Hãng tin Reuters ngày 2-9 cho biết Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) vừa phóng thành công tàu vũ trụ Aditya-L1 với nhiệm vụ quan sát và nghiên cứu Mặt trời.
Buổi phóng diễn ra suôn sẻ và được ISRO truyền hình trực tiếp. Gần 500.000 khán giả đã theo dõi buổi phóng, trong khi hàng ngàn người tập trung tại một địa điểm quan sát gần bãi phóng để xem tận mắt.
Buổi phóng tàu này diễn ra chỉ 10 ngày sau khi tàu Chandrayaan-3 đổ bộ lên cực nam Mặt trăng, đưa Ấn Độ thành quốc gia đầu tiên phóng thành công tàu lên khu vực này.
Mang tên gọi “Mặt trời” trong tiếng Hindu, tàu Aditya-L1 có nhiệm vụ nghiên cứu gió Mặt trời, “tác giả” đằng sau hiện tượng cực quang trên Trái đất.
Dự kiến tàu Aditya-L1 sẽ đi hết 1,5 triệu km trong vòng bốn tháng để đến khu vực gần Mặt trời với tên gọi Điểm Lagrange.
Đây là khu vực được ví như bãi đỗ xe trong không gian, nơi trọng lực hầu như cân bằng giúp các vật thể có thể đứng yên. Nhờ đó, tàu sẽ giảm được đáng kể tiêu hao nhiên liệu trong suốt thời gian làm nhiệm vụ.
Ông Somak Raychaudhury, người tham gia phát triển một số bộ phận của tàu Aditya-L1, cho biết sứ mệnh của tàu này có khả năng “tạo vụ nổ lớn (Big Bang) trong khoa học”.
Big Bang là tên gọi của vụ nổ được cho là đã khai sinh vũ trụ.
Bên cạnh đó, ông Raychaudhury cũng cho rằng tàu Aditya-L1 đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra cách bảo vệ các vệ tinh nhân tạo khỏi hạt năng lượng bắn ra từ Mặt trời.
"Từng có nhiều lần những phương thức giao tiếp quan trọng ngừng hoạt động vì một vệ tinh trúng một hạt năng lượng lớn. Vệ tinh ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp là mối quan tâm chính của các công ty tư nhân toàn cầu. Điều này khiến sứ mệnh của Aditya-L1 trở nên cực kỳ quan trọng", ông Raychaudhury chia sẻ.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học tại ISRO cũng khẳng định trong tương lai xa, dữ liệu thu được từ Aditya-L1 sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu hơn về tác động Mặt trời lên khí hậu Trái đất, về nguồn gốc gió Mặt trời, các dòng chảy hạt bắn ra từ Mặt trời đi khắp Hệ Mặt trời...
Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ cho biết các phép đo tại chỗ đầu tiên đã xác nhận có lưu huỳnh trên bề mặt gần cực Nam Mặt trăng.