Dư luận đang quan tâm việc hàng trăm ha đất rừng phải nhường lại cho dự án hồ thủy lợi Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận. Trong đó, có cả rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với nhiều cây cổ thụ quý hiếm…
Phản hồi lại các thông tin trên, địa phương cho biết dự án đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Mục tiêu của dự án là tưới cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp vùng hạn hán, cung cấp nước thô cho khu công nghiệp, điều tiết lũ…
Hàng trăm ha rừng phải nhường chỗ cho dự án
Dự án hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2020 và vừa điều chỉnh, bổ sung ngày 24-6-2023.
Quy mô dự án gồm hồ điều tiết với dung tích với 51,21 triệu m3, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác.
Tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh là 874,089 tỉ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương là 519,927 tỉ đồng, còn lại là địa phương.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án là 693,31ha, trong đó diện tích có rừng là 680,41ha.
Diện tích có rừng gồm: 162,55ha là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là 0,91ha, rừng sản xuất là 471,09ha, rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 45,85ha. Còn lại là diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12,9ha.
Thủ tướng đã giao cho UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, ngay sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, tình hình dịch COVID-19 đã làm gián đoạn việc triển khai dự án trong 2 năm.
Theo tỉnh, dự án có diện tích rừng phải chuyển đổi là tương đối lớn. Vì vậy, việc điều tra, đánh giá hiện trạng rừng đòi hỏi nhiều thời gian nên tiến độ dự án bị chậm.
Ngoài ra, do trượt giá nguyên vật liệu xây dựng, nhân công và nhiều chi phí phát sinh tổng mức đầu tư tăng so với số liệu thuyết minh ban đầu. Đến nay, công tác điều tra, kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng đã hoàn thành.
Mở rộng khu vực trồng rừng thay thế
Diện tích rừng trồng lại để thay thế trong dự án là khoảng 1.844,54ha. Tỉnh đã phê duyệt phương án trồng thay thế (đợt I) với diện tích là 434,22ha (144,74ha rừng tự nhiên). Hiện tỉnh đang rà soát, bổ sung đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế 1.410,32ha còn lại.
Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và Tà Kóu là hai vị trí sẽ trồng rừng đặc dụng thay thế.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc và khảo sát thực tế, tỉnh Bình Thuận đề nghị bổ sung một số khu vực khác để trồng rừng thay thế cho phù hợp.
Theo đó, tỉnh dự kiến mở rộng trồng rừng thay thế cả ở khu vực được quy hoạch rừng sản xuất mà không chỉ giới hạn ở khu quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ. Với hơn 2.000 ha đất rừng sản xuất của tỉnh có thể trồng rừng thay thế.
Nếu được Quốc hội cho phép, tỉnh sẽ trồng đồng thời trên diện rộng, rút ngắn thời gian hoàn thành việc trồng rừng thay thế của dự án và đồng bộ với tiến độ hoàn thành xây dựng công trình.
Theo tỉnh Bình Thuận, mục tiêu của dự án là cấp nước tưới cho 7.762ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam.
Dự án còn cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II khoản 2,63 triệu m3/năm, tạo nguồn nước thô để cấp nước sinh hoạt cho khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.
Khi đưa vào sử dụng, dự án còn có mục tiêu phòng, chống lũ và cải tạo môi trường sinh thái, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và một phần đoạn qua TP Phan Thiết.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam đã sẵn sàng và sẽ có cách tiếp cận phù hợp với quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR).