Trái với diễn biến đa số các kỳ nghỉ lễ dài trước đây khi nhà đầu tư chạy đua bán cổ phiếu, tâm lý nhà đầu tư vẫn rất tích cực. TTCK cũng đã có phiên hồi phục khá tích cực về mặt điểm số và thanh khoản ở phiên cuối tháng 8. Đâu là góc nhìn của ông/bà về diễn biến của TTCK trong tháng 9, gần hơn nữa là tuần sau kỳ nghỉ lễ?
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Phiên ngày 18/08 là phiên bán tháo có phần bất ngờ, với biên độ rộng và thanh khoản lớn, và đặc biệt là trong bối cảnh thông tin không quá tiêu cực. Mối lo ngại của nhà đầu tư lúc này chủ yếu xoay quanh một số vấn đề như về tỷ giá USD (nhưng NHNN vẫn kiên trì với chính sách nới lỏng tiền tệ), và lo ngại từ sự suy yếu của TTCK Thế giới (nhưng rủi ro TTCK thế giới không quá tiêu cực với chỉ số VIX của S&P500 dao động quanh ngưỡng 15 điểm).
Có thể thấy rõ bối cảnh là phù hợp cho nhịp hồi kỹ thuật cho thị trường. Ngoài bất động sản và chứng khoán, dòng tiền hướng về các cổ phiếu cơ bản với nền tảng doanh nghiệp lành mạnh mạnh như ngành công nghệ với FPT, nhóm hóa chất với DGC, xuất khẩu như VNM, PTB.
Tuy nhiên tôi vẫn đánh giá thấp khả năng VN-Index vượt cản 1.250 ngắn hạn một cách bền vững, hay nói cách khác là nhà đầu tư nên cẩn trọng với những nhịp hưng phấn vượt cản giả. Một phần bởi yếu tố kỹ thuật do thị trường đã trải qua giai đoạn phân phối kéo dài từ cuối tháng 7 và tạo ra áp lực chờ bán lớn. Một phần khác là do yếu tố dòng tiền khi nhóm có tính chất dẫn dắt là Ngân hàng không có nhiều dư địa để tạo ra sự đột biến ngay, dù mặt bằng định giá lúc này còn rẻ.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
TTCK tháng 9 có lẽ vẫn diễn biến tích cực với thanh khoản cao duy trì như hiện nay. Xu hướng của VN-Index trong tháng 9 có lẽ vẫn sẽ quay lại khu vực 1.250 - 1.280 điểm. Diễn biến giao dịch tuần đầu tiên của tháng 9 nhiều khả năng vẫn là khởi sắc với đà tăng của nhiều nhóm cổ phiếu công nghệ, dầu khí, bán lẻ, tài chính...
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Nhìn chung, xu thế của thị trường vẫn được đánh giá là tích cực. Diễn biến trước kỳ nghỉ lễ vẫn duy trì được trạng thái này phần nào nhờ hiệu ứng từ việc tổng thống Mỹ sẽ tới Việt Nam trong ít ngày tới.
Chính nhờ hiệu ứng này, xu thế tích cực vẫn được đánh giá cao hơn sau kỳ nghỉ lễ, tuy nhiên nhìn xa hơn một chút, diễn biến TTCK trong tháng 9 được tôi đánh giá là khó lường.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS) |
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Với việc lượng hàng bắt đáy trong hai phiên 22/08 và 23/08 đã được hấp thụ tốt, có thể khẳng định thị trường đã tìm được điểm cân bằng. Tuy vậy, sức mạnh của dòng tiền sẽ được kiểm chứng sau kỳ nghỉ lễ khi lực bán gia tăng từ hoạt động chốt lãi của giới đầu tư khi hàng loạt cổ phiếu, nhất là cổ phiếu ngoài nhóm VN30, đã đồng loạt áp sát và thậm chí vượt mức giá ghi nhận trước phiên giảm điểm mạnh ngày 18/08. Theo đó, chỉ số VN-Index dự kiến dao động trong biên độ 1.215 – 1.250 điểm trong tuần 05/09 – 08/09.
Vậy những yếu tố tác động đến diễn biến thị trường trong tháng 9, theo các ông/bà?
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Diễn biến đầu tiên phải kể tới là quá trình hạ lãi suất cho vay của các Ngân hàng thương mại. Quá trình nới lỏng tiền tệ đã diễn ra trong quá trình dài, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ thực sự được hỗ trợ khi lãi suất cho vay doanh nghiệp, cho vay đầu tư thực sự hạ về mặt bằng năm 2022. Với những khoản lãi suất huy động cuối năm 2022 đang dần đáo hạn, kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ liên tục giảm từ nay tới cuối 2023.
Yếu tố đáng chú ý thứ 2 là kỳ FOMC sẽ diễn ra vào 19-20/09. Dù xác suất nâng lãi suất lần này chỉ còn 10%, điểm quan trọng hơn mà nhà đầu tư cần theo dõi là quan điểm của Fed về nền kinh tế Mỹ, và đánh giá sự cần thiết của việc tiếp tục giữ mức lãi suất cao để kiềm chế lạm phát. Việt Nam là nền kinh tế mở, và để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 đòi hỏi sự phục hồi của những đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Vào ngày 10/09 tới đây, tổng thống Joe Biden sẽ có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam, trong đó thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Những doanh nghiệp được hưởng lợi có thể liên quan tới sản xuất công nghệ cao (FPT), hoặc nằm trong chuỗi hưởng lợi từ dòng vốn FDI như bất động sản khu công nghiệp.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Nhiều số liệu kinh tế vĩ mô tích cực hơn ở quý III cung cấp nhiều thông tin hữu ích với các nhà đầu tư so với 2 quý đầu tiên với nhiều dữ liệu ảm đạm. Xu hướng nới lỏng chính sách đi kèm với việc đẩy mạnh hoạt động đầu tư công sẽ là tín hiệu tốt hỗ trợ thị trường. Các NHTW nhiều khả năng sẽ giữ nguyên mặt bằng chính sách trước khi có những chương trình hỗ trợ nền kinh tế khi số liệu lạm phát có tín hiệu hạ nhiệt. Các DNNY sẽ có những kết quả kinh doanh ước tính - TTCK có những diễn biến khởi sắc hơn cũng là điều dễ hiểu.
Ông Lê Đức Khánh |
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Yếu tố quan trọng nhất vẫn là việc mặt bằng lãi suất đang được duy trì ở mặt bằng thấp, không những vậy NHNN được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm lãi suất điều hành, kênh tiền gửi không hấp dẫn đã và đang thúc đẩy dòng tiền chảy vào TTCK.
Tuy nhiên với việc TTCK đã trải qua hành trình hồi phục rất dài kể từ đầu năm, mặt bằng giá cổ phiếu hiện đã không còn rẻ, rủi ro lướt sóng ngắn hạn cũng đã lên mức cao hơn.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Đối với các sự kiện trong nước, tháng 9 là thời điểm hàng loạt doanh nghiệp đối diện với các khoản trái phiếu đến hạn trị giá gần 32.500 tỷ đồng, theo dữ liệu từ VBMA.
Cùng với đó, hiệu quả thực tế từ việc áp dụng chính sách cho vay mới theo sửa đổi tại Thông tư 06 cũng là một yếu tố quan trọng để đánh giá triển vọng “phá băng” thanh khoản trên thị trường bất động sản cũng như khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng (đạt 4,3% tính đến cuối tháng 7).
Ngoài ra, tốc độ thực hiện các dự án đầu tư công khi hàng loạt dự án mới đồng loạt khởi công cũng sẽ là yếu tố đáng chú ý để đánh giá khả năng phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Về các yếu tố ngoài nước, quyết định của Fed trong cuộc họp chính sách tháng 9 vẫn cần được theo dõi khi tỷ giá trong nước đã bắt đầu tăng trở lại từ cuối tháng 8, khiến chênh lệch lãi suất VND/USD xuống mức thấp kỷ lục. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần theo dõi các chính sách kích cầu nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc – đối tác đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Trong khi nhiều quốc gia như Mỹ, các nước châu Âu sẵn sàng nâng lãi suất để đưa lạm phát về mục tiêu, thì các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam đang theo chiến lược nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng khi liên tục hạ lãi suất. Ông/bà đánh giá như thế nào về chuyển động của dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền mới có đổ nhiều vào TTCK?
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Dòng tiền đổ vào thị trường trong giai đoạn qua được chúng tôi đánh giá là đáng kể. Lượng tiền mặt đổ vào thị trường cũng đi kèm với việc gia tăng sử dụng ký quỹ. Tỷ lệ giá trị ký quỹ với giá trị giao dịch toàn thị trường là chưa nóng, nhưng tỷ lệ giá trị ký quỹ với vốn hóa toàn thị trường đang ở mức cao. Cùng với đó, khi lãi suất cho vay sụt giảm sẽ có dòng tiền vay nợ đổ vào thị trường. Đây là một số dòng tiền nóng mà nhà đầu tư cần lưu ý.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
FED có thể sẽ không tăng lãi suất ở kỳ họp tháng 9 này trong khi ECB, Ngân hàng trung ương Anh sẽ không tăng lãi suất ngoại trừ một số ngân hàng các nước châu Âu có thể tính đến việc chỉ tăng nhẹ - Số liệu lạm phát nhiều nước và khu vực kinh tế lớn đã có tín hiệu hạ nhiệt - Dòng tiền chuyển dịch sang TTCK khi không có kênh đầu tư nào hấp dẫn hơn.
Dòng tiền đã gia tăng mạnh trên thị trường Việt Nam kể từ quý II - dòng tiền mới cũng đã và đang gia tăng trên TTCK có thể khiến mặt bằng nhiều cổ phiếu có thể thiết lập ở mức cao hơn so với giai đoạn cuối tháng 8.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Như tôi đã nói ở trên, dòng tiền đã đang và sẽ còn chảy vào TTCK, tuy nhiên tôi không đánh giá cao khả năng dòng tiền mới sẽ đổ thêm nhiều vào TTCK bởi bài học trong quá khứ cũng chỉ mới xảy ra gần đây (khi cổ phiếu đã trải qua mức độ tăng trưởng dài), và Việt Nam cũng đã ở gần cuối chu kỳ nới lỏng.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Với việc thanh khoản thị trường vẫn duy trì trên mốc 20.000 tỷ mỗi phiên bất chấp kỳ nghỉ lễ đang đến gần, có thể thấy dòng tiền vẫn tiếp tục chọn ở lại kênh chứng khoán. Đây là xu thế tương đối hợp lý khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng kỳ hạn 1 năm đã xuống thấp hơn mức 6%, thấp hơn giai đoạn Covid-19. Trong khi đó, các sản phẩm bất động sản dù đã được chiết khấu nhưng mặt bằng giá vẫn duy trì ở mức cao, khó phù hợp với khẩu vị của giới đầu tư.
Ông Lâm Gia Khang |
Dòng tiền luân chuyển ở nhiều nhóm cổ phiếu nhưng bất động sản và chứng khoán vẫn đang là hai nhóm ngành hút dòng tiền mạnh nhất. Nếu coi hiện tại là giai đoạn tích lũy, vậy đâu là những nhóm ngành/cổ phiếu có nhiều cơ hội bứt phá trong giai đoạn tới, theo ông?
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Ngành thực phẩm, và nhỏ hơn là các doanh nghiệp sản xuất sữa, thường ít được chú ý. Một phần lý do bởi đặc thù là ngành sản phẩm thiết yếu và ít cổ phiếu niêm yết trên sàn, trừ những cái tên tiêu biểu như VNM hay MCM. Tuy nhiên kể từ cuối tháng 6 năm nay, dòng tiền lớn bắt đầu dồn tiêu điểm vào ngành sữa và DSC cũng đánh giá cao tiềm năng câu chuyện ngành trong nửa cuối năm 2023.
Về mặt thách thức, mặc dù với đặc tính là sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu, tuy nhiên tình hình kinh tế thiếu ổn định vẫn có thể gây ra các tác động bất lợi cho các ngành hàng tiêu dùng nói chung và ngành sữa nói riêng khi làm suy giảm mức độ tiêu thụ của thị trường. Cụ thể, GDP bình quân 6 tháng đầu năm ước tính tăng 3,72% so với cùng kì năm trước, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đề ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu nhất là đối với các doanh nghiệp đang muốn mở rộng thị phần sang các thị trường nước ngoài như Vinamilk.
Tuy nhiên so với mặt thách thức, quy mô ngành sữa Việt Nam đã đạt mức 5 tỷ USD trong năm 2023 và còn nhiều động lực tăng trưởng. Hiện mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ khoảng 27l/người/năm thấp hơn khá nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore. Đặc biệt, với nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm có lợi cho sức khỏe thì ngành sữa Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa đặc biệt là các mảng sản phẩm sữa thay thế như sữa chua, sữa ngũ cốc, sữa trái cây và sữa dành cho người lớn tuổi. Theo nhiều dự báo, mức tiêu thụ bình quân sữa đầu người tại Việt Nam sẽ đạt 40 lít/người/năm vào 2030, tương đương tốc độ tăng trưởng kép khoảng 4% hàng năm.
Tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong năm nay đến từ yếu tố nguyên liệu đầu vào. Gía nguyên liệu bột sữa đang ở mức rất thấp khi giá WMP đã giảm còn 2.864 USD/Tấn (tháng 8/2023) giảm đến gần 40% so với mức kỷ lục vào tháng 3 năm 2022 và đánh dấu mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp sữa Việt Nam tích trữ nguồn nguyên liệu giá rẻ để từ đó cải thiện biên lợi nhuận cũng như tối đa hóa doanh thu. Hiện nay, New Zealand, Úc và EU vẫn là những thị trường nhập khẩu chính của các doanh nghiệp sữa Việt Nam bên cạnh nguồn cung từ đàn bò có sẵn trong nước.
Ngoài ra, giá ngô (một trong những nguyên liệu thức ăn cho bò sữa) cũng đang neo ở mức rất thấp khoảng 6.150-6.400 đồng/kg (thấp nhất kể từ tháng 12/2020) và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong nửa cuối năm 2023 nhờ vào điều kiện khí hậu thuận lợi cũng sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp sữa giảm được lượng lớn chi phí đầu vào.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Các nhóm ngành như công nghệ, bán lẻ, dầu khí, thép... có thể là những nhóm ngành ăn khách giai đoạn tới.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
2 nhóm cổ phiếu này chính là các nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất trong thời kỳ downtrend trước đó, do vậy sự phục hồi cũng sẽ mạnh hơn mặt bằng chung. Bất động sản và Chứng khoán cũng là các ngành được hưởng lợi gần nhất từ chính sách tiền tệ nới lỏng.
Chính vì vậy, tôi đánh giá 2 nhóm cổ phiếu này vẫn sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền ở mức độ cao hơn các nhóm ngành khác, nếu như xu thế tích cực của thị trường vẫn được kéo dài.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Hưởng lợi lớn từ mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức thấp kỷ lục, chứng khoán vẫn là nhóm có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới. Việc tần suất xuất hiện các phiên giao dịch có giá trị tỷ USD được kỳ vọng giúp cải thiện hiệu quả hoạt động mảng môi giới và cho vay margin. Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh cũng được kỳ vọng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực nhờ mức nền so sánh thấp và diễn biến tích cực của thị trường.
Nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc giải ngân vào nhóm cổ phiếu bất động sản. Từ đầu năm 2023, Chính phủ và NHNN đã tiến hành nhiều biện pháp tháo gỡ các khó khăn về pháp lý, giảm mặt bằng lãi suất trong nước thông qua việc 3 lần hạ lãi suất điều hành, ban hành Thông tư 08 cho phép các doanh nghiệp và trái chủ xử lý các vướng mắc về trái phiếu…
Thanh khoản thị trường cũng dự kiến cải thiện từ quý IV khi chủ đầu tư đã tiến hành chiết khấu sản phẩm và khách hàng được tiếp cận dòng vốn dễ dàng hơn khi từ 01/09, các ngân hàng có thể cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích phục vụ nhu cầu khác ngoài hoạt động kinh doanh, như các khoản nợ vay mua nhà, mua ô tô. Tuy vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý lựa chọn các doanh nghiệp sở hữu các dự án có pháp lý rõ ràng, sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức hợp lý và có kế hoạch bàn giao các sản phẩm cho khách hàng trong giai đoạn 2023 – 2024F.
Cuối cùng, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công như xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng (đá, nhựa đường, xi măng…) cũng có nhiều tiềm năng trưởng khi giai đoạn nửa cuối năm là giai đoạn hàng loạt dự án bước vào cao điểm khởi công. Trong khi đó, đầu tư công lại là thành tố quan trọng nhất nhằm hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Mỹ, EU chưa cho thấy nhiều tín hiệu hồi phục, đồng thời nguy cơ tình trạng giảm phát kéo dài tại thị trường Trung Quốc đang trở nên rõ ràng hơn.
Dù rủi ro ngắn hạn đã giảm đáng kể, nhưng nhà đầu tư vẫn được khuyến nghị hạ dần tỷ lệ đòn bẩy trong giai đoạn này cho đến khi xu hướng ngắn hạn của thị trường xác nhận tăng. Đâu là chiến lược hợp lý ở giai đoạn này, theo ông/bà?
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC
Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư cần nhanh chóng hạ tỷ trọng ở những cổ phiếu đầu cơ. Rủi ro không chỉ đến từ thị trường chung, mà dòng tiền đang có dấu hiệu hướng về nhóm cổ phiếu cơ bản khi định giá thị trường không còn rẻ.
Cùng với đó như đã đề cập, tôi vẫn đánh giá thấp khả năng VN-Index vượt cản 1.250 ngắn hạn một cách bền vững, hay nói cách khác là nhà đầu tư nên cẩn trọng với những nhịp hưng phấn vượt cản giả. Một phần bởi yếu tố kỹ thuật do thị trường đã trải qua giai đoạn phân phối kéo dài từ cuối tháng 7 và tạo ra áp lực chờ bán lớn. Một phần khác là do yếu tố dòng tiền khi nhóm có tính chất dẫn dắt là Ngân hàng không có nhiều dư địa để tạo ra sự đột biến ngay, dù mặt bằng định giá lúc này còn rẻ.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC |
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Giai đoạn tích luỹ cổ phiếu vẫn được ưu tiên trong khi việc giao dịch linh hoạt đối với các cổ phiếu tăng giá nhanh ở một số giai đoạn tăng "sốc" của thị trường cũng cần được lưu ý. Nhà đầu tư cũng nên chú ý về các nhóm cổ phiếu tăng giá nhiều giai đoạn vừa qua như nhóm cổ phiếu chứng khoán chẳng hạn để chuyển mục tiêu sang các cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc có nhiều dư địa tăng giá như nhóm thép, hoá chất, cảng biển, dầu khí...
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Xu thế ngắn hạn đã được xác nhận tích cực từ khá lâu rồi chứ không còn trong trạng thái chờ xác nhận tăng nữa. Ngược lại, tôi lại đánh giá rủi ro ngắn hạn đã cao hơn đáng kể so với giai đoạn vài tháng qua. Tuy nhiên với việc xu thế tích cực vẫn đang khá rõ ràng, nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tham gia thị trường, và cần lưu ý chiến lược xoay vòng để giảm thiểu rủi ro, hạn chế việc mua đuổi, đặc biệt tại các cổ phiếu tăng nóng và có tính đầu cơ cao.
Còn với nhà đầu tư trung và dài hạn thì cần có kỹ năng để tìm kiếm được các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định đồng thời giá cổ phiếu đang ở vùng hấp dẫn. Nên ưu tiên nắm giữ tránh việc để diễn biến ngắn hạn của thị trường chung ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)
Nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt ở mức 60/40, đồng thời hạn chế sử dụng margin khi thị trường dần áp sát kháng cự mạnh 1.240 điểm.
Nhà đầu tư dài hạn được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ, tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường để gia tăng vị thế tại các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2023, đầu năm 2024 như chứng khoán, bất động sản, xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng…