thành mặt tiền biển kết nối TP.HCM ra thế giới. Quá trình đánh thức Cần Giờ luôn với thái độ giữ gìn, chăm chút theo nguyên tắc khai thác tiềm năng nhưng vẫn bảo vệ tối đa "lá phổi" không chỉ của TP.HCM mà cả khu vực.
"Con đường lớn từ cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không chỉ là quy mô đầu tư, lượng hàng hóa mà còn giúp Cần Giờ thành điểm đến của kinh tế, công nghệ, thành "thao trường" đào tạo nguồn lực logistics có trình độ cao của quốc tế...".
Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - mở đầu cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ, sau hai sự kiện quan trọng với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ:
Thủ tướng thị sát tại vị trí xây cảng và Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM có kết luận về đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Mục tiêu hướng đến của "siêu" cảng không chỉ công trình, hàng hóa, lợi nhuận đầu tư mà là sự phát triển chung của cả Cần Giờ, TP.HCM và cả nước".
* Sau chuyến thị sát Cần Giờ, Thủ tướng đã kết luận phải sớm hoàn thiện đề án để trình Chính phủ, hiện tiến độ triển khai ra sao, thưa ông?
- Đầu năm 2023, để hiện thực hóa các nghị quyết về phát triển vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM, UBND TP.HCM đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì lập đề án cảng trung chuyển Cần Giờ.
Đây là đề án rất lớn với nhiều lĩnh vực: quy hoạch, môi trường, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... TP đã lập tổ công tác do giám đốc Sở Giao thông vận tải làm tổ trưởng.
Vị trí cảng Cần Giờ là khu vực cù lao Phú Lợi nằm ở cửa sông Cái Mép (thuộc huyện Cần Giờ), nơi đây nằm biệt lập với các khu vực lân cận, hiện nay có kết nối thuận lợi với luồng hàng hải và luồng đường thủy - Nguồn: Portcoast
Để tiếp nhận ý kiến một cách toàn diện, TP tổ chức hội thảo, tham vấn rộng rãi các bộ ngành, địa phương, cơ quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học...
Nhiều ý kiến đánh giá với điều kiện "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" như hiện nay, TP.HCM cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để biến cảng Cần Giờ giàu tiềm năng từ ước mơ trở thành hiện thực.
Tổ công tác cũng đã tham vấn chuyên gia hàng đầu về xây cảng của quốc tế, nghiên cứu thực tế trao đổi kinh nghiệm về cảng trung chuyển và khu thuế quan ở TP Hải Phòng.
Mới đây, UBND TP.HCM đã có tờ trình đề án gửi Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM xem xét, thống nhất thông qua.
Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với nhiều cơ quan, hoàn thiện đề án và ngày 23-8, UBND TP đã có tờ trình gửi Thủ tướng xem xét quyết định, làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Vị trí cảng Cần Giờ không ảnh hưởng đến vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ - Nguồn: Sở Giao thông vận tải TP.HCM
* Ý tưởng và mong muốn về một cảng mang tầm quốc tế tại Cần Giờ đã có từ khi nào?
- Đây là nội dung quan trọng mà Ban thường vụ Thành ủy lưu ý, yêu cầu đề án phải cập nhật thêm tính lịch sử. Các thế hệ lãnh đạo từ hai ba chục năm trước đã định hướng khu vực Cần Giờ sẽ có cảng hướng ra biển lớn, mở cửa giao thương với quốc tế.
Sau chuyến thị sát đặc biệt tại Cần Giờ, Thủ tướng cũng nhấn mạnh xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là đặt trong lợi ích, chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước. Đồng thời phải coi cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và cảng Cái Mép - Thị Vải là một cụm cảng, không tách rời.
Như vậy, từ TP.HCM đến trung ương, cảng Cần Giờ đã có từ lâu trong ý tưởng, quy hoạch và xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế biển.
* "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" ở đây được hiểu ra sao, thưa ông?
- Thiên thời, địa lợi thể hiện ở điều kiện tự nhiên, vị trí ở cù lao Phú Lợi (Gò Ông Chó) là cửa sông Cái Mép - Thị Vải nằm gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực, có nhiều lợi thế cho phát triển hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics.
Luồng Cái Mép - Thị Vải được đánh giá tốt nhất Việt Nam hiện nay, tối ưu cho cả trung chuyển nội địa và trung chuyển quốc tế.
Khu vực Cần Giờ trong quy hoạch đã được định hướng là bến cảng tiềm năng, chứ không phải bây giờ mới đề cập tới. Cảng nằm trong vùng kinh tế động lực phía Nam.
Đây là vùng kinh tế năng động nhất của Việt Nam nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế. Khu vực này có hàng container qua cảng chiếm trên 65% cả nước, đây được xem là "hậu phương vững chắc" hỗ trợ hàng hóa xuất nhập khẩu cho cảng.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi hình thành sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại - Nguồn: Porcoast
Khi Sở Giao thông vận tải tham vấn, chuyên gia về cảng của Đại học Tokyo Nhật Bản đánh giá rất cao về vị trí, tiềm năng, cơ hội khi hình thành cảng trung chuyển ở đây.
Chuyên gia nhận định xu hướng hàng hóa container qua cảng rất lớn và xu hướng các hãng sẽ đầu tư các tàu container cỡ lớn để tăng sức chở cho các tuyến liên lục địa.
Tàu cỡ lớn cộng với hàng hóa container được dự báo tăng lên đòi hỏi các hãng tàu phải tìm cảng lớn, cảng sâu có quy mô phù hợp. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có cảng nào đáp ứng được điều kiện này.
Còn "nhân hòa" hiện nay cũng rất thuận lợi, đó các nghị quyết của Quốc hội, Bộ Chính trị, Chính phủ... về chủ trương, mục tiêu đưa Cần Giờ, TP.HCM nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Cùng với đó là sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương đã mở ra cơ hội, thôi thúc TP.HCM nghiên cứu triển khai.
TP.HCM có định hướng sẽ nghiên cứu làm nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường Rừng Sác - Ảnh: LÊ PHAN
Dự án cũng đã được nhà đầu tư quan tâm, trong đó có hãng tàu lớn nhất thế giới MSC đề xuất đầu tư, mong muốn đẩy nhanh tiến độ để đón đầu xu thế vận tải biển.
Họ đã cử chuyên gia tới Cần Giờ khảo sát, chọn vị trí làm cảng. Việc có nhà đầu tư là hãng tàu lớn trên thế giới đề xuất chứng tỏ tính hấp dẫn của vị trí xây cảng. Với những điều kiện như trên, đây là một cơ hội cho TP.HCM thu hút nhà đầu tư có công nghệ, nguồn lực, trình độ công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển.
* Ngoài vai trò về kinh tế, TP.HCM còn kỳ vọng gì khi có cảng Cần Giờ?
- Việc thành lập cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ cùng với phát triển mạng lưới vận tải trung chuyển, hình thành đầu mối giao thương hàng hải trong khu vực sẽ khuyến khích các hãng tàu khác thiết lập đầu mối trung chuyển tại khu vực, đưa cụm cảng Cái Mép - Cần Giờ lên một tầm cao mới, định vị trên bản đồ hàng hải thế giới.
Từ đó, các công ty dịch vụ hàng hải, vận tải, logistics, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới... về đây để lập văn phòng, đặt trụ sở, thúc đẩy hình thành trung tâm tài chính khu vực tại TP.HCM.
Theo tính toán, cảng sẽ tạo công ăn việc làm cho 6.000 - 8.000 nhân viên, lao động tại cảng và hàng chục ngàn lao động ở lĩnh vực hậu cần, ngành nghề khác...
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi hình thành sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại – Nguồn: Porcoast
Từ đây, nguồn nhân lực nước ta sẽ có cơ hội tham gia chuỗi vận hành hàng hải mang tầm vóc thế giới.
Nói cách khác, cảng không chỉ mở cửa giao thương với thế giới qua đường biển mà còn mở cửa giao thương về trình độ khoa học, công nghệ. Trong tương lai, thế hệ con em chúng ta sẽ có cơ hội tham gia vận hành dịch vụ hàng hải tầm cỡ thế giới ngay tại Cần Giờ.
* Cần Giờ sẽ là "thành phố trong rừng" và "rừng trong thành phố". Cảng cũng cần và môi trường cũng cần phải giữ. Đây có phải là thách thức?
- Trong quá trình xây dựng đề án, vấn đề tác động môi trường đã được đặt ra và đánh giá rất kỹ, đảm bảo đáp ứng các quy định hiện hành, mục tiêu định hướng phát triển kinh tế, ngành nghề của TP.HCM.
Về vị trí địa lý, khu vực cửa sông nằm trong vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn. Do vậy, dự án không ảnh hưởng đến vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Hiện người dân qua Cần Giờ và ngược lại phải lụy phà Bình Khánh. Mỗi khi bão về, phà phải ngưng chạy, chuyện đi lại bị gián đoạn - Ảnh: LÊ PHAN
Còn về công nghệ, Chính phủ đã có lộ trình và tiêu chí để xây dựng các cảng xanh. Đây là cơ hội để TP nắm bắt và áp dụng cảng công nghệ xanh sớm nhất ở Cần Giờ.
Cảng sẽ vận hành 100% bằng điện, bảo vệ môi trường được xem như một bộ phận cấu thành không tách rời trong quá trình xây dựng, kinh doanh, khai thác cảng.
* Hàng hóa nhiều, tàu nhiều, nếu luân chuyển hàng bằng đường bộ có làm tăng lưu lượng xe qua Cần Giờ?
- Hàng hóa vào cảng đa số đều ưu tiên đi bằng đường thủy. Tàu vào cảng chủ yếu là tàu của các nước ghé vào để chuyển hàng hóa sang tàu mẹ. Trên thực tế, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam mà Hãng tàu MSC đang đảm trách chuyên chở hiện nay phần lớn sẽ được vận chuyển đến, đi khỏi cảng bằng đường thủy.
Còn với hàng hóa xuất nhập khẩu từ nội địa được vận chuyển đi đến cảng biển trong khu vực Đông Nam Bộ chủ yếu bằng đường thủy nội địa và đa phần sử dụng sà lan bởi khu vực này có hệ thống sông ngòi, luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa rất thuận lợi.
Hiện nay, có 70 - 80% hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển đến, đi khỏi khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải ở bờ đối diện được vận chuyển theo đường thủy.
Còn đối với đường bộ sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng đường trên cao để tránh tác động tới môi trường (dự kiến giai đoạn năm 2030).
Đường này hình thành để đáp ứng nhu cầu đi lại của lao động cảng, vận chuyển nhiên liệu, thiết bị, mặt hàng đông lạnh đi về các khu công nghiệp... sau khi cảng hoạt động.
Hiện nay, Chính phủ đã có lộ trình đến năm 2050 sẽ chuyển đổi toàn bộ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe sử dụng năng lượng sạch trong hoạt động giao thông vận tải.
Đây là điều kiện để TP có thể triển khai sớm hơn ở Cần Giờ. Xe ra vào cảng chúng ta sẽ gắn với tiêu chí vận tải đường bộ xanh.
Và rất nhiều cơ chế, kế hoạch được kỳ vọng tạo ra cú hích mạnh mẽ cho giao thông Cần Giờ lột xác.
Khi được hỏi "Cần Giờ cần nhất là gì?", câu trả lời sẽ là một cây cầu. Hiện tại đường về Cần Giờ qua sông phải lụy phà. Thế nên, có người ví von: "Chưa đi chưa biết Cần Giờ, đi rồi mới biết có thì giờ mới đi".
Đó là chuyện hiện tại. Thử hình dung một ngày rất gần ta đi du lịch Cần Giờ, khi nơi đây mang dáng dấp một thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Buổi chiều tan sở, chúng ta cùng gia đình đến Cần Giờ ăn tối, dạo biển. Từ trung tâm TP, xe qua quận 7 lên đường Huỳnh Tấn Phát.
Đến sông Soài Rạp phía bờ Nhà Bè thấy phà xưa đã ngưng. Thay vào đó, một chiếc cầu hình cây đước vươn mình, đó là biểu tượng sự phát triển của Cần Giờ.
Qua cầu đến Bình Khánh, xe vẫn bon bon trên đại lộ Rừng Sác đã được mở rộng. Đường lớn thênh thang, từ trung tâm TP đến với biển chỉ hơn nửa giờ... Đến khuya, gia đình rời Cần Giờ trở về, nghỉ ngơi, ngày mai lại đi làm.
Phối cảnh cầu Cần Giờ chiều dài 3,4km, vốn đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức BOT, dự kiến sẽ trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm nay, khởi công vào 30-4-2025. Cầu Cần Giờ sẽ thay cho phà Bình Khánh tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ - Nguồn: Sở Giao thông vận tải TP.HCM
Đường tới Cần Giờ cũng sẽ nhanh hơn hết nếu nút giao đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành được xây dựng. Khi vành đai 3 TP.HCM cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành khép thành vòng tròn hoàn chỉnh, người dân có thể theo cao tốc rẽ xuống đường Rừng Sác.
TP còn làm thêm đường trên cao dọc theo Rừng Sác, khách du lịch hay xe phục vụ hậu cần cảng quốc tế dù đông đường vẫn thông. Các tuyến phà biển, tàu cao tốc cũng là một lựa chọn để khách du lịch về Cần Giờ khi ý tưởng cầu vượt biển hoặc hầm vượt biển nối Cần Giờ - Vũng Tàu chưa có.
TP đang nghiên cứu kết nối tuyến metro từ đô thị lấn biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 (Thạnh Xuân - Khu công nghiệp Hiệp Phước) tại huyện Nhà Bè. Khi đó, thay vì đi xe cá nhân, chúng ta có thể lên metro số 4 rồi đến Nhà Bè, chuyển tàu đi tiếp về Cần Giờ.
Hai bên đường bạn có thể ngắm rừng bạt ngàn, đầy thơ mộng. Xuống ga tàu, bạn có thể đi xe công cộng hoặc thuê xe điện khám phá nơi này. Trong những lần góp ý về quy hoạch, các chuyên gia, nhà khoa học còn đề xuất làm cả sân bay nhỏ để tỉ phú, thương gia các nước trong khu vực có thể đến đây nghỉ dưỡng cuối tuần.
TP cũng định hướng Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố phát triển xanh, thông minh, thân thiện môi trường.
Áp dụng nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP đang phối hợp với Sở Giao thông vận tải TP xây dựng đề án, các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp... chuyển đổi xe cũ sang xe sử dụng nhiên liệu sạch.
Trước mắt sẽ tập trung chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng, xe buýt, taxi, mua sắm khu vực công. Cùng với đó, TP đang nghiên cứu thí điểm ưu tiên sử dụng 100% xe điện ở khu vực Cần Giờ và một số khu vực trung tâm.
Cần Giờ sẽ dùng giao thông thủy nhưng một tuyến đường dài 11km gồm cầu qua sông Lòng Tàu kết nối vào Rừng Sác, cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường trên cao dọc đường Rừng Sác cũng được nghiên cứu. Nguồn: Sở GTVT TP.HCM
Với các cơ chế mới, TP hoàn toàn có thể áp dụng mạng lưới giao thông xanh ngay tại Cần Giờ trong thời gian tới.
Chẳng hạn, khi cầu Cần Giờ hoàn thành, tại Mỹ Khánh sẽ có một bãi đệm, các phương tiện đi vào Cần Giờ nếu không phải là xe điện sẽ gửi xe lại. Người dân tới Cần Giờ đi du lịch có thể đi xe buýt điện, taxi điện hoặc thuê xe điện để đi về phía biển.
Cần Giờ khi đó sẽ có giao thông xanh. Sẽ không còn là một vùng đất đò giang cách trở nhưng vẫn là "ốc đảo" - một "ốc đảo" xanh, trong lành và đáng sống.
Xem thêm: mth.15764233292803202-oig-nac-gnac-ueis-ut-neib-neit-tam-ar/nv.ertiout