Giới đầu tư vào tập đoàn bất động sản khổng lồ Country Garden được thở phào nhẹ nhõm vào ngày hôm nay, sau khi công ty này được chấp thuận trì hoãn trả nợ lô trái phiếu đáo hạn. Điều này giúp Country Garden tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ - ít nhất là trong vài ngày, đồng thời cứu trợ tạm thời cho ngành bất động sản Trung Quốc vốn đã điêu đứng suốt thời gian qua, theo CNN.
Tuy nhiên, Country Garden chưa hẳn đã thoát khỏi khó khăn. Công ty này không thể thanh toán lãi trái phiếu vào tháng trước và khoảng thời gian ân hạn 30 ngày sẽ kết thúc trong tuần này. Việc không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán trên sẽ đẩy Country Garden vào tình cảnh vỡ nợ.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu Country Garden bật tăng 15% tại sàn Hong Kong (Trung Quốc) sau khi các chủ nợ đồng ý gia hạn thanh toán lô trái phiếu trị giá 3,9 tỷ nhân dân tệ (540 triệu USD). Đây là mức tăng cao kỷ lục trong 9 tháng, song vẫn giảm 62% từ đầu năm cho đến nay.
Theo Southern Media Group, hơn 56% chủ sở hữu trái phiếu, bao gồm các ngân hàng quốc doanh lớn và quỹ cổ phần tư nhân, đã bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận. Theo đó, Country Garden giờ đây được gia hạn thanh toán số tiền gốc 540 triệu USD đến năm 2026. Tuy nhiên, khoản lãi trái phiếu vẫn phải được trả theo đúng kế hoạch, tức trong tuần này.
“Gần 70% gốc trái phiếu được trì hoãn thanh toán đến 3 năm sau. Điều này có thể giảm đáng kể áp lực lên Country Garden và cải thiện khả năng trả nợ dài hạn”, đại diện các chuyên gia phân tích của Huatai Securities viết trong một báo cáo.
Tuy nhiên, Yeap Jun Rong, nhà phân tích thị trường tại IG, cho biết bài học trước đây từ vụ vỡ nợ năm 2021 của China Evergrande cho thấy bất kỳ sự gia hạn nào cũng có thể chỉ là “một khoản ân xá ngắn hạn”. Đây vẫn chính là “cơn gió ngược” đối với rất nhiều nhà đầu tư.
Country Garden, công ty phát triển nhà ở lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu hồ năm ngoái, đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tiền mặt. Tuần trước, công ty này ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, thừa nhận không thể thanh toán lô trái phiếu đến hạn và có thể vỡ nợ nếu điều kiện tài chính tiếp tục đi xuống.
So với mức đỉnh hồi tháng 1, cổ phiếu Country Garden trước đó đã lao dốc xuống chỉ còn 0,1 USD (hơn 2 nghìn đồng) - diễn biến tệ nhất trong chỉ số Hang Seng. Điều này dẫn đến lo ngại rằng công ty này cuối cùng cũng sẽ nhận kết cục giống China Evergrande - gã khổng lồ bất động sản sụp đổ vào năm 2021.
Rosealea Yao, một nhà phân tích bất động sản tại Gavekal, cho biết: “Country Garden vỡ nợ có thể tác động tương tự như Evergrande, đơn giản vì nó quá lớn. Các nhà hoạch định chính sách chưa làm hết sức để củng cố niềm tin. Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi chính phủ phản ứng”.
Bất động sản hiện là mối bận tâm lớn nhất của Trung Quốc do có mối liên hệ mật thiết với nền kinh tế và ảnh hưởng đến tất cả mọi người, từ các nhà sản xuất thép, nhà sản xuất thiết bị gia dụng cho đến hàng triệu người dân mua nhà. Tình cảnh này trái ngược hoàn toàn với hồi năm 1990 - thời điểm thị trường nhà ở Trung Quốc bắt đầu bùng nổ tại các thành phố lớn, sau đó lan dần sang các khu vực đô thị nhỏ hơn.
“Tốc độ tăng trưởng cao có thể che giấu nhiều vấn đề, song khi tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Chỉ khi nước hồ rút xuống, chúng ta mới có thể nhìn thấy những thứ chưa từng thấy”, ông Jon Danielsson, Giám đốc trung tâm rủi ro hệ thống tại Trường Kinh tế London, nói.
Được biết, Country Garden, được thành lập bởi Yang Guoqiang vào năm 1992, là công ty được hưởng lợi từ sự bùng nổ bất động sản. Thành công này đã biến ông Yang trở thành tỷ phú, đồng thời minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của đất nước. Người dân Trung Quốc, với ít lựa chọn đáng tin cậy để làm giàu, đã đầu tư vốn liếng vào bất động sản. Giống như các nhà phát triển tư nhân lớn khác, Country Garden tiếp tục vay mượn với phương châm chừng nào còn tiếp tục mở rộng, chừng ấy còn tiếp tục trả nợ.
Tuy nhiên, những hoá đơn ngày một nhiều, lớn đến mức giới chức bắt đầu lo sợ khoản nợ khổng lồ sẽ đe dọa hệ thống tài chính rộng lớn. Năm 2020, họ quyết định đàn áp và hạn chế khả năng huy động vốn của các công ty bất động sản.
Lúc này, Country Garden bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào doanh số bán căn hộ trước khi chúng thành hình. Số tiền thu được được dùng để tài trợ cho quá trình vận hành song nhu cầu mua nhà sụt giảm trong năm nay đã đẩy công ty vào cuộc khủng hoảng. Họ nói đây là “khó khăn lớn nhất kể từ khi thành lập”.
Sự lao dốc của Country Garden cho thấy những áp lực đang đè nặng lên vai những nhà phát triển bất động sản tư nhân thuộc hàng lớn nhất Trung Quốc. Từng được coi là biểu tượng miễn nhiễm với căng thẳng tín dụng, tập đoàn này hiện trở thành công cụ đo lường cho sức khỏe của ngành bất động sản vốn đóng góp tới gần 1/4 GDP Trung Quốc.
Theo: CNN, The New York Times
Xem thêm: nhc.892505331509032881-iot-yagn-iav-gnort-on-tahp-cuhc-nedrag-yrtnuoc-on-mob/nv.fefac