vĐồng tin tức tài chính 365

Vụ kiện tai tiếng về quảng cáo 'uống thuốc sẽ không nhiễm cúm'

2023-09-03 13:15

Những năm cuối thế kỷ 20, thế giới bị đe dọa bởi đại dịch "cúm Nga", căn bệnh gây ra do virus đường hô hấp. Đây là một trong những đại dịch nguy hiểm nhất lịch sử nhân loại khi khiến một triệu người tử vong, tức 0,067% dân số toàn cầu khi đó.

Mùa đông năm 1889, dịch bắt đầu lan rộng khắp nước Anh, nền kinh tế lung lay và người dân trở nên bất an khi nhiều nhân vật giàu có và các quan chức lớn của chính quyền cũng thiệt mạng. Một trong những nạn nhân nổi tiếng nhất là Công tước xứ Clarence, cháu trai của Nữ hoàng Victoria, cũng là người nối ngôi thứ hai của Hoàng tộc Anh, tử vong tháng 1/1892 khi mới 28 tuổi.

Trước sự hoang mang của dân chúng, hàng loạt các sản phẩm y tế ra đời, và được quảng bá có tác dụng ngăn ngừa vi sinh vật gây bệnh. Được ưa chuộng và phổ biến nhất là các sản phẩm giải quyết các triệu chứng liên quan đến bệnh cúm, như thuốc phiện, quinine và những thứ khác nhằm mục đích hạ sốt.

Các nhà sử học ngày nay đánh giá, nguyên nhân thành công của những sản phẩm này do nước Anh thời kỳ đó thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Dịch vụ y tế chuyên nghiệp dành cho giới "tinh hoa" là chủ yếu. Với dân thường, phương chống dịch phổ biến là tự dùng bất cứ cái gì họ thích và tin là có tác dụng.

Hình ảnh một bệnh viện tại London trong đại dịch cúm cuối thế kỷ 19, cướp đi sinh mạng hơn 1 triệu dân toàn cầu. Ảnh: Telegraph

Hình ảnh một bệnh viện tại London trong đại dịch cúm cuối thế kỷ 19, cướp đi sinh mạng hơn một triệu người dân trên toàn cầu. Ảnh: Telegraph

Các sản phẩm y tế được đà ra đời như nấm. "Quả bóng khói carbolic" là một trong số đó. Sản phẩm gồm một quả bóng cao su chứa đầy axit carbolic (hoặc phenol, ngày nay được sử dụng trong chất tẩy rửa bề mặt, khử trùng) có gắn một cái ống. Ống sẽ được đưa vào mũi người dùng và quả bóng sẽ được ép ở phía dưới để thoát hơi. Sản phẩm được người sáng lập Công ty Carbolic Smoke Ball Co. (CSB), Frederick Roe, quảng bá có thể điều trị bệnh cúm, hen suyễn, viêm phế quản và ho gà.

CSB đăng quảng cáo trên nhiều tờ báo vào ngày 13/11/1891, tuyên bố nếu bất kỳ ai bị bệnh cúm sau khi sử dụng sản phẩm, công ty sẽ đền 100 bảng Anh (tương đương 12.000 bảng Anh ngày nay).

"Một bóng khói carbolic sẽ đủ dùng cho một gia đình trong vài tháng, khiến nó trở thành phương thuốc rẻ nhất trên thế giới, giá chỉ 10 siling. Bóng có thể được nạp đầy lại khi hết khí, với chi phí 5 siling. Chúng tôi gửi 1000 bảng vào hàng Alliance, để thể hiện sự chân thành của chúng tôi trong vấn đề này", quảng cáo nêu.

Sau khi phát hành quảng cáo, hàng ngàn quả bóng khói carbolic đã được bán. Phát minh này đã thành công vang dội, cho đến khi đến tay nữ khách hàng định mệnh: bà Louisa Elizabeth Carlill.

Bà xem quảng cáo, quyết định mua một sản phẩm và sử dụng nó như hướng dẫn của nhà sản xuất, ba lần mỗi ngày đều đặn. Nhưng cuối cùng, 2 tháng sau, bà vẫn mắc cúm, ngày 17/1/1892. Bà do đó đòi 100 bảng Anh từ CSB.

Công ty phớt lờ yêu cầu của bà, cho hay phải dùng sản phẩm trong văn phòng của họ, dưới sự giám sát của họ thì mới được trả tiền. Vì bà đã mang nó về nhà dùng, nên không có gì đảm bảo đã sử dụng đúng cách.

Ba lá thư gửi đi mà vẫn không được CSB đền tiền, bà Carlill kiện ra tòa.

Quảng cáo về quả bóng khói carbolic đăng trên báo, năm 1891. Ảnh: ABC

Quảng cáo về quả bóng khói carbolic đăng trên báo, năm 1891. Ảnh: ABC

Tại phiên sơ thẩm năm 1892, bà Carlill cho rằng giữa bà và CSB có một hợp đồng dựa trên quảng cáo của công ty và sự tin cậy của bà vào việc mua và sử dụng Quả bóng khói. Theo bà, quảng cáo rõ ràng là một loại hợp đồng, được thiết kế để thực hiện theo, chứ không phải là lời khoe khoang trống rỗng. Nó được đưa ra công chúng và ngay khách hàng sử dụng sản phẩm, được tính là việc thực thi hợp đồng.

Các luật sư của bà cho rằng việc CSB yêu cầu bà phải sử dụng quả cầu khói tại văn phòng công ty mới được đền tiền là vô lý, bởi quảng cáo không hề đưa ra yêu cầu này.

Trong khi đó, bị đơn lập luận rằng chẳng có hợp đồng ràng buộc nào, dù những từ ngữ trong quảng cáo thể hiện một ý định nhưng chúng không có nghĩa là một lời hứa. Họ lập luận, nội dung quảng cáo quá mơ hồ để cấu thành hợp đồng nghiêm túc. Đặc biệt, quảng cáo không nêu giới hạn thời gian nên càng không thể được coi là một loại hợp đồng. Và nếu có, thì nó chỉ là loại "hợp đồng cá cược", một nudum pactum (từ latin nghĩa gốc là "lời hứa suông", trong lĩnh vực luật pháp, có nghĩa một lời hứa không có hiệu lực pháp lý, chỉ có tính ràng buộc về mặt đạo đức, có thể hủy bỏ bất cứ lúc nào).

Theo họ, quảng cáo của họ về cơ bản nội dung là: "Tôi cá 100 bảng Anh rằng bạn sẽ không bị cúm khi dùng sản phẩm của chúng tôi". Thời kỳ đó, việc cá cược không có hiệu lực pháp lý nên CSB cho rằng họ không việc gì phải đền tiền cho khách.

Tòa sơ thẩm đứng về phía khách hàng. CSB kháng cáo lên tòa phúc thẩm cùng năm 1892. Những lập luận của đôi bên tiếp tục được trình bày suốt nhiều ngày liền.

CSB cho rằng nếu tòa phúc thẩm xử công ty thua, chỉ cần một khách thắng kiện, rất có thể sẽ kéo theo làn sóng 10.000 người đang hít bóng khói này với hy vọng kiếm được 100 bảng Anh bồi thường. "Sẽ là một trò hề nếu khiến công ty kém may mắn này rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán", CSB nêu.

Song những lời lẽ thống thiết này không thay đổi được cục diện. Tòa phúc thẩm đánh giá quảng cáo là thỏa thuận có ràng buộc pháp lý, không hề mơ hồ, và hoàn toàn nghiêm túc. Minh chứng rõ rệt nhất của sự nghiêm túc này là việc chính CBS đã khẳng định trong quảng cáo đã gửi 1.000 bảng Anh vào ngân hàng để "thể hiện sự chân thành trong vấn đề này".

HĐXX cho rằng hợp đồng không có gì là "mơ hồ", bởi vì bất cứ người bình thường nào đọc cũng hiểu điều kiện là mua và sử dụng sản phẩm, và nếu có hậu quả, tức là vẫn bị cúm thì khách được công ty đền tiền. Thời hạn của hợp đồng tuy không được thể hiện qua quảng cáo, nhưng sự thật là khách hàng đã bị cúm trong lúc vẫn đang sử dụng quả cầu khí.

Về quan điểm của CSB cho rằng quảng cáo dành cho cả thế giới, nên không thể coi quảng cáo là một loại hợp đồng, "chẳng ai ký hợp đồng được với cả thế giới hết". Tòa phản đối lập luận này với phân tích: Quảng cáo không phải là một lời đề nghị đơn phương cho toàn thế giới mà chỉ giới hạn cho những người thực hiện theo các điều khoản trong quảng cáo, và việc làm như vậy cấu thành sự chấp nhận các lời đề nghị của hợp đồng. Tóm lại, CSB thua kiện, phải trả 100 bảng cho bà Carlill.

Nhà sáng chế Frederick Roe dù thua kiện vẫn chứng tỏ mình là một doanh nhân nhiều kinh nghiệm. Ông ta thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn mới và bắt đầu quảng cáo trở lại vào tháng 2/1893.

Roe đã khéo léo biến toàn bộ vụ án thất bại thành có lợi cho mình. "Hàng nghìn quả bóng khói Carbolic đã được bán, nhưng chỉ có ba người nhận được tiền đền bù 100 bảng Anh. Qua đó chứng minh một cách thuyết phục rằng phương thuốc vô giá này sẽ ngăn ngừa và chữa khỏi các căn bệnh hô hấp. Công ty quyết định nâng phần đền bù lên 200 bảng Anh cho người mua Quả bóng khói Carbolic và sau đó mắc bất kỳ bệnh hô hấp nào trong danh mục quảng cáo".

Song trong quảng cáo lần này, Roe đã gài thêm một số điều kiện hạn chế, rằng khách hàng mắc cúm sau 90 ngày mua bóng sẽ không được đền bù. Công ty dù vậy đã thất bại và giải thể năm 1896. Roe qua đời 3 năm sau, ở tuổi 57 vì bệnh lao.

Luật sư của CSB, Herbert Henry Asquit, sau này trở thành Thủ tướng Anh giai đoạn 1908-1916. Ảnh: National Portrait Gallery

Luật sư của CSB, Herbert Henry Asquit, sau này trở thành Thủ tướng Anh giai đoạn 1908-1916. Ảnh: National Portrait Gallery

Dù thất bại trong vụ kiện kinh điển nhưng luật sư bào chữa cho CSB đã thành công trên chính trường, sau này trở thành Thủ tướng Vương quốc Anh, ông Herbert Henry Asquith. Bà Louisa Carlill cũng có cái kết hậu, khi sống tới tận năm 1942, thọ 96 tuổi.

Vụ án đặt nền móng và có ý nghĩa quan trọng với lĩnh vực luật hợp đồng và luật bảo vệ người tiêu dùng hiện đại. Đây cũng là một trong những vụ án đầu tiên mà sinh viên luật khắp Anh và Mỹ được học về luật hợp đồng.

Vụ kiện còn có tác động đến quảng cáo và vấn đề về thủ thuật y tế, nhắc nhở các doanh nghiệp rằng có một ranh giới pháp lý mà họ không thể vượt qua khi nói đến quảng cáo: Quảng cáo gây hiểu lầm là tội hình sự.

Hải Thư (Theo Guardian, ABC, Library of Congress, Journal of Legal Studies)

Xem thêm: lmth.0637464-muc-hcid-iad-gnort-gneit-iat-couht-oac-gnauq-neik-uv/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vụ kiện tai tiếng về quảng cáo 'uống thuốc sẽ không nhiễm cúm'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools