Nhiều bị hại phải tốn tiền, mất thời gian
Phản ánh với Thanh Niên, nhiều bị hại trong vụ án địa ốc Alibaba cho biết để có được 2 bản án nộp cho Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM khi làm hồ sơ yêu cầu thi hành án, họ phải đến TAND TP.HCM và TAND cấp cao tại TP.HCM xin trích lục bản án. Sau đó, họ phải đóng phí tổng cộng khoảng 400.000 đồng và có trường hợp phải chờ gần 2 tháng mới có kết quả.
Có mặt tại Cục THADS TP.HCM, ông L.N.T (được tòa sơ thẩm tuyên buộc vợ chồng Nguyễn Thái Luyện phải trả cho ông 150 triệu đồng, ông không kháng cáo bản án) cho hay do không nhận được bản án của tòa, nên ông đã làm đơn đến cả 2 cấp tòa để trích lục bản án, đóng phí khoảng 160.000 đồng cho bản án sơ thẩm và khoảng 250.000 đồng cho bản án phúc thẩm. Tuy nhiên, cán bộ tòa hẹn gần 2 tháng mới được nhận.
Vì lo lắng, nên ông T. đã tìm cách liên lạc với nhiều bị hại trong vụ án, may mắn trong số đó có 1 người đã có được cả 2 bản án. Từ đó, nhóm ông khoảng 10 người chưa có bản án, xin "đi ké" với người đã nhận được bản án trích lục, cùng đến Cục THADS TP.HCM để nộp chung hồ sơ.
"TAND TP.HCM, TAND cấp cao tại TP.HCM và Cục THADS TP.HCM ở cách xa nhau, mà tôi phải đến tòa nhiều lần chỉ để xin trích lục bản án. Tôi thấy Cục THADS TP.HCM làm việc rõ ràng nhất, khi đến nộp hồ sơ, cán bộ đã soạn sẵn văn bản, tôi chỉ cần xem lại nội dung và ký tên là xong, không phải mất thời gian chờ đợi", ông T. nói.
Tương tự, trường hợp của bà V.T.H.H và bà V.T.A.H, là bị hại trong vụ án, cũng thở dài vì nhà ở tận tỉnh Đồng Nai, mà phải đi lại nhiều lần để xin trích lục bản án vừa tốn kém thời gian, tiền bạc và sức lực…
TAND TP.HCM, TAND cấp cao nói gì?
Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Ngọc Duy, Chánh văn phòng TAND TP.HCM, cho biết: "Nếu đương sự nào chưa nhận được bản án sơ thẩm thì liên hệ với thư ký của hội đồng xét xử để được nhận bản án hợp lệ, không phải đóng tiền. Còn trong trường hợp muốn có thêm bản án thì liên hệ với văn phòng của tòa để được trích lục, theo Nghị quyết 326 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì người dân phải tốn phí".
Còn Chánh tòa Dân sự TAND cấp cao tại TP.HCM Võ Văn Khoa (Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm) cho biết theo điều 262 bộ luật Tố tụng hình sự, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày ra quyết định, tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án cho Viện kiểm sát cùng cấp; cơ quan thi hành án; người đã kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện của họ… Những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
"TAND cấp cao tại TP.HCM đã tống đạt đủ bản án cho hơn 100 bị hại, những người liên quan có kháng cáo. Tòa phúc thẩm không có trách nhiệm phải tống đạt bản án cho những người không có kháng cáo", ông Khoa nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khoa, khi nộp đơn yêu cầu thi hành án bản án, đối với người có kháng cáo bản án sơ thẩm thì phải nộp cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm; còn nếu không kháng cáo thì chỉ cần nộp bản án sơ thẩm là đủ.
"Hiện nay TAND cấp cao tại TP.HCM vẫn nhận được rất nhiều yêu cầu trích lục bản án phúc thẩm của những người không có kháng cáo. Trong khi đó bản án rất dày, gây tốn kém không cần thiết", ông Khoa nói.
THÔNG TIN TỪ CỤC THADS TP.HCM
Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục THADS TP.HCM, cho biết Cục THADS TP.HCM đang tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án của các bị hại trong vụ án địa ốc Alibaba.
Đây là vụ án có số lượng bị hại lớn (hơn 4.900 người). Cơ quan này đã xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành; thành lập tổ tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án, tổ chấp hành viên; thiết kế các phần mềm, biểu mẫu… Mục đích là để khi người dân liên hệ sẽ được cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác không phải chờ đợi lâu, tránh việc tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự.
Cũng theo ông Hòa, để bớt tốn kém, lãng phí, mất thời gian đi lại, nếu bị hại nào chưa được tòa tống đạt bản án, thì liên hệ tòa án yêu cầu trích lục bản án và phần phụ lục có tên, quyền lợi của mình nộp cho Cục THADS. Từ đó cơ quan THADS sẽ căn cứ vào đó để ra quyết định thi hành án.
"Đối với số tiền đã thu được theo nội dung án tuyên, chúng tôi sẽ tiến hành chia theo tỷ lệ cho các bị hại trong vụ án. Không có trường hợp phải có đơn yêu cầu thi hành án thì mới được chia tiền", ông Hòa khẳng định.
Để đảm bảo quyền lợi cho các bị hại chưa có đơn yêu cầu thi hành án, Cục THADS TP.HCM sẽ thực hiện các thủ tục thông báo và hướng dẫn quyền làm đơn yêu cầu thi hành án theo quy định.
Như Thanh Niên đã thông tin, năm 2016, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Alibaba, thành lập công ty với vốn điều lệ 1 tỉ đồng; tiếp đó thành lập 22 pháp nhân giao cho người thân và nhân viên đứng tên. Luyện và các đồng phạm rao bán 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận. Các công ty này đã tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo gian dối để bán cho hàng nghìn người.
Cuối năm 2022, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Luyện mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các đồng phạm từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 30 năm tù. Sau đó Luyện và 14 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 19.5, TAND cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, y án tù chung thân đối với Luyện. Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc vợ chồng bị cáo Luyện liên đới bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt hơn 2.400 tỉ đồng cho các bị hại mà các bị cáo đã lừa đảo.
Ðối với 58 trường hợp được phiên tòa sơ thẩm tuyên cho nhận đất, HÐXX phúc thẩm nhận định các thửa đất này bị cáo Luyện có được do hành vi phạm tội mà có. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên giao đất cho các trường hợp này là không có căn cứ. Nhưng do không có kháng cáo, kháng nghị nên HÐXX phúc thẩm kiến nghị TAND tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.