Xuất hiện trên tờ La Repubblica của Ý ngày 3-9, ông Pashinyan cho biết Nga đã không đảm bảo an ninh cho Armenia trước sự gây hấn từ nước láng giềng Azerbaijan tại vùng Nagorno-Karabakh.
Theo Hãng tin Reuters, Nga hiện có hiệp ước phòng thủ với Armenia và có căn cứ quân sự tại quốc gia này.
Tuy nhiên, trả lời La Repubblica, ông Pashinyan cho rằng Matxcơva không coi đất Armenia đủ thân thiết với Nga và nói bản thân tin rằng Nga đang trong quá trình rời khỏi khu vực Nam Caucasus. Do đó, Yerevan đang cố gắng đa dạng hóa các thỏa thuận an ninh của mình.
Giới quan sát nhận định phát biểu trên ám chỉ rõ ràng mối quan hệ của Armenia với Liên minh châu Âu và Mỹ, cũng như nỗ lực của nước này nhằm tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước khác trong khu vực.
"Cấu trúc an ninh của Armenia 99,999% liên kết với Nga, bao gồm cả việc mua sắm vũ khí và đạn dược", ông Pashinyan nói với La Repubblica.
"Nhưng ngày nay chúng tôi thấy rằng bản thân Nga cũng đang cần vũ khí và đạn dược (cho cuộc chiến ở Ukraine). Trong tình huống này, có thể hiểu rằng dù có muốn, Liên bang Nga cũng không thể đáp ứng nhu cầu an ninh của Armenia.
Ví dụ này chứng minh cho chúng tôi thấy rằng việc phụ thuộc vào chỉ một đối tác trong các vấn đề an ninh là một sai lầm chiến lược", ông Pashinyan giải thích.
Theo Reuters, lời nói của ông Pashinyan đã thể hiện sự phẫn nộ trong nội bộ Armenia.
Ngoài ra, Thủ tướng Pashinyan cáo buộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được triển khai để duy trì thỏa thuận ngừng bắn đã không thực hiện nhiệm vụ của mình.
Hiện Matxcơva chưa lên tiếng sau bài phỏng vấn của ông Pashinyan.
Nga đã chủ trì các cuộc đàm phán giữa Yerevan và Baku để tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình.
Nga từng kiềm chế trước những lời chỉ trích như vậy, bảo vệ hành động của mình và bác bỏ ý kiến cho rằng họ đã hạ thấp các ưu tiên khác trong chính sách đối ngoại vì Ukraine.
Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, nhưng 120.000 cư dân ở đây chủ yếu là người dân tộc Armenia.
Armenia và Azerbaijan từng xảy ra hai cuộc chiến tranh vào những năm 1990 và năm 2020, tại khu vực Nagorno - Karabakh (vùng đất có đông người dân Armenia sinh sống ở Azerbaijan).
Sáu tuần giao tranh vào mùa thu năm 2020 đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.500 người và kết thúc bằng lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian.
Ông Dmitry Polyansky, phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hiệp Quốc, cho rằng không thể loại trừ khả năng xảy ra xung đột toàn diện giữa Matxcơva và NATO.