PGS-TS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho biết, GS-TS Văn Tần đã từ trần lúc 10 giờ 15 ngày 4.9 tại nhà riêng, hưởng thọ 92 tuổi. GS-TS Văn Tần đã cống hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp y khoa và sự nghiệp giáo dục, đào tạo của ngành y tế TP.HCM và cả nước. Sự ra đi của ông đã để lại bao tiếc thương cho gia đình, người bệnh, đồng nghiệp và các thế hệ học trò ngành y.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Bình Dân, GS-TS Văn Tần một trong những "bàn tay vàng" trong ngành ngoại khoa Việt Nam, ông đã trực tiếp tham gia hơn 30.000 ca mổ khó, phức tạp. Một trong những ca mổ phức tạp nhất mà GS-TS Văn Tần từng là phẫu thuật viên chính cùng GS Trần Đông A, GS Trần Thành Trai trong ca mổ "huyền thoại" vào năm 1988 tách cặp song sinh Việt - Đức. Ca mổ trở thành mốc son trong lịch sử y học Việt Nam, không chỉ cứu sống được bệnh nhân mà còn thay đổi cách nhìn của thế giới về y học nước nhà. Ông nổi tiếng với phẫu thuật gan, cắt giao cảm ngực, phình động mạch chủ bụng.
Ông là GS-TS khoa học, thầy thuốc nhân dân, anh hùng lao động. Ông là người "mẹ hiền" thức khuya, dậy sớm, hết lòng vì bệnh nhân. Ông học từ bệnh nhân và từ sách vở với những ca bệnh khó, ông quan niệm giúp người bệnh mau lành trở về và bệnh nhân cũng giúp mình. Ông là người dạy học trò "y đức" đặt lên hàng đầu và luôn được học trò yêu mến. Cả cuộc đời GS-TS Văn Tần gắn liền với phòng mổ, bệnh nhân dù khi đã lớn tuổi, về hưu. Hình ảnh của ông là nguồn động viên đồng nghiệp, học trò.
Đặc biệt, GS-BS Văn Tần có nhiều công trình nghiên cứu trong 5 bệnh lý ngoại khoa, gồm: chấn thương chỉnh hình, lồng ngực, ổ bụng, tim mạch và thần kinh. Ông có hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học, 450 báo cáo khoa học trong nước và quốc tế, chủ biên 13 quyển sách chuyên ngành và hướng dẫn khoa học cho nhiều thế hệ bác sĩ.
Tất cả nhân viên và người bệnh tại Bệnh viện Bình Dân đều biết một lịch trình làm việc rất đặc biệt của GS-TS Văn Tần. Ngày nào ông cũng đến bệnh viện từ rất sớm, từ 5 giờ sáng để thăm khám cho từng người bệnh, nhất là những trường hợp bệnh phức tạp trước giờ giao ban để lưu ý cho các bác sĩ điều trị. Ông dành nhiều thời gian trong phòng làm việc để tập trung nghiên cứu, viết sách và ra về khi thành phố đã lên đèn. Ông vẫn duy trì thói quen này và luôn có mặt bất cứ lúc nào người bệnh cần, dù là ngày lễ, tết hay đêm khuya. Ông xem Bệnh viện Bình Dân như ngôi nhà thứ hai của mình và người bệnh như người thân, ngay cả suốt thời gian còn lại của cuộc đời cho đến ngày ông ra đi mãi mãi.
GS-TS Văn Tần sinh năm 1932 tại Quảng Trị. Từ năm 1981, ông từng là Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân.
GS-TS Văn Tần được Nhà nước, Bộ Y tế vinh danh Thầy thuốc ưu tú vào năm 1997, Thầy thuốc nhân dân vào năm 2005, Anh hùng Lao động vào năm 2006. Ông còn được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất, tập thể kíp mổ Việt - Đức năm 1988; Huy chương Vì thế hệ trẻ năm 1989; Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch về cải tiến phẫu thuật phình động mạch chủ năm 1995; Huân chương Lao động hạng ba năm 1996; Huy chương Vì sức khỏe nhân dân năm 2004; Công trình Lao động sáng tạo tiêu biểu 1975 - 2005 về phẫu thuật ung thư gan và phẫu thuật phình động mạch chủ bụng; Huân chương Lao động hạng nhất năm 2014.
GS-TS Văn Tần từng giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội Ngoại tim mạch - lồng ngực Việt Nam; Chủ tịch Phân hội Nội soi lồng ngực Việt Nam; thành viên Ban Chấp hành các hội ngoại khoa, ung thư, khoa học tiêu hóa, gan mật Việt Nam và một số hội quốc tế...