Tăng sốc, giảm sâu
Trong gần 1 năm, từ tháng 9/2022 đến 2/8/2023, thị giá PIT đi ngang ở mức 4.000 - 5.000 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản thấp. Nhưng từ đầu tháng 8, cổ phiếu này liên tiếp có
14 phiên tăng giá, trong đó có 12 phiên tăng trần liên tục, từ mức 5.300 đồng/cổ phiếu lên 11.800 đồng/cổ phiếu vào phiên 18/8, ghi nhận mức tăng 122%.
Theo giải trình của Xuất nhập khẩu Petrolimex, “cổ phiếu tăng là do cung cầu của thị trường, quyết định mua bán cổ phiếu của nhà đầu tư nằm ngoài kiểm soát Công ty và Công ty không có sự tác động đến giá giao dịch”.
Ngay sau chuỗi ngày tăng trần liên tiếp, ngày 21/8/2023, doanh nghiệp đã công bố thông tin thoái vốn của cổ đông lớn. Theo đó, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex sẽ bán ra toàn bộ 8 triệu cổ phiếu PIT, tương ứng 52,67% vốn điều lệ của Công ty Xuất nhập khẩu Petrolimex.
Số cổ phần này hiện do ông Trần Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị PIT; ông Huỳnh Đức Thông, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc và ông Nguyễn Đình Thanh, thành viên Hội đồng quản trị Công ty là đại diện sở hữu. Giao dịch được thực hiện trong thời gian từ ngày 25/8 - 2/9/2023 theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Việc thoái vốn được thực hiện theo chỉ đạo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Sau thông tin này, cộng với việc ngày 25/8/2023, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo giữ nguyên diện cảnh báo với cổ phiếu PIT do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm cuối tháng 6/2023 vẫn là con số âm, cổ phiếu này vào nhịp giảm mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, thị giá PIT về mức 8.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm hơn 26% so với đỉnh ngắn hạn.
Hiệu quả kinh doanh đi xuống
Xuất nhập khẩu Petrolimex có tên cũ là Công ty Xuất nhập khẩu Petrolimex, được thành lập năm 1999. Ngày 1/10/2004, Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Ngày 24/1/2008, cổ phiếu của Công ty được niêm yết trên sàn HOSE. Công ty có hoạt động kinh doanh chính là xuất nhập khẩu hàng hóa nông lâm thủy hải sản, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng, máy móc thiết bị ngành công nghiệp, nông nghiệp, phương tiện vận tải, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng…
Sáu tháng đầu năm nay, Công ty ghi nhận doanh thu hơn 305 tỷ đồng, giảm 37,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 161 triệu đồng, giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình của Xuất nhập khẩu Petrolimex, doanh thu nửa đầu năm giảm do năm nay, Công ty đóng cửa ngành hàng cao su. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn, các thị trường xuất khẩu chính là châu Âu và Mỹ suy giảm sức cầu.
Tính hết quý II/2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty vẫn còn âm 21,2 tỷ đồng. Báo cáo tài chính của Công ty cho thấy, cuối tháng 6, nợ phải trả của Công ty là 173,6 tỷ đồng, cao gấp 1,47 lần vốn chủ sở hữu; trong đó, nợ phải trả ngắn hạn chiếm hơn 98,5%. Công ty đang có khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 156 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với đầu năm, trong khi tiền và các khoản tương đương tiền là hơn 9 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 4 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn là 57,3 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 12,6%, đạt 97,9 tỷ đồng.