Ngày 4-9, tờ New York Times dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ và đồng minh nói lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sắp tới Nga trong tháng này, có khả năng là nhân sự kiện Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại Vladivostok, theo lịch diễn ra từ ngày 10 tới 13-9.
Lo ngại liên minh vũ khí Triều Tiên - Nga
Lâu nay, phương Tây nghi ngờ một số nước có thể đang cung cấp vũ khí cho Nga. Các nước nằm trong diện nghi vấn gồm Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.
Tháng 6 vừa qua, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết ông Kim tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác chiến lược với Nga. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó cho biết Washington lo ngại Triều Tiên đang lên kế hoạch cung cấp thêm thiết bị quân sự cho Nga.
Ngày 30-8, Nhà Trắng lại thông tin Mỹ lo ngại rằng các cuộc đàm phán vũ khí giữa Nga và Triều Tiên đang "tiến triển tích cực". Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến thăm Triều Tiên để thuyết phục Bình Nhưỡng bán đạn pháo cho Nga.
Mối lo ngại này có thể trở thành hiện thực, nếu nguồn tin tình báo mới đây chính xác, nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ đích thân tới Nga trong một chuyến xuất ngoại hiếm hoi.
Theo New York Times, ông Kim có thể đi từ Bình Nhưỡng tới thành phố Vladivostok của Nga, cách Bình Nhưỡng không xa, bằng xe lửa bọc thép.
Tình báo Mỹ và đồng minh cho rằng Triều Tiên có thể chuyển đạn pháo và tên lửa chống tăng cho Nga. Đổi lại, Nga sẽ cung cấp công nghệ tiên tiến cho Triều Tiên trong các lĩnh vực như vệ tinh, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tình báo nước này nói Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khi đến thăm Triều Tiên hồi tháng 7 đã đề xuất với ông Kim về khả năng Nga và Triều Tiên tập trận hải quân chung cùng Trung Quốc.
Phương Tây sợ điều gì về Nga và Triều Tiên?
Thực tế dù thể hiện mong muốn thắt chặt quan hệ quốc phòng với Nga, đến nay Triều Tiên vẫn bác bỏ các thông tin về "đàm phán vũ khí" giữa Bình Nhưỡng và Matxcơva. Điều này dù vậy cũng không ngăn Mỹ áp lệnh trừng phạt bổ sung lên Triều Tiên gần đây.
Điều khiến phương Tây lo ngại nhất không hẳn là việc Triều Tiên sẽ "giúp sức" cho Nga ở Ukraine. Nếu quan hệ quốc phòng Nga - Triều được tăng cường theo mô tả từ tin đồn hiện nay, Triều Tiên sẽ có thêm sức mạnh phát triển vũ khí hạt nhân.
Thứ nhất, Mỹ tìm cách đánh vào kinh tế Triều Tiên nhằm ngăn Bình Nhưỡng tài trợ cho chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, Triều Tiên đã tránh điều này bằng cách "lấy vũ khí nuôi vũ khí".
Xuất khẩu vũ khí của Triều Tiên tăng trưởng đều đặn cùng cơ sở công nghiệp quốc phòng kể từ những năm 1970, theo nhà phân tích Daniel Salisbury (King's College, Anh). Số tiền bán vũ khí chính là nguồn tài chính đáng kể để Triều Tiên tái đầu tư vào chương trình phát triển vũ khí của mình.
Thứ hai, phương Tây cho rằng Triều Tiên gửi vũ khí cho Nga để đổi lại việc tiếp cận công nghệ tiên tiến. Có rất ít bằng chứng về việc Nga chuyển giao công nghệ cho Triều Tiên, nhưng các diễn biến mới vẫn đủ để khiến phương Tây lo ngại.
Một vấn đề nữa được quan tâm là khi Triều Tiên, Nga, Trung Quốc, hay Iran xích lại gần nhau, căng thẳng địa chính trị sẽ gia tăng với kịch bản không khác gì chiến tranh lạnh.
Nga và Trung Quốc là hai lá phiếu ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một nhóm các nước mạnh vốn chỉ có thể thông qua một nghị quyết nếu không ai bỏ phiếu phản đối. Cơ chế này khiến các lệnh trừng phạt tiếp theo của Liên Hiệp Quốc lên Triều Tiên ngày càng khó thông qua.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi thư cam kết phát triển mối quan hệ thành "quan hệ chiến lược lâu dài".