Đó là phòng tập thể hình do Lê Cao Cường, cựu HLV thể lực đội tuyển U21 Việt Nam, thành lập. Anh cũng là người trực tiếp đưa ra tư vấn dành cho người tập.
Chuyên gia người Việt hiếm hoi
Ở tuổi 28 nhưng Lê Cao Cường là chuyên gia người Việt hiếm hoi trong lĩnh vực khoa học thể thao - lĩnh vực mà thể thao Việt Nam nhiều năm gần đây chủ yếu vẫn phải đi thuê chuyên gia nước ngoài.
Hơn năm năm trước, Cao Cường bắt đầu những bước đi chập chững vào ngành khoa học thể thao từ việc cộng tác với lò đào tạo của CLB Viettel. Lúc đó, Cường vừa tốt nghiệp ĐH Murdoch (Perth, Úc) và đang theo học thạc sĩ ngành khoa học thể thao ở ĐH Edith Cowan.
Để phục vụ đề tài nghiên cứu, anh xin về nước cộng tác với CLB Viettel. Đề tài của Cường là phương pháp rèn luyện thể lực cường độ cao theo vị trí trên sân dành cho cầu thủ trẻ. Luận án này của anh được đăng trên tạp chí Journal of Strength & Conditioning Research (JSCR) của Mỹ.
Từ đó, Cường bén duyên với bóng đá Việt. Sau khi lấy bằng thạc sĩ, anh chuyển sang làm cho PVF với cương vị trưởng phòng thể lực và khoa học thể thao.
Một thời gian sau, anh được triệu tập lên tuyển với vai trò HLV thể lực cho các đội trẻ từ U19 đến U23 Việt Nam. Năm 2022, Cường chuyển sang kinh doanh ở mảng thể thao cộng đồng.
"Làm khoa học thể thao ở Việt Nam có nhiều cái khó. Đầu tiên là mình phải được ủng hộ từ nhiều hướng. Không dễ để nói chuyện, thuyết phục người khác khi mình không có tên tuổi gì về chuyên môn.
Đặc biệt là ở bóng đá, khoa học thể thao cũng chỉ chiếm một phần. Không thể có chuyện đưa ra công thức dinh dưỡng, tập luyện hợp lý thì thành tích lập tức sẽ đến.
Hiện tại tôi muốn áp dụng những nghiên cứu của mình ở mảng thể thao cộng đồng. Sau này có thể tôi sẽ trở lại với thể thao chuyên nghiệp", Cao Cường chia sẻ.
Mở phòng tập gym, Cao Cường chia sẻ anh muốn giúp việc tập luyện trở nên khoa học nhất có thể. "Người tập đến đây đều có một mục đích nhất định. Với trẻ em, phụ huynh luôn muốn con mình phát triển chiều cao.
Với người trưởng thành, mục đích có thể là hình thể, cơ bắp săn chắc hay cải thiện thể lực, có sức khỏe tốt, chống bệnh tật. Với những mục đích rất riêng biệt như vậy, một cuộc tư vấn sơ sài giữa HLV và học viên sẽ không giúp gì nhiều", Cao Cường nói.
Tư vấn không thể sơ sài
Đối tượng đến phòng tập của Cường từ các bé 10 tuổi cho đến những ông bà lão U70. Với trẻ em, Lê Cao Cường đưa các em đi đo xương ở bệnh viện, rồi từ đó đưa ra dự đoán về chiều cao tối đa của các em.
"Mình biết khá phũ phàng nhưng với một số em đã gần hết tuổi dậy thì, việc cải thiện chiều cao là rất khó. Chiều cao phụ thuộc nhiều vào gene, và nếu muốn phát triển hơn nữa cần có chương trình dinh dưỡng và tập luyện phù hợp từ trước khi dậy thì.
Như câu chuyện về bạn nhỏ 14 tuổi chỉ có thể cao đến 1,7m là tối đa. Nhưng nếu không tập luyện phù hợp, bạn ấy có thể không đạt đến ngưỡng chiều cao này. Nhưng nếu nỗ lực bạn ấy vẫn có thể hơn mức 1,7m từ 1 đến 2cm vì mọi chuyện đều có sai số.
Nhờ vậy mà sau đó bạn này rất chịu khó ăn uống, tập luyện đúng giờ đúng giấc. Trường hợp khác, một bé gái gần 12 tuổi khi đo xương thì độ tuổi của xương chưa đến 10, tức bé dậy thì muộn nên còn rất nhiều thời gian để phát triển chiều cao", Cao Cường chia sẻ.
Ngoài đo xương, phòng tập của Cao Cường còn yêu cầu học viên đo tỉ lệ mỡ cơ thể, xét nghiệm mỡ máu và trải qua một loạt bài kiểm tra để chọn chế độ phù hợp.
Các bài kiểm tra chia ra làm các chỉ số về sức mạnh bùng nổ (explosive power), độ bền (endurance), sức mạnh (strength), tính linh hoạt (mobility) và độ thăng bằng (balance).
Cường cho biết anh đã tốn nhiều năm nghiên cứu, phân tích để đưa ra hệ thống bài tập và cách chấm điểm nhằm đánh giá đúng tình trạng cơ thể của học viên và đưa ra chương trình tập luyện phù hợp nhất.
"Tôi may mắn có anh trai là dân lập trình. Tôi chỉ đưa ý tưởng rồi anh tôi xây dựng ứng dụng cho tôi. Ba tôi làm bác sĩ. Vì vậy từ giai đoạn học đại học, tôi đã xác định sau này mình cần phải tận dụng các lợi thế của gia đình.
Tôi chọn đi du học để theo học ngành khoa học thể thao vì đam mê và vì đây vẫn là một lĩnh vực còn rất mới ở Việt Nam. Tôi hy vọng mình có thể phát triển mảng khoa học thể thao ở cộng đồng trước, rồi dần dần có thể tiến vào đường thể thao chuyên nghiệp", Cường chia sẻ.
Trong thể thao ngày nay, khoa học thể thao là yếu tố không thể tách rời. Và để có thể phát triển lĩnh vực này thực thụ, bước đầu tiên chính là từ những người trẻ giàu đam mê, giàu học hỏi như Lê Cao Cường!
Lan tỏa tinh thần tập luyện khoa học cho cộng đồng
Ngoài việc không ngừng tìm tòi, tiến sâu vào con đường khoa học thể thao, Lê Cao Cường còn lập trang web vietsportscience.com với nhiều bài viết xoay quanh những chủ đề phát triển thể chất.
Mục tiêu của anh là tạo lập một cộng đồng hiểu biết nhiều về lĩnh vực này, từ đó lan tỏa tinh thần tập luyện một cách khoa học cho cộng đồng.
TTO - Ngày 16-11, nhà vô địch Tokyo marathon 2008 Yoshimi Ozaki (Nhật Bản) đã có buổi giao lưu cởi mở và hướng dẫn chạy một cách khoa học cho gần trăm người hâm mộ tại Hà Nội.