Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2023 đã tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: AFP
"Giảm thiểu rủi ro" đã được các quan chức Mỹ và EU sử dụng nhằm khẳng định các quốc gia của họ không hoàn toàn tách biệt khỏi Trung Quốc, mà là đa dạng hóa trong các lĩnh vực đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và có thể dẫn đến rủi ro.
"Chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để 'giảm thiểu rủi ro' là quay trở lại với sự đồng thuận đã được hai nguyên thủ quốc gia nhất trí tại Bali, khôi phục quan hệ thương mại Trung - Mỹ hướng tới con đường phát triển ổn định, lành mạnh", bà Shu Jueting, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc, nêu tại cuộc họp báo ngày 31/8.
Điều đó cũng "giúp quan hệ kinh tế thương mại song phương phát huy tốt hơn vai trò 'nền tảng', ổn định kỳ vọng kinh doanh và tăng cường niềm tin kinh doanh để triển khai hoạt động thương mại và đầu tư".
Vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Bali, Indonesia và đó là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc đã khởi động kế hoạch chính thức cho Ngoại trưởng Antony Blinken và các quan chức cấp cao khác của Mỹ tới thăm Trung Quốc trong năm nay.
Bà Shu Jueting, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc, chỉ ra rằng trong 7 tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Trung Quốc đã tăng 25,5% so với một năm trước. Bộ Thương mại Trung Quốc đang phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện các kế hoạch được công bố gần đây nhằm cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài.
Ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Mỹ, đánh giá: "Mặc dù đã có sự nhượng bộ từ cả hai phía về một số yếu tố nhất định trong mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung, nhưng những tuyên bố về việc tách rời hoàn toàn hoặc thậm chí một phần (khỏi nền kinh tế Trung Quốc - BTV) cho đến nay vẫn không chính xác và còn quá sớm".
Ông Kennedy kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ, "ngay cả khi coi nhau là đối thủ cạnh tranh địa chiến lược".
Một số ý kiến khác cho rằng việc kết nối với một cường quốc kinh tế khác sẽ giúp Mỹ có cái nhìn sâu sắc về các hoạt động kinh tế của nước mình.
Trong tháng 8, chính quyền Tổng thống Biden đã đưa ra đề xuất hạn chế đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực công nghệ cao cấp của Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia, theo đài CNBC.
Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao và người đồng cấp Mỹ Gina Raimondo trong tuần này, phía Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng "việc khái quát hóa vấn đề an ninh quốc gia không có lợi cho trao đổi thương mại kinh tế thông thường", người phát ngôn Shu Jueting cho biết.
"Nó sẽ chỉ làm tổn hại đến sự ổn định và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tổn hại đến kỳ vọng của các doanh nghiệp về việc phát triển hợp tác kinh tế và thương mại và phá hủy bầu không khí hợp tác", bà Shu Jueting nói thêm.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã có chuyến thăm 4 ngày tại hai thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải của Trung Quốc từ ngày 27-30/8, nhằm tăng cường trao đổi, đặc biệt là về lĩnh vực kinh tế và quốc phòng, trong bối cảnh lo ngại căng thẳng giữa hai siêu cường có thể vượt quá tầm kiểm soát.
Sau cuộc gặp của Bộ trưởng Raimondo với người đồng cấp Trung Quốc Wang Wentao và các quan chức cấp cao khác của chính phủ Trung Quốc, hai bên đã nhất trí thiết lập các kênh liên lạc thường xuyên về thương mại, kiểm soát xuất khẩu và bảo vệ bí mật thương mại.
"Thông điệp của tôi là mong muốn kinh doanh, nhưng chúng tôi cần (môi trường kinh doanh - BTV) dễ dự đoán, quy trình hợp lý và một sân chơi bình đẳng", Bộ trưởng Raimondo nói với đài CNBC.
Bộ trưởng Raimondo cho biết thông điệp của Tổng thống Biden là: "Chúng tôi đang giảm thiểu rủi ro, chúng tôi đang đầu tư vào Mỹ, nhưng chúng tôi sẽ không tách rời hoặc cố gắng kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc".
Đầu tuần này, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Xie Feng đổ lỗi cho thuế quan và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đã khiến kim ngạch thương mại song phương giảm 14,5% trong nửa đầu năm 2023.
Còn các nhà phân tích của Eurasia Group cho rằng mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung về cơ bản vẫn mang tính cạnh tranh. "Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng kiểm soát rủi ro bằng chiến lược kéo - đẩy thận trọng với các hành động leo thang có mục tiêu và nhượng bộ ở mức vừa phải", các chuyên gia Eurasia Group nhận định.