Theo cuộc thăm dò của công ty phân tích dữ liệu quốc tế YouGov công bố vào tháng 6, gần ba phần tư người Mỹ được hỏi, nói họ thường boa cho nhân viên phục vụ nhà hàng. Tỷ lệ trên với phục vụ quán bar là gần 50%, với tài xế taxi và nhân viên khách sạn quanh 40%.
Tuy nhiên, 42% số người được hỏi ở Mỹ thú nhận rằng đôi khi hoặc thường xuyên họ sẽ boa tiền ngay cả khi dịch vụ tệ. Điều này cho thấy rằng đối với một số người, tiền boa không phải là câu chuyện về chất lượng dịch vụ.
Theo Forbes, người Mỹ nằm trong số những người đưa tiền boa nhiều nhất thế giới. Tiêu chuẩn thông thường là mỗi người nên boa khoảng 15-20% giá trị hóa đơn. Hầu hết mọi người trong ngành dịch vụ được trả ít hơn mức lương tối thiểu và thu nhập của người lao động phụ thuộc nhiều vào tiền boa.
Từ sau đại dịch, người Mỹ bắt đầu bàn về "lạm phát tiền boa" (tipflation). Đây là thuật ngữ mô tả việc nhân rộng văn hóa boa tiền cho nhiều ngành nghề hơn ở Mỹ, trái ngược với truyền thống chỉ phổ biến ở các nhà hàng đầy đủ dịch vụ. Nguồn gốc của lạm phát tiền boa có thể là do đại dịch và lạm phát gia tăng bắt đầu từ năm 2021. Từ đó, người tiêu dùng Mỹ phẫn nộ về văn hóa tiền boa vốn rất nổi tiếng của họ.
Tiền boa giờ đây không chỉ áp dụng ở nhà hàng, cửa hiệu, siêu thị, quán cà phê, sân bay, mà còn xuất hiện ở nhiều cơ sở dịch vụ khác. Hệ thống thanh toán kỹ thuật số màn hình cảm ứng do các công ty như Clover và Square điều hành đã mặc định hiển thị các lời nhắc về tiền boa cho nhân viên. Khách hàng khi sử dụng sản phẩm và dịch vụ phải lựa chọn tỷ lệ tiền boa, đôi khi vượt quá 30% giá trị hóa đơn.
Khách hàng cũng được khuyến khích boa khi đặt hàng trực tuyến và các ki-ốt. Theo phân tích dữ liệu từ Square, gần 75% giao dịch từ xa về thực phẩm và đồ uống sẽ nhắc người mua để lại tiền boa.
Báo cáo của nền tảng tài chính cá nhân NerdWallet cho thấy, nhiều người có áp lực phải trả thêm tiền boa trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời nhắc tự động thưởng thêm cho nhân viên trên các ki-ốt và ứng dụng tự phục vụ. Theo nhà cung cấp phần mềm quản lý bảng lương Gusto, tính đến tháng 6, những nhân viên không thuộc lĩnh vực nhà hàng, giải trí và khách sạn - vốn trước đây không thu tiền boa, đã kiếm được trung bình 1,25 USD mỗi giờ tiền boa trong tháng 6, tăng 30% so với bốn năm trước.
Tiền boa đã ăn sâu vào văn hóa của người Mỹ đến mức khách hàng cảm thấy "có nghĩa vụ" phải boa, ngay cả khi dịch vụ kém chất lượng hoặc không tốn nhân công. Điều này tạo ra kỳ vọng về tiền thưởng, bất kể chất lượng dịch vụ. Nhiều nơi ở Mỹ, mức lương tối thiểu cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu tiêu chuẩn. Điều này có nghĩa, các công ty có thể trả lương cho nhân viên của mình ít hơn một cách hợp pháp và dựa vào tiền boa để tạo nên sự khác biệt.
Do đó, người lao động phụ thuộc nhiều vào tiền boa để kiếm được mức thu nhập đủ sống. Việc này có thể khiến người lao động rơi vào thế bị động, không thể đoán trước được thu nhập hàng tháng. Điều này có thể tạo ra sự lo lắng về tài chính và sự bất an trong công việc.
Trong khi đó, lạm phát tiền boa đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Việc dựa vào tiền boa có thể giảm chi phí lao động vì tiền thưởng từ khách hàng sẽ bù đắp cho mức lương thấp mà doanh nghiệp trả cho người lao động. Điều này có thể đặc biệt hấp dẫn đối với các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp.
Cuộc khảo sát của nền tảng tài chính cá nhân Bankrate chỉ ra, khoảng hai phần ba người Mỹ trưởng thành có quan điểm tiêu cực về tiền boa. Họ tin rằng các doanh nghiệp nên trả lương cho nhân viên tốt hơn thay vì dựa quá nhiều vào tiền boa. Họ khó chịu về yêu cầu tiền boa xuất hiện trên màn hình thanh toán, họ cảm thấy văn hóa tiền boa đã vượt quá tầm kiểm soát và sẵn sàng trả giá cao hơn nếu chúng ta có thể loại bỏ việc boa.
Tiểu Gu (theo CNBC, Forbes)